11/07/2015 - 10:06

Nỗ lực từ “mái nhà chung” của người khuyết tật

Hội Người khuyết tật (NKT) TP Cần Thơ tiền thân là Câu lạc bộ NKT TP Cần Thơ. Sau khoảng 12 năm thành lập, Hội NKT có bước phát triển vượt bậc. Bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, Hội còn vận động rất nhiều chương trình, dự án, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần từng bước nâng cao kiến thức, đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên NKT…

Từ dự án 10.000 USD

Câu lạc bộ NKT ban đầu chỉ có vài chục hội viên tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm. Qua vài lần sinh hoạt, bức xúc với trực trạng phần lớn NKT không được dạy nghề, không có việc làm, đời sống rất khó khăn, bà Bùi Thị Hồng Nga, lúc đó là Chủ nhiệm CLB, trăn trở tìm cách để dạy nghề cho NKT. Bà Hồng Nga chia sẻ: "NKT đi lại khó khăn, sức khỏe hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không thể tổ chức dạy nghề như người bình thường. Có lần, tham khảo thông tin trên mạng internet, biết Ngân hàng Thế giới tổ chức thi "Ngày sáng tạo Việt Nam lần 1", tôi mừng quá, tập trung viết Dự án "Thành lập Cơ sở Nhịp Cầu (CSNC) - dạy nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) bằng gáo dừa miễn phí cho 45 NKT". Dự án đạt giải và được Quỹ Canada cấp 10.000 USD để dạy nghề cho NKT.

CSNC (thuộc CLB NKT) chính thức thành lập ngày 15-9-2003 để thực hiện dự án. Với 3 khóa dạy nghề trong 18 tháng, có 45 học viên NKT tham gia học và nhận bằng tốt nghiệp (bậc nghề 3/7). Sau khóa học, đa số học viên tham gia sản xuất tại CSNC với mức lương khởi điểm 450.000 đồng/tháng/người. Lúc đó, đầu ra tiêu thụ sản phẩm TCMN là shop Nhịp Cầu và một vài công ty, điểm du lịch. Sau khi thực hiện dự án, CSNC trở thành "mái nhà chung" của NKT và điểm tham quan du lịch mới của du khách khắp nơi trong tour du lịch tại TP Cần Thơ gồm: tham quan nhà xưởng, cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm…

    Đồng chí Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xem bức tranh cầu Cần Thơ được công nhân khuyết tật ở Cơ sở Nhịp cầu sản xuất bằng vật liệu mới từ dự án quỹ Ford.

Sau dự án được Quỹ Canada hỗ trợ, "thừa thắng xông lên", chị Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ viết Dự án "Nâng cao kỹ năng TCMN bằng nguyên liệu dừa cho NKT tại TP Cần Thơ" gởi Quỹ Ford. Chị Hồng Nhung cho biết: "Khoảng giữa năm 2008, sau khi nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành phát triển vùng và nông thôn tại Thái Lan và học bổng toàn phần từ quỹ Ford IFP, tôi về làm việc tại Hội NKT TP Cần Thơ. Lúc đó, hàng TCMN của CSNC chưa đa dạng, phong phú, mẫu mã đơn điệu, tay nghề công nhân chưa cao, vì thế sản phẩm khó tiêu thụ, đời sống công nhân khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Tôi viết dự án gởi quỹ Ford và được chấp thuận tài trợ". Quỹ Ford tài trợ 105.500 USD, thực hiện từ 6-2009 đến tháng 12-2011. Các mục tiêu chính là nâng cao trình độ tay nghề công nhân cũng như chất lượng hàng TCMN về thiết kế, mẫu mã, bao bì; nâng cấp để CSNC trở thành điểm du lịch thu hút khách đến tham quan và mua sắm…, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm TCMN, nâng cao đời sống cho NKT. Sau khóa học, 20 học viên đến từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được đào tạo từ căn bản đến nâng cao. Chất lượng hàng TCMN từ nguyên liệu dừa do NKT sản xuất thể hiện trình độ tay nghề cao về mẫu mã và chất liệu mới. Ngoài shop Nhịp Cầu, dự án đưa các mặt hàng trưng bày tại khách sạn, điểm du lịch... Nhiều cơ quan, ban, ngành đặt hàng ở CSNC để làm quà cho nhân viên hoặc đối tác. Từ đó, đời sống công nhân khuyết tật dần cải thiện, với thu nhập từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/tháng/người (bao ở, gạo ăn). Chị Hồng Nhung nói thêm: "Dù thu nhập chưa cao nhưng công việc này phù hợp với sức khỏe, đi lại, sinh hoạt của NKT. Có tay nghề, việc làm, NKT trở thành người hữu ích, đóng góp công sức cho xã hội". Mô hình CSNC được nhiều đơn vị, tổ chức đến tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và quan trọng hơn là đời sống nhiều NKT vươn lên. Anh Trần Thanh Hải, hội viên NKT, cho biết: "Từ nhỏ, tôi bị khuyết tật nặng 2 chân, phải ngồi xe lăn. Hằng ngày, tôi cùng mẹ chèo ghe bán hàng để kiếm sống. Khi nghe thông báo CLB NKT thành phố tổ chức dạy nghề TCMN miễn phí, tôi đăng ký học ngay. Sau 6 tháng học nghề cơ bản, tôi tự sản xuất một số sản phẩm từ gáo dừa. Khi quỹ Ford tài trợ, tôi tiếp tục được học nghề nâng cao, sản xuất nhiều mẫu mã hàng mới, kết hợp giữa gáo dừa và polyster (nhựa tổng hợp) như: khung hình, logo, tranh... Nhờ hàng hóa tiêu thụ nhiều hơn nên thu nhập của tôi tạm ổn định".

