30/09/2022 - 08:26

Ninh Kiều sẵn sàng triển khai Ðề án phát triển kinh tế ban đêm 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 3362/QÐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Ðề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều). Quận Ninh Kiều triển khai quyết định này với mong muốn khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có để phát triển các mô hình kinh tế ban đêm (KTBÐ)… trên địa bàn.

Trò chơi dân gian ở phố đi bộ Ninh Kiều là một trong những hoạt động trong phát triển KTBÐ của đề án.

Ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, nhấn mạnh: "Thực hiện Ðề án phát triển KTBÐ thí điểm tại quận Ninh Kiều là một trong những hoạt động cụ thể hóa quyết định phê duyệt đề án của UBND TP Cần Thơ. UBND quận Ninh Kiều đã xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian tiến hành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện Ðề án. Trong đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan của quận kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, nhằm bảo đảm tiến độ của các hoạt động, triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra đạt hiệu quả cao…".

Quận Ninh Kiều tiếp tục duy trì và nâng chất hoạt động, cho phép mở rộng khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đối với các hoạt động hiện có, như phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu; chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học; tuyến phố chuyên doanh thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và ẩm thực Ðề Thám - Huỳnh Cương; hoạt động karaoke theo quy định tại đường Lê Bình, Lê Lợi...

Trong giai đoạn thí điểm (từ năm 2022 đến năm 2024), đề án thực hiện tại 5 vị trí cụ thể như phố đi bộ Ninh Kiều, khu vực Công viên Sông Hậu (từ cầu đi bộ đến đường Trần Phú), khu vực rạch Khai Luông - kè cặp rạch Khai Luông đến Nhà lồng 1, Nhà lồng 2, Nhà lồng 3 - cụm Trung tâm Thương mại Cái Khế; khu vực Hồ Xáng Thổi, Hồ Búng Xáng và một số vị trí tiềm năng khác theo đề xuất của các nhà đầu tư, UBND các phường (nếu có)...

Phố đi bộ Ninh Kiều tiếp tục duy trì theo mô hình hiện hữu, gồm: hoạt động văn hóa, văn nghệ, đi bộ, ẩm thực phố hàng rong, chợ đêm Ninh Kiều, chợ cổ Cần Thơ, kết nối các điểm du lịch, tàu khách phát triển du lịch trên sông kết hợp kéo dài thời gian các hoạt động đến 6 giờ sáng hôm sau.

Khu vực Công viên Sông Hậu gồm các hoạt động: ẩm thực, nghệ thuật đường phố, biểu diễn nghệ thuật, quảng bá thương hiệu sản phẩm, vui chơi giải trí và các mô hình chợ đêm, chợ quê, chợ nổi, phục vụ chụp ảnh check-in, lưu niệm...

Khu vực rạch Khai Luông (đường Lương Ðịnh Của, Phạm Ngọc Thạch, Lý Hồng Thanh...) gồm các hoạt động karaoke, bar, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe (massage, xông hơi...), đi bộ kết hợp với hoạt động của bến du thuyền và các hoạt động thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí cao cấp khác.

Khu vực Hồ Xáng Thổi với các hoạt động đi bộ, ẩm thực, kết hợp phát triển tuyến phố chuyện doanh ẩm thực Ðề Thám - Huỳnh Cương, hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí…

Phương thức lựa chọn nhà đầu tư cho các hoạt động trên phù hợp với quy định và thời gian triển khai thực hiện vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Ngoài các vị trí trên, các vị trí khác sẽ tiếp tục khai thác thí điểm khi địa phương nhận thấy có tiềm năng, có tính khả thi, được sự đồng thuận của người dân và phù hợp với quy mô, phạm vi cho phép của Ðề án phát triển KTBÐ quận Ninh Kiều.

Kinh phí thực hiện các mô hình từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách quận chủ động bố trí phục vụ lập kế hoạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dùng chung, các hoạt động vận tải kết nối, nâng cấp các bến bãi.... tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, thu hút du lịch. Trong trường hợp khó khăn về kinh phí, quận Ninh Kiều sẽ báo cáo và đề xuất UBND thành phố xem xét, hỗ trợ.

Ðề án phát triển KTBÐ thí điểm quận Ninh Kiều còn vận động nguồn kinh phí xã hội hóa từ doanh nghiệp và người dân trong khu vực kinh doanh khai thác KTBÐ. Khuyến khích các nhà đầu tư góp phần đầu tư vào hạ tầng dùng chung. Ðồng thời, nhà đầu tư và người dân trong khu vực thí điểm phải thực hiện chỉnh trang đường phố, cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn nghệ thuật, lắp đặt các công trình phụ kết nối để tạo cảnh quan khu vực tổ chức KTBÐ, đầu tư trực tiếp các hạng mục, các phương tiện, cơ sở vật chất... dùng riêng cho hoạt động kinh doanh khai thác KTBÐ theo cụ thể từng phương án thuộc đề án đưa ra.

Sau khi thực hiện thí điểm, Ninh Kiều tổ chức báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm phát triển KTBÐ trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều). Ðồng thời, địa phương đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực phục vụ phát triển KTBÐ trên địa bàn thành phố (dự kiến trong tháng 7-2024). Quận tiếp tục đề xuất mô hình nhân rộng và phát triển các mô hình KTBÐ trên toàn địa bàn TP Cần Thơ từ năm 2025, đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện giai đoạn 2025-2030…

Chia sẻ bài viết