23/04/2020 - 09:31

Nỗi lo “đại dịch kép”! 

Ngày 21-4, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 sẽ đẩy 265 triệu người đến cảnh bị đói vào cuối năm nay nếu chính phủ các nước không nhanh chóng cung cấp lương thực và cứu trợ nhân đạo cho những vùng có nguy cơ cao nhất.

Hơn 30 quốc gia đang phát triển có nguy cơ xảy ra nạn đói. Ảnh: Guardian

Năm ngoái trên toàn cầu có 135 triệu người đói. Tuy nhiên, tác động vì mất doanh thu du lịch, lượng kiều hối giảm, giao thông ngưng trệ và những hạn chế khác liên quan đến COVID-19 có thể sẽ khiến thêm khoảng 130 triệu người lâm vào tình cảnh tương tự trong năm 2020.

Trong Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực, WFP và nhiều tổ chức đã đồng loạt cảnh báo nạn đói trên toàn cầu có thể là tác động lớn nối tiếp của đại dịch COVID-19. Một số quốc gia nghèo nhất có thể phải đứng trước lựa chọn khó khăn là cứu nhân mạng hay sinh kế. Tiến sĩ Arif Husain, nhà kinh tế trưởng tại WFP, cho rằng COVID-19 có thể trở thành thảm họa đối với hàng triệu người vốn đã chịu tổn thất tài chính do các biện pháp phong tỏa và suy thoái kinh tế. Do vậy, chỉ một cú sốc nữa, như COVID-19, sẽ đẩy họ đến bờ vực.

Ở Lebanon chẳng hạn, những gián đoạn về hoạt động kinh tế do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sinh kế của một bộ phận người dân tới mức họ phải ngửa tay xin giúp đỡ lần đầu tiên trong đời, như trường hợp của Souzan. Bà mẹ 50 tuổi này mô tả tình cảnh hiện nay còn tệ hơn cả chiến tranh. Trong tháng này, Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) cảnh báo nếu không thiết lập chương trình viện trợ thiết thực, hàng triệu người tại quốc gia hơn 6,8 triệu dân này có thể sẽ lâm vào cảnh đói. Trong khi đó, thậm chí nếu không có tác động của dịch bệnh, viễn cảnh đối với nhiều quốc gia như Yemen và khu vực Đông Phi cũng rất ảm đạm. Cuộc xung đột vũ trang tại Yemen đã khiến hàng triệu người đối mặt với nạn đói, trong khi Đông Phi đang bị châu chấu phá hoại mùa màng. Tác động của COVID-19 cũng sẽ đẩy những quốc gia vốn đang xảy ra chiến sự hoặc bất ổn chính trị vượt qua điểm tới hạn.

Năm 2019 có 135 triệu người tại 55 quốc gia phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại. Trong đó, 77 triệu người sống tại những nước bị chiến tranh tàn phá, 34 triệu chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu và 24 triệu sống ở những vùng vật lộn với khủng khoảng kinh tế.

Trong cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ, Giám đốc điều hành WFP David Beasley đã lên tiếng cảnh báo thế giới vừa phải chống đại dịch COVID-19 vừa có nguy cơ xảy ra “đại dịch đói”. Giảm hoạt động kinh tế và hạn chế giao thương nhiều khả năng sẽ bào mòn ngân sách quốc gia, làm giảm thu nhập của các hộ dân và có thể khiến giá cả lương thực tăng. Các chuỗi giá trị thực phẩm thiết yếu có thể sẽ bị gián đoạn, đặc biệt tại những quốc gia nghèo khó và bất ổn như Nam Sudan, Yemen và Afghanistan.

Tuy nhiên, tài liệu của WFP cũng đề cập đến việc “nhiều quốc gia thu nhập cao” có thể càng gặp khó khăn hơn trong việc giúp giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu, bởi hoàn cảnh kinh tế và xã hội tại chính những nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đồng nghĩa tác động tiêu cực đến hoạt động viện trợ nước ngoài.

Theo WFP, thế giới có 10 quốc gia lâm vào khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất năm 2019 gồm  Yemen, Congo, Afghanistan, Venezuela, Ethiopia, Nam Sudan, Syria, Sudan, Nigeria và Haiti. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ông Beasley đã cảnh báo trước Hội đồng Bảo an LHQ rằng “năm 2020 có thể là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai” bởi hàng loạt cuộc xung đột, thiên tai, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế tại nhiều nước Trung Đông và châu Phi.

HẠNH NGUYÊN  (Theo Guardian, VOA)

Chia sẻ bài viết