24/09/2010 - 08:16

Nỗi ám ảnh mang tên "cực hữu" ở châu Âu

Một số người dân Thụy Điển biểu tình phản đối đường lối cực hữu của DS. Ảnh: EPA

Việc đảng Dân chủ Thụy Điển (DS) theo khuynh hướng cực hữu lần đầu tiên có chân trong Quốc hội với 5,7% phiếu bầu (20 ghế) đã gây ra “cú sốc tâm lý” lớn đối với dư luận châu Âu. Lâu nay, Thụy Điển vẫn được coi là nơi cự tuyệt các phong trào chính trị mang hơi hướng phân biệt chủng tộc, bài ngoại. Vì vậy, sự trổi dậy của phái cực hữu ở Thụy Điển không khỏi làm nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đó không chỉ là nỗi lo riêng của Thụy Điển, mà cả châu Âu cũng đang ám ảnh, bởi phái cực hữu gần hiện diện rộng khắp châu lục này.

Ở Áo, dù nhà sáng lập Joerg Haider đã qua đời, nhưng đảng Tự do khét tiếng chống người nước ngoài vẫn giành được 17,5% số ghế trong cuộc tổng tuyển cử cách đây hai năm. Đảng này kêu gọi đưa ra một đạo luật đặc biệt cấm các biểu tượng Hồi giáo, coi đây là nội dung trọng tâm trong chiến dịch vận động tranh cử cấp khu vực tại Thủ đô Vienne vào tháng 10 tới. Tại Thụy Sĩ, đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) thậm chí đã trở thành chính đảng lớn nhất sau cuộc bầu cử Quốc hội ở nước này năm 2007 với 27% số ghế. Tại Na Uy, phái cực hữu có tên gọi khá ấn tượng “đảng Tiến bộ” đã khẳng định vị thế của phe đối lập lớn nhất khi giành được 23% số phiếu ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái. Ở Hà Lan, đảng Tự do của ông Geert Wilders đang là đảng lớn thứ 3 trên chính trường nước này sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6-2010. Tại Đan Mạch, đảng Nhân dân nổi tiếng chống người Hồi giáo cũng chiếm vị trí thứ 3 trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2001, giành được 25 ghế (13,8%) trong Quốc hội năm 2007 và có thể tăng lên 16% trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Tại Ý, đảng Liên minh phương Bắc của Umberto Bossi, đồng minh của chính quyền Berlusconi, đã đề xuất nhiều chính sách chống người nhập cư sau khi đạt kết quả cao trong cuộc bầu cử địa phương tổ chức gần đây. Ngay cả tại Bulgarie và Hungary, các đảng chủ trương phân biệt đối xử người thiểu số Roma cũng đã có mặt đáng kể trong Quốc hội của hai nước này.

Theo các nhà phân tích, sự lên ngôi của các đảng cực hữu có quan điểm bài ngoại phần nào phản ánh tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài, thất nghiệp gia tăng và bất ổn an ninh trong nhiều năm qua tại châu Âu. Họ cho rằng trong cảnh khốn khó vì thu nhập giảm mà giá cả tăng, lại bị đe dọa bởi thất nghiệp, người dân dễ “giận cá chém thớt”. Những người nhập cư nước ngoài bị xem là nguyên nhân làm người bản xứ thất nghiệp vì họ ngày càng đông, lại chấp nhận mức lương thấp đến “phá giá”. Tâm lý bài ngoại theo đó sẽ tăng lên, vô tình rơi đúng chủ trương “ưu tiên cho người bản xứ” của các đảng cực hữu. Và xu hướng này có nguy cơ phát triển lan rộng nếu các nước cựu lục địa không sớm có giải pháp khôi phục lại lòng tin của dân chúng.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết