27/02/2024 - 09:43

Nơi gởi gắm niềm tin của bệnh nhân ĐBSCL 

Hàng ngàn ca bệnh nặng như đột quỵ; nhồi máu cơ tim cấp vào viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở; đa chấn thương, vỡ túi phình, vỡ gan, vỡ lách… nguy kịch đã được cứu sống. Sự hồi sinh của người bệnh không đến từ phép màu, mà đến từ chính bàn tay, khối óc của những người thầy thuốc Bệnh viện (BV) Ða khoa Trung ương Cần Thơ.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phấn đấu đạt tiêu chí BV hạng đặc biệt. Ảnh: Đ.T

Năng lực của tuyến cuối

BS CKII Nguyễn Minh Nghiêm, Phó Giám đốc BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ, chia sẻ: “Các thầy thuốc luôn phấn đấu thực hiện những kỹ thuật mới, chuyên khoa sâu đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân. Hoàn cảnh kinh tế của nhiều người dân ở ÐBSCL còn khó khăn, việc chuyển lên tuyến trên điều trị nằm ngoài năng lực tài chính... Hiện BV đã triển khai hầu hết các kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu như mổ tim hở, can thiệp mạch vành, can thiệp mạch não, phẫu thuật cột sống, nội soi, phẫu thuật thần kinh... Tiêu biểu như Trung tâm Chấn thương chỉnh hình trực thuộc BV, 100% phẫu thuật viên chính đều được đào tạo ở Nhật Bản, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Ðài Loan, Ðức... Ðội ngũ thầy thuốc ở Trung tâm có thể điều trị tất cả bệnh thuộc chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, bệnh nhân không phải chuyển viện lên TP Hồ Chí Minh”.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình được giao chỉ tiêu 95 giường nhưng lượng bệnh dao động 150-200 ca. Bệnh nhân đến từ khắp các tỉnh, thành trong khu vực ÐBSCL. Số ca phẫu thuật lớn tăng dần theo hằng năm: năm 2017 là 4.400 ca, năm 2022 là 7.600 ca... BS CKII Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, cho biết: “Các thầy thuốc đều cố gắng triển khai những kỹ thuật mới, chuyên sâu để bệnh nhân ngày càng được chăm sóc và điều trị tốt hơn”.

Minh chứng là vào cuối tháng 1-2024, các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình phải “cân não” trước ca bệnh cực khó. Ðó là cắt cụt chi hay tiến hành cuộc phẫu thuật lần đầu tiên được thực hiện tại Trung tâm để triệt bỏ khối u và tái tạo hình khớp cho bệnh nhân. Bệnh nhân nữ, 59 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đau nhiều khớp gối trái, hạn chế vận động. Kết quả chụp cộng hưởng từ khớp gối trái ghi nhận: tổn thương tủy xương đầu trên xương chày trái, xâm lấn, hủy vỏ xương, lan ra mặt khớp, kích thước 5.5x5.7x6.7cm, phù mô mềm xung quanh. Kết quả sinh thiết, chẩn đoán là bướu đại bào (tiệm cận ác tính).

Các bác sĩ hội chẩn và quyết định chọn phương án cắt khối u và phần mềm rộng rãi, thay khớp gối nhân tạo chuôi dài cho bệnh nhân này. Chuôi dài có chức năng thay thế đoạn xương đã cắt. Phẫu thuật tiến hành với sự phối hợp của 2 ê-kíp với 16 bác sĩ và điều dưỡng. BS CKII Dương Khải, Trưởng Khoa Thay khớp và Ung bướu học chỉnh hình BV, cho biết: “Niềm vui của người thầy thuốc là giữ lại được chân cho bệnh nhân. Ðến nay, bệnh nhân này đã đi lại được”.

Ðó cũng là trường hợp được thực hiện lần đầu tiên ở ÐBSCL. Trên thế giới, phẫu thuật này chỉ được thực hiện tại các trung tâm chấn thương chỉnh hình lớn ở các nước phát triển. Sắp tới, các thầy thuốc của BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục phát triển mạnh phẫu thuật bướu xương, với tâm nguyện bảo tồn chi, giữ được chức năng chi…

“Mỗi ngày, cố gắng làm tốt hơn” - đó là tâm nguyện của các bác sĩ. Từ chưa phẫu thuật cột sống, các thầy thuốc tiến tới phẫu thuật cột sống hở, rồi phẫu thuật nội soi cột sống. BS CKII Nguyễn Hữu Thuyết, Trưởng Khoa Phẫu thuật Cột sống và Chấn thương, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, cho biết: “Nội soi là xu hướng mới. Chúng tôi phẫu thuật nội soi với tâm niệm “can thiệp tối thiểu, hiệu quả tối đa”, bệnh nhân ít đau hơn, hồi phục sớm hơn, xuất viện sớm hơn... Các bác sĩ luôn cố gắng hoàn thiện kỹ thuật hơn, đi sâu hơn”.

2 ê-kíp với 16 bác sĩ, điều dưỡng tham gia ca phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo chuôi dài cho bệnh nhân. Ảnh: BV cung cấp

Trong những năm gần đây, số lượng các bác sĩ của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình được BV đưa đi đào tạo ở nước ngoài ngày càng tăng. Riêng năm 2023, đã có hơn 10 bác sĩ đi đào tạo từ 3 tháng đến 1 năm. BS CKII Dương Khải, Trưởng Khoa Thay khớp và Ung bướu học chỉnh hình, đi đào tạo ở Ấn Ðộ, Ðài Loan, Thụy Sĩ... cho biết: “Những chuyến đào tạo ở nước ngoài, bác sĩ không chỉ nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, mà còn học bạn về quy trình khám, điều trị, bố trí phòng, trang thiết bị y tế... Từ đó rút tỉa kinh nghiệm, áp dụng phù hợp điều kiện thực tế tại Trung tâm. Chẳng hạn như khi đi tập huấn, thấy bên bạn sử dụng tay Robot để giữ tay bệnh nhân khi mổ thay khớp vai. Dụng cụ này vài trăm ngàn đô. Khi về, mình chế zắc nối giữ tay bệnh nhân. Trước đây, 1 bác sĩ phẫu thuật, 2 bác sĩ giữ tay, vừa mỏi, vừa chiếm không gian. Thực ra, khi đi, nhìn bạn làm, mới có ý tưởng cải tiến”.

Ở chiều ngược lại, số chuyên gia nước ngoài đến BV ngày càng nhiều hơn. Hội nghị quốc tế về cột sống tổ chức vào tháng 11-2023 với 19 bài giảng của các giáo sư đến từ Nhật Bản, Ðài Loan. Ðây là những chuyên gia hàng đầu về chấn thương chỉnh hình - cột sống. Quy mô của hội nghị đã minh chứng cho uy tín và năng lực của đội ngũ thầy thuốc ở Trung tâm Chấn thương chỉnh hình nói riêng và BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ nói chung. Hội nghị này sẽ được tổ chức thường niên. Trong năm 2024, dự kiến tiếp tục 10 bác sĩ được chọn đi đào tạo ở nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn.

Không chỉ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, ở từng khoa, phòng của BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ luôn thi đua, phấn đấu triển khai kỹ thuật mới, chuyên môn sâu để số bệnh nhân ÐBSCL chuyển viện lên tuyến trên ngày càng ít đi. Người dân đồng bằng ngày càng được điều trị tốt hơn.

Sẽ triển khai ghép thận

BS CKII Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: “Trong năm 2023 dù gặp nhiều khó khăn nhưng BV cố gắng đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế để phục vụ người bệnh, nhất là bệnh nhân bảo hiểm y tế. Với những ca bệnh phải cấp cứu nhanh để cứu người bệnh, Ban Giám đốc BV chỉ đạo “Cứu bệnh nhân trước, chi phí tính sau”. BV còn phối hợp các tổ chức, cá nhân luôn sát cánh hỗ trợ người bệnh. Phòng Công tác xã hội kết nối các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2023, cùng với sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, BV đã hỗ trợ 1.029 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 5,1 tỉ đồng. Người bệnh, thân nhân còn được Tổ từ thiện hỗ trợ cơm, cháo, nước sôi, thức ăn, xe chuyển bệnh miễn phí”.

Tập thể BV đang triển khai thực hiện các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí BV hạng đặc biệt. BS CKII Nguyễn Minh Nghiêm, Phó Giám đốc BV, cho biết: “Trong các tiêu chí BV hạng đặc biệt, BV còn 2 tiêu chí chưa đạt là phải đạt 1.200 giường bệnh và ghép tạng. Dự kiến 30-4-2024 sẽ triển khai ca ghép thận đầu tiên. BV đã chọn 3 cặp mẹ con và đang thực hiện các xét nghiệm để chọn cặp ghép. Như vậy chỉ còn tiêu chí giường bệnh. Hiện nay, BV đang quá tải, BV 1.000 giường nhưng nội trú từ 1.600 - 1.700 bệnh nhân, quá tải 160%-170%. Nhiều khoa kê giường bệnh ra hành lang. Nếu BV Chấn thương chỉnh hình (ở đường Nguyễn Văn Cừ, do Bộ Y tế làm chủ đầu tư) được bàn giao cho BV, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình sẽ chuyển về nơi này thì BV có thêm nơi sắp xếp giường cho người bệnh”.

Ngoài ghép thận, BV chuẩn bị phẫu thuật tim nhi, chấn thương chỉnh hình nhi, thành lập đơn vị nhi - sơ sinh, Khoa Nhịp học, Trung tâm Ðột qụy, Hồi sức sau phẫu thuật… Ðồng thời ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào công tác chẩn đoán và điều trị. Trong năm 2024, BV cũng có kế hoạch mua thêm một số trang thiết bị lớn như 1 hệ thống DSA, 1 CT (hiện tại BV có 2 hệ thống DSA, 2 máy CT, 2 máy MRI) và nhiều thiết bị y tế hiện đại khác như hệ thống máy siêu âm, nội soi… nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn.

Với trái tim của người thầy thuốc, vì sức khỏe, niềm tin của người dân ÐBSCL, các thầy thuốc BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ luôn nỗ lực tiến về phía trước, chinh phục những kỹ thuật mới, hiện đại hơn. Từ đó điều trị tốt hơn cho người bệnh, xứng tầm là BV tuyến cuối của đồng bằng.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết