Một quan chức Mỹ giấu tên mới đây cho biết, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố San Francisco vào tháng tới.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp người đồng cấp Mỹ Blinken hôm 27-10. Ảnh: Reuters
Theo vị này, hai bên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 nước khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 27-10, nhưng vẫn chưa thống nhất thông tin cụ thể về thời gian, địa điểm và các vấn đề hậu cần liên quan khác. Phía Nhà Trắng trong một tuyên bố cho biết đang “nỗ lực hướng tới” cuộc gặp trực tiếp giữa ông Biden và ông Tập bên lề hội nghị APEC.
Trong khi đó, phía Trung Quốc cho biết hai bên đã trao đổi sâu sắc quan điểm về vấn đề Mỹ - Trung cũng như các vấn đề cùng quan tâm trong bầu không khí mang tính xây dựng. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ trong một thông cáo cho rằng hai bên đã đề cập đến “các lĩnh vực khác biệt” và “các lĩnh vực hợp tác”. Riêng ông Blinken nhắc lại rằng Mỹ “sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích và giá trị của chúng tôi cũng như của các đồng minh và đối tác của chúng tôi”, trong khi ông Vương tuyên bố mục tiêu của Trung Quốc là “đưa mối quan hệ trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững càng sớm càng tốt”.
Song, phía Trung Quốc vẫn chưa xác nhận việc ông Tập có cam kết gặp ông Biden hay không. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết con đường dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh ở San Francisco sẽ không “thuận buồm xuôi gió” và chính phủ 2 nước không thể tự động biến điều đó thành hiện thực. “Để đạt được mục tiêu này, hai bên phải quay trở lại Bali một cách hiệu quả” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, đề cập đến sự đồng thuận mà ông Tập và ông Biden đã đạt được khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau hồi tháng 11 năm ngoái ở Indonesia. Hai bên khi đó nhất trí nối lại đàm phán, thành lập các nhóm làm việc về các vấn đề cụ thể và mở rộng trao đổi giữa 2 nước.
Giới phân tích cũng đưa ra nhận định tương tự. Họ cho rằng đường đến thượng đỉnh Biden - Tập vẫn “gập ghềnh”. Thôi Thiên Khải, cựu đại sứ Trung Quốc tại Washington, cho rằng những yếu tố bất ổn vẫn che mờ đối thoại Trung - Mỹ, bất chấp chuyến thăm của các quan chức nội các, nhà lập pháp và chính trị gia Mỹ để cải thiện quan hệ song phương.
Đưa ra đánh giá tại diễn đàn quốc phòng Hương Sơn ở Bắc Kinh hôm 29-10, ông Thôi ám chỉ sự cố “khinh khí cầu trinh sát” hồi tháng 2-2023 là một trong những sự kiện cản trở cam kết của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nhằm duy trì liên lạc cởi mở giữa các quan chức cấp cao. Ông Thôi cho rằng bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Tập và ông Biden ở San Francisco tại hội nghị cấp cao APEC tới (diễn ra từ ngày 11 đến 17-11) đều phải dựa trên thỏa thuận giữa các quan chức cấp cao. “Tất nhiên, rất nhiều việc cần phải chuẩn bị để hiện thực hóa cuộc gặp này và đảm bảo sự kiện thành công. Chúng ta cần tiến lên trên cơ sở sự đồng thuận của Bali” - ông Thôi nói.
Trong khi đó, Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận định cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập sắp tới sẽ mang lại sự ổn định rất cần thiết cho mối quan hệ giữa hai nước. “Thế giới cần Mỹ và Trung Quốc đi theo con đường hợp lý và ổn định mối quan hệ của họ, mang lại cho khu vực và thế giới tình trạng chắc chắn hơn” - bà Sun nói tới hãng tin AP.
Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 27-10 đã có cuộc gặp kéo dài một tiếng ở Nhà Trắng. Ông Biden nhấn mạnh rằng cả Mỹ và Trung Quốc cần kiểm soát sự cạnh tranh trong mối quan hệ giữa 2 nước một cách có trách nhiệm và duy trì các kênh liên lạc cởi mở, qua đó nhấn mạnh Washington và Bắc Kinh phải hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức toàn cầu. Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, Tổng thống Biden coi cuộc gặp với ông Vương là diễn biến tích cực và là cơ hội tốt để hai bên tiếp tục đối thoại.