Hội NKT TP Cần Thơ đang thực hiện dự án do Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế - Quỹ đặc biệt dành cho NKT (ICRC-SFD) tài trợ. Vừa qua, dự án tổ chức tập huấn cho ban chấp hành, cán bộ, hội viên Hội NKT, thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật, CSNC, trang bị các kiến thức cơ bản về phục hồi chức năng, nẹp chỉnh hình, chân giả, các điều kiện để sử dụng chân giả... Bà Hồng Nga cho biết thêm: "Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố gởi thông báo về dự án đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn, NKT có nhu cầu sử dụng dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng liên hệ với Hội để được hỗ trợ, hướng dẫn làm các thủ tục. Khi được chấp nhận, dự án mời NKT đến Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (CH & PHCN) Cần Thơ để các bác sĩ thăm khám, chỉ định và làm các dụng cụ phù hợp cho NKT sử dụng. Chi phí thăm khám, làm dụng cụ được ICRC-SFD hỗ trợ". Đây là dự án đầu tiên thí điểm để mở rộng đối tượng NKT hưởng lợi từ dự án phục hồi chức năng của ICRC-SFD, đặc biệt dành cho NKT thông qua sự xác định và giới thiệu của Hội NKT TP Cần Thơ.

Chủ động "săn" dự án

Trước đây, Hội NKT TP Cần Thơ chỉ được hỗ trợ kinh phí tổ chức ngày kỷ niệm NKT, một vài hoạt động chăm lo cho NKT…, trong khi cuộc sống NKT rất khó khăn. Chính vì thế, để góp phần chăm lo, nâng cao đời sống hội viên NKT, Hội chủ động tìm các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hội NKT TP Cần Thơ có thuận lợi là nhân sự chính có trình độ đại học và sau đại học, sử dụng tiếng Anh lưu loát, thậm chí được đào tạo ở nước ngoài, có kỹ năng giao tiếp… có thể viết và thu hút các dự án. Bà Hồng Nga cho biết: "Khi mới thành lập CLB, tôi tham dự lớp tập huấn về kỹ năng lãnh đạo NKT, trong đó có viết dự án do người nước ngoài giảng dạy. Sau đó, tôi về tổ chức tập huấn để truyền đạt kiến thức cho các thành viên chủ chốt của CLB khuyết tật".

Từ tháng 9-2003 đến nay, Hội NKT TP Cần Thơ tiếp nhận 31 dự án, hoạt động của các tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ Hội NKT, CSNC và các hội viên NKT. Tổng số tiền trên 158 ngàn USD, 1.150 euro, trên 220 triệu đồng và hàng trăm xe lăn, xe lắc, chân giả, giày, nẹp... Bên cạnh sự hỗ trợ đó, nhiều năm nay, các giáo viên, sinh viên Hà Lan tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho hội viên NKT (3 buổi/tuần). Qua đó, mỗi khi có khách nước ngoài đến tham quan, mua hàng TCMN ở CSNC, làm việc với Hội NKT, hầu như công nhân, nhân viên bán hàng đều có thể giao tiếp tiếng Anh với khách nước ngoài. Nhiều tình nguyện viên còn hỗ trợ học phí cho con em NKT; hỗ trợ vốn để NKT nghèo lập gia đình có điều kiện làm ăn, mua bán...

Hai năm nay, Hội NKT TP Cần Thơ được UBND TP Cần Thơ công nhận hội đặc thù. Chủ tịch, phó chủ tịch, thủ quỹ, kế toán của Hội được trả lương; Hội được hỗ trợ văn phòng phẩm, điện, nước, kinh phí tổ chức ngày họp mặt NKT. Tuy nhiên, để hỗ trợ, chăm lo tốt hơn nữa đời sống hội viên, Hội tiếp tục nỗ lực tìm các dự án, nguồn hỗ trợ. Bà Hồng Nga bộc bạch: "Muốn thu hút dự án, sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân ngoài nước, ngoài uy tín của Hội, kỹ năng giao tiếp, trình bày với người nước ngoài ở các hội nghị, hội thảo rất quan trọng. Ngoài ra, Hội tìm thông tin về các dự án trên mạng internet, các mối quan hệ xã hội... Khi tiếp nhận sự hỗ trợ thì cần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng tiêu chí nhà tài trợ. Có như vậy mới tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm hỗ trợ từ các nhà tài trợ khác".

Thêm tin vui cho cộng đồng NKT ở TP Cần Thơ, theo chị Huỳnh Ngọc Hồng Nhung: Hội được UBND thành phố dự kiến giao gần 3.000m2 đất ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy để xây dựng Trường dạy nghề cho NKT, trong đó bao gồm: nhà xưởng sản xuất, khu trưng bày, văn phòng Hội NKT, Hội Thể thao NKT, khu vui chơi và nhà văn hóa..., từ nguồn kinh phí Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL, tiểu dự án tại TP Cần Thơ. Đây sẽ là "mái nhà chung", tạo điều kiện để NKT có cơ hội đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội vùng, giảm gánh nặng ngân sách an sinh xã hội cũng như nâng cao quyền của NKT".

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết