Giữa tháng 10-2017, Khoa Nội thận - tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ cấp cứu cùng lúc 4 bệnh nhân từ các địa phương ĐBSCL, do tự tử bằng thuốc diệt cỏ paraquat. Nguyên nhân dẫn đến tự tử chỉ vì những xung đột, mâu thuẫn nhỏ trong gia đình.
Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn
Theo các bác sĩ, tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ paraquat, bệnh nhân không chết ngay tức thì, mà độc chất này ngấm từ từ và hủy hoại cơ thể. Khi ở giữa lằn ranh sinh- tử, người bệnh hối hận về hành động nông nổi của bản thân, có trường hợp không kịp hối hận.
Tại phòng hành chính của Khoa Nội thận – tiết niệu - lọc máu, dì Trần Kim Hai (ở tỉnh Sóc Trăng) sụt sùi hỏi bác sĩ về tình trạng sức khỏe của Trần Tuấn Minh, con trai dì. Thấu hiểu nỗi đau của người mẹ, nhưng các bác sĩ buộc phải thông báo tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, hy vọng sống rất mong manh.
Hai hàng nước mắt lăn dài, dì Hai kể: “Chiều hôm đó, nó đi nhậu với bạn bè về, hai vợ chồng nó lời qua tiếng lại. Nó lấy thuốc diệt cỏ uống hết nửa chai. Tôi pha nước chanh cho nó súc miệng, tưởng chuyện vậy rồi thôi, nên không đưa con đi BV. Tới trưa hôm sau, nó than mệt, đau họng, khó thở, chân sưng to. Gia đình tức tốc đưa đến BV huyện của tỉnh Sóc Trăng, rồi chuyển lên BV Đa khoa TP Cần Thơ”.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân chuyển đến sau khi uống thuốc diệt cỏ hơn 6 giờ, chất độc đã ngấm sâu, bệnh nhân không còn lọc máu được nữa.
Một đời gánh vác gia đình, giờ tuổi xế chiều những tưởng cậy nhờ vào con, nhưng dì Hai đã tuyệt vọng vì không có được phúc phần đó. Chồng dì là thương binh ¾ lại thường xuyên ốm đau, mỗi ngày dì Hai chèo xuồng khắp các con kênh miền quê bán bún kiếm tiền nuôi 3 con thơ dại và nuôi chồng. Dì kể, anh Minh là con trai lớn trong nhà, hiền lành, ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn. Vợ chồng dì chắt chiu dành dụm, cưới vợ cho con.
“Tụi nó cũng đã có con. Giờ thì người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh, đau đớn lắm. Vậy mà khi nó tỉnh, nó cứ nói: Mẹ ơi đừng lo cho con, con không sao đâu”- dì Hai khóc nấc. Nhấc từng bước chân trở về phòng bệnh của con, nỗi đau lớn dần trong lòng người mẹ. Bệnh nhân Trần Tuấn Minh (24 tuổi) đang chiến đấu với tử thần, nhưng cơ hội về nhà, gánh vác trọng trách gia đình, làm chỗ dựa cho vợ, con và cha mẹ già quá mong manh.
Trong quá trình khám chữa bệnh, các bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, đã từng gặp nhiều trường hợp do xung đột gia đình và đặc biệt có liên quan đến yếu tố rượu bia, khiến bệnh nhân mất bình tĩnh, dẫn đến hành động nông nổi.
Phút nghĩ quẫn
Vì những mâu thuẫn trong đời thường, nhiều người trẻ hủy hoại bản thân, để lại buồn đau cho người thân. Minh họa: K. S
Cùng nằm ở buồng bệnh với anh Minh, cô gái trẻ mới 25 tuổi (ở tỉnh Vĩnh Long) cũng đang giành giật sự sống từng giờ. Theo lời mẹ của cô gái, cô yêu và lấy phải người chồng hay ghen tuông, nhiều lần bị chồng đánh đập vô cớ. Có lần, cô thoát được khỏi nhà và bỏ xứ lên TP Hồ Chí Minh làm thuê. Vậy mà người chồng không buông tha, anh ta hành hạ hai đứa trẻ và làm áp lực tâm lý để buộc vợ quay về nhà. Xót con, cô quay về sống trong “địa ngục trần gian”. “Mấy năm qua, nó sống trong sợ hãi chứ không còn yêu thương gì người chồng bệnh hoạn đó nữa”- mẹ cô gái chua xót.
Hiện nay trên thế giới đã có hơn 40 nước cấm buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất paraquat. Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 1.000 trường hợp ngộ độc paraquat. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã loại bỏ loại thuốc này ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam nhưng lại cho phép nhập khẩu, sản xuất loại thuốc này tối đa trong 1 năm và được buôn bán, sử dụng tối đa trong 2 năm.
Người mẹ đau khổ nhớ lại: “Hôm đó, tôi đi bán ngoài chợ. Ở nhà, vợ chồng nó lời qua tiếng lại, thằng chồng thách vợ: Mày nói muốn chết, vậy tao mua thuốc độc cho mày uống. Rồi nó chạy đi mua thuốc về đưa cho vợ uống. Không biết ma xui quỷ khiến gì mà con gái tôi uống hết chai thuốc rầy thằng chồng nó đưa. Tới chiều, tôi mới hay thì chuyện đã rồi. Giờ nó nằm đây, đếm từng ngày. Đau đớn lắm. Nó mà đi, hai đứa con nhỏ của nó không biết sống sao đây”.
Một người mẹ ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, gia cảnh nghèo khó, vợ chồng già gắng gượng làm thuê kiếm sống, không mong nương nhờ con, vì con cũng khổ. Rồi một hôm, đang hái nhãn thuê ở huyện Phong Điền, cô Nguyễn Thị Hằng nghe tin dữ về đứa con trai độc nhất trong nhà uống thuốc diệt cỏ tự tử.
“Thằng nhỏ siêng lắm, lo làm nuôi vợ con. Bữa đó nó than mệt, nghỉ một ngày. Rồi trong lúc ngủ trưa ngoài chòi, nó nghe văng vẳng bên tai có tiếng ai kêu nó uống thuốc diệt cỏ đi, ngon lắm. Nó giật mình tỉnh dậy, không thấy có người. Cảm thấy lành lạnh, nó vô nhà nằm, nhưng vẫn nghe tiếng ai đó xúi uống thuốc diệt cỏ. Nó chạy xe đi mua, tiếng rủ rê liên tục, nên nó mở nắp uống chai thuốc rồi điện thoại cho người thân báo tin”- người mẹ kể lại câu chuyện.
Theo các bác sĩ Khoa Nội thận – tiết niệu - lọc máu BV, phần lớn các bệnh nhân uống thuốc tự tử gia cảnh rất khó khăn, để có tiền chữa chạy cho con, nhiều gia đình phải vay mượn, thậm chí vay nóng với lãi suất cao. Nhưng khi những người trẻ bồng bột ra đi, để lại mất mát không gì bù đắp được.
Ngộ độc paraquat khiến người bệnh tử vong với tỷ lệ gần 100%. Nếu bệnh nhân được đưa đến BV sớm sau khi uống paraquat, có thể được lọc máu để lấy chất độc, chi phí mỗi đợt lọc khoảng 50 triệu đồng. Những trường hợp uống thuốc quá 6 tiếng, chất độc gây tổn thương đa tạng nặng. Dù uống một lượng paraquat rất nhỏ, vẫn gây tác hại chết người. Ngày đầu tiên, sức khỏe bệnh nhân có thể hoàn toàn bình thường, đến ngày thứ hai, thứ ba, chất độc gây tổn thương gan, thận, vàng da, bí tiểu, suy gan, suy thận, xơ phổi. |
*Tên bệnh nhân và các bà mẹ đã được thay đổi.