Giữa thời điểm dịch COVID-19 trên toàn cầu diễn biến phức tạp, thế giới cũng đang vật lộn với cuộc chiến ngăn thông tin sai lệch lan truyền trong cộng đồng, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến.
Theo Giáo sư Carl Bergstrom tại Đại học Washington (Mỹ), mối quan tâm của người dân đối với SARS-CoV-2 đang bị kẻ xấu lợi dụng để truyền bá thông tin sai lệch trên diện rộng. Mục tiêu có thể là trêu chọc gây tranh cãi hoặc khiến người khác hoang mang, tăng lượng truy cập trực tuyến hòng kiếm tiền từ quảng cáo. Nguy hiểm hơn là những thành phần tìm cách lừa đảo và thao túng số đông.

WHO đang chia sẻ các bài đăng trên mạng xã hội để gỡ bỏ những tin đồn về phương pháp chữa trị COVID-19. Ảnh: NPR
Mặc dù đây không phải cuộc khủng hoảng sức khỏe đầu tiên đứng trước thách thức tin giả trực tuyến, nhưng các nhà nghiên cứu đặc biệt lo ngại bởi dịch COVID-19 chủ yếu tập trung ở Trung Quốc. Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc sở hữu thị trường người dùng Internet lớn nhất toàn cầu khi chiếm 21% trong số 3,8 tỉ người dùng trên thế giới. Nghiên cứu năm 2018 của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cũng chỉ ra tin giả lan truyền nhanh hơn trên mạng xã hội so với tin chính thống. Theo Giáo sư Bergstrom, đa phần mọi người dễ tin tin tức kịch tính hơn là báo cáo của những cơ quan đáng tin cậy như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Trong cuộc họp đầu tháng này, Tiến sĩ Mike Ryan phụ trách các vấn đề khẩn cấp hàng đầu của WHO đã phải lên tiếng rằng thứ họ đang cần là “một loại vaccine” chống thông tin sai lệch.
Trong nỗ lực ngăn chặn tin giả về dịch COVID-19, WHO trước đó đã cho thí điểm chương trình EPI-WIN, đảm bảo sự thật về virus mới được truyền đạt tới công chúng. Một phần của chiến lược tập trung vào các nhà tuyển dụng quy mô lớn. Theo nghiên cứu về niềm tin toàn cầu, mọi người có xu hướng tin lãnh đạo nơi họ làm việc hơn những nguồn khác. Vì lẽ này, nhóm phụ trách EPI-WIN đang kêu gọi sự hợp tác từ các công ty nằm trong tốp 500 của thế giới (Fortune 500) và những tập đoàn đa quốc gia trên nhiều lĩnh vực nhằm phổ biến thông tin đáng tin cậy đến từng nhân viên, gia đình của họ và nhân rộng ra cộng đồng.
Tuần rồi, WHO tiếp tục có buổi làm việc với các ông lớn ngành công nghệ như Google, Twitter, Facebook, Pinterest và TikTok để hạn chế sự lan truyền của tin đồn có hại. Các bên đã thảo luận biện pháp giúp người dân dễ tiếp cận nguồn tin chính xác, tăng cường kiểm chứng những tuyên bố đáng ngờ, từ đó ngăn tin đồn và thông tin sai lệch về COVID-19. Bước đầu, WHO phối hợp Google để đảm bảo mọi người tiếp cận thông tin của tổ chức Liên Hiệp Quốc đầu tiên khi họ tìm kiếm thông tin về COVID-19 trên Internet. Công cụ tìm kiếm của Google cũng xếp hạng các nguồn tin chính thống cao hơn khi mọi người tra cứu vấn đề sức khỏe và dán nhãn những kết quả hoặc tin tức đã kiểm chứng. Nền tảng chia sẻ video YouTube do Google sở hữu cũng không cho phép hiển thị nội dung quảng bá các phương pháp chữa trị nguy hiểm.
Trong khi đó, trưởng ban y tế Facebook Kang-Xing Jin cho biết họ đang tập trung vào các khiếu nại đối với bài đăng tăng nguy cơ nhiễm bệnh; tuyên bố gây nhầm lẫn khiến cộng đồng hiểu sai về các tài nguyên y tế hiện có hoặc phương pháp phòng ngừa, điều trị không có cơ sở khoa học. Điển hình như tin đồn uống chất tẩy rửa có thể chữa COVID-19 hay như thoa dầu mè lên da sẽ ngăn virus xâm nhập. Công ty cũng hạn chế và chặn các cụm từ (hashtag) được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch trên Instagram, dùng công cụ quét để tìm và xóa những nội dung tương tự. Đặc biệt, khi người dùng tìm kiếm thông tin liên quan COVID-19 trên Facebook, một cửa sổ với thông tin chuẩn và đa dạng ngôn ngữ sẽ được hiển thị bên dưới. Ngoài phối hợp với bộ y tế các nước, Facebook cũng hỗ trợ quảng cáo miễn phí cho các tổ chức uy tín chạy chiến dịch phổ biến thông tin về tình hình dịch, các biện pháp phòng và chống COVID-19.
Một số nền tảng mạng xã hội phổ biến khác bao gồm Twitter, Tencent và TikTok cũng có các bước hạn chế lan truyền thông tin sai lệch. Ví dụ như Twitter, mạng xã hội này đang tích cực đưa ra các nguồn đáng tin cậy từ WHO và CDC khi người dùng tìm kiếm cụm từ “coronavirus”. Có công ty còn tăng tính sàng lọc bằng cách hợp tác với nhiều hãng thông tấn lớn. Các chuyên gia hy vọng những nỗ lực này sẽ ngăn chặn hiệu quả “bệnh dịch” lây lan trên các mạng xã hội và trang web.
MAI QUYÊN (Theo AFP, NPR)