Dù gặp thời tiết bất lợi nhưng nhờ chăm sóc tốt nên hầu hết các trà lúa hè thu 2024 trên địa bàn TP Cần Thơ đều phát triển tốt và ít sâu bệnh, hứa hẹn đạt năng suất cao. Ðầu ra xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi và giá lúa gạo đang ổn định ở mức cao, nông dân kỳ vọng sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.
Nông dân ở huyện Thới Lai thăm đồng, theo dõi tình hình phát triển của ruộng lúa hè thu.
Lúa phát triển tốt
Vụ lúa hè thu năm nay đối mặt với nhiều khó khăn do giá nhiều loại vật tư đầu vào ở mức cao, thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ðáng chú ý, năm nay nắng nóng diễn ra gay gắt so với mọi năm, nhiều loại dịch hại lúa cũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Dù vậy, sản xuất lúa hè thu cũng có thuận lợi nhờ thời gian qua cơ sở hạ tầng thủy lợi được Nhà nước quan tâm đầu tư, giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Nông dân cũng được ngành Nông nghiệp tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ðặc biệt, thời gian qua giá lúa duy trì ở mức cao, giúp nông dân có nhiều động lực trong sản xuất. Với sự quan tâm hỗ trợ, khuyến cáo kịp thời của ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, cùng sự chủ động vào cuộc của nông dân trong chăm sóc và bảo vệ lúa, các trà lúa hè thu trên địa bàn thành phố nhìn chung đều phát triển khá tốt và ít sâu bệnh.
Ông Nguyễn Danh Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Dũng ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “HTX có 138 xã viên, với diện tích canh tác lúa hơn 360ha, riêng gia đình tôi có 4ha. Vụ hè thu này, tôi và các xã viên của HTX tham gia sản xuất lúa thơm OM 18, hiện lúa đã được hơn 80 ngày tuổi, bước vào giai đoạn chắc xanh, dự kiến khoảng 2 tuần nữa sẽ thu hoạch. Vụ này, nhờ nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc và bảo vệ lúa nên hầu hết các ruộng lúa của bà con trong HTX đều phát triển tốt, bông lúa khá trĩu hạt. Dự kiến năng suất lúa vụ này có thể đạt 800kg lúa tươi/công tầm lớn. Với năng suất như vậy và giá bán lúa ở mức từ 8.000 đồng/kg trở lên, nông dân có thể kiếm lời từ 3,5-4 triệu đồng/công”. Theo anh Huỳnh Văn Tuấn ở ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, hiện 27 công lúa sạ giống OM 5451 của gia đình anh cũng đang phát triển khá tốt. Lúa đã được 75 ngày tuổi và đang trong giai đoạn trổ đều đến chắc xanh. Dự kiến năng suất lúa vụ này có thể đạt 800 kg/công, tương đương với năng suất lúa vụ hè thu năm trước. Vụ này, do chi phí sản xuất tăng nên, rất mong tới đây lúa bán được giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước để có được mức thu nhập tốt.
Nông dân kỳ vọng giá cao
Vụ hè thu, chi phí sản xuất thường cao hơn, năng suất lúa cũng thấp hơn so với vụ đông xuân. Ðặc biệt, năm nay tình hình nắng nóng kéo dài và diễn ra rất gay gắt nên năng suất lúa hè thu năm nay khó tăng so với cùng kỳ mà nhiều khả năng chỉ ở mức tương đương hoặc giảm chút ít. Do vậy, nông dân rất mong tới đây lúa hè thu bước vào thu hoạch bán được giá cao so với cùng kỳ. Thực tế cho thấy, mong muốn và kỳ vọng của nông dân là hoàn toàn có cơ sở khi gần đây giá lúa gạo tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL tiếp tục duy trì ở mức khá cao nhờ đầu ra xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi. Hiện nhiều tiểu thương kinh doanh lúa gạo cũng đã tìm đến tận nhà của bà con thỏa thuật đặt tiền cọc mua lúa hè thu với giá khá cao, lên đến 8.000-8.200 đồng/kg đối với lúa tươi OM 18 và Ðài Thơm 8. Còn các loại lúa IR 50404, OM 380, OM 5451... có giá từ 7.500-7.800 đồng/kg trở lên.
Anh Trần Tấn Thật, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Vụ hè thu này, 10 công lúa của tôi sạ giống OM 5451, lúa đã bước vào giai đoạn chắc xanh và đang chín, dự kiến 2 tuần nữa sẽ thu hoạch. Hiện tại nhiều nơi đã có thương lái đặt tiền cọc với giá 7.800 đồng/kg. Tuy nhiên, tôi dự kiến cận ngày thu hoạch lúa khoảng 1 tuần mới chốt giá bán nhằm tránh rủi ro khi nhận tiền cọc quá sớm, đến lúc thu hoạch, nếu giá lúa có sự biến động mạnh, rất dễ phát sinh tình trạng “bẻ kèo” dẫn đến bị động trong thu hoạch lúa”.
Vụ hè thu năm nay, ông Huỳnh Văn Nhanh ở ấp Ðịnh Thạnh, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, có 2ha lúa gieo sạ giống OM 18. Hiện lúa đã được hơn 70 ngày tuổi và đang bước vào giai đoạn trổ đều. Ông Nhanh cho biết: “Vụ này nắng hạn, nông dân phải tốn chi phí bơm nước, cùng với giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào còn ở mức cao nên chi phí sản xuất lúa đã tăng đáng kể so với vụ đông xuân vừa rồi. Tuy nhiên, tôi rất mừng ruộng lúa hè thu đang phát triển khá tốt, khả năng lúa đạt năng suất từ 750-800 kg/công. Hiện nay, tại một số tỉnh vùng ÐBSCL đang có lúa thu hoạch, nông dân bán lúa tươi tại ruộng được giá khá cao, với lúa OM 18 được bán với giá hơn 8.000 đồng/kg. Nếu tới đây bước vào thu hoạch, giá lúa OM 18 duy trì được mức giá từ 8.000 đồng/kg trở lên, vụ này tôi có thể kiếm lời trên 3 triệu đồng/công”.
Vụ hè thu này nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuống giống được 71.280ha lúa, đạt 103% so với kế hoạch. Hiện lúa hè thu chủ yếu trong làm đòng đến trổ, riêng những trà lúa gieo sạ sớm đã bước vào giai đoạn chắc xanh và đang chín. Trước tình hình mưa, nắng diễn ra rất phức tạp trong thời gian gần đây, ngành Nông nghiệp thành phố khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên để chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa. Ðặc biệt, giai đoạn lúa trổ đến chắc xanh, cần đưa nước vào ruộng và giữ nước 3-5cm cho lúa trổ nhanh, đều và chắc tốt. Về quản lý dịch hại vụ hè thu, nông dân cần lưu ý các đối tượng dịch hại như rầy nâu, sâu cuốn lá, rầy phấn trắng, chuột, bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông... Trong giai đoạn hiện nay, nông dân cũng cần chủ động rà soát, chuẩn bị các phương tiện, máy móc và tăng cường liên kết với các nhà tiêu thụ và các bên liên quan để tổ chức thu hoạch và tiêu thụ lúa kịp thời nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và có giá bán tốt.l