13/05/2023 - 09:23

Nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 

 Bài, ảnh: DUY KHÔI

Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) được UNESCO thông qua năm 2003 (gọi tắt là Công ước 2003). Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên chính thức gia nhập Công ước 2003. Những năm qua, Việt Nam luôn thể hiện rõ nỗ lực và quyết tâm trong bảo vệ DSVHPVT.

TP Cần Thơ có nhiều nỗ lực trong bảo tồn DSVHPVT đại diện nhân loại - nghệ thuật Đờn ca tài tử. Trong ảnh: Tiết mục công diễn trong đêm bế mạc Liên hoan Đờn ca tài tử TP Cần Thơ năm 2023.

Sau 18 năm tham gia Công ước 2003, Việt Nam hiện có 15 DSVHPVT được ghi danh vào Danh sách DSVHPVT đại diện nhân loại và Danh sách DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp. Đó là: Nhã nhạc Cung đình Huế (2003); Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2005); Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009); Nghệ thuật Ca Trù (2009); Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc (2010); Hát Xoan Phú Thọ (2011 và 2017); Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012); Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013); Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014); Nghi lễ và trò chơi Kéo co (2015, cùng với các quốc gia Campuchia, Hàn Quốc và Philippines); Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt (2016); Nghệ thuật Bài Chòi ở Trung Bộ (2017); Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (2019); Nghệ thuật Xòe Thái (2021) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022).

Có thể nói những năm qua, Chính phủ và các cơ quan, địa phương liên quan của Việt Nam đã thực hiện Công ước 2003 trách nhiệm, khoa học, với mục tiêu bảo tồn DSVHPVT của dân tộc một cách tốt nhất, góp phần phát huy giá trị, bản sắc văn hóa trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Tất cả các DSVHPVT được UNESCO vinh danh đều được bảo vệ bằng những biện pháp tốt nhất. Các tỉnh, thành phố có di sản được ghi danh xây dựng các dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Di sản Nghệ thuật Đờn ca tài tử là một điển hình. 21 tỉnh, thành Nam Bộ đều có Đề án Bảo vệ và phát huy Đờn ca tài tử với đặc thù riêng của địa phương, kể từ năm 2013. Tại TP Cần Thơ, đề án Ðề án Bảo vệ và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử, giai đoạn 2016-2020 đã kết thúc, với nhiều mô hình và cách làm hay đã giúp di sản Ðờn ca tài tử được bảo tồn, lan tỏa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đã in và phát hành hàng ngàn ấn phẩm, tờ gấp, sổ tay; tổ chức 138 đợt trưng bày, triển lãm, trong đó có các loại sách tư liệu, bài bản, hình ảnh, nhạc cụ về đờn ca tài tử gắn với sự kiện văn hóa, du lịch. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng, số lượng nghệ nhân kế thừa, mở các lớp truyền nghề, đưa đờn ca tài tử vào phục vụ du lịch… được thực hiện có hiệu quả. Lực lượng nghệ nhân đờn ca tài tử luôn được củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt các câu lạc bộ...

Một điển hình nữa cho nỗ lực bảo vệ di sản là trường hợp Hát Xoan Phú Thọ. Năm 2011, di sản này được UNESCO ghi danh vào Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp. Liền sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Phú Thọ đã ráo riết triển khai các giải pháp bảo vệ, khôi phục di sản, đưa di sản vào phục vụ du lịch... Đến năm 2017, tại Phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO, di sản Hát Xoan Phú Thọ của Việt Nam đã chính thức trở thành di sản đầu tiên trên thế giới được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại.

Từ khi tham gia đến nay, Việt Nam đã có 2 lần trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ DSVHPVT, gồm nhiệm kỳ 2006-2010 và nhiệm kỳ 2022-2026. Điều này cũng cho thấy sự tin tưởng và đánh giá cao của UNESCO, các quốc gia tham gia Công ước 2003 đối với nỗ lực bảo vệ DSVHPVT của Việt Nam.

Chia sẻ bài viết