Suốt 70 năm làm báo, nhà báo Phan Quang tích lũy vốn sống, tư liệu phong phú về các giai đoạn lịch sử và phát triển của đất nước. Năm nay, khi sắp bước vào tuổi 90, ông đã trích một phần tư liệu đó để viết nên cuốn bút ký "Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm". Sách do NXB Trẻ ấn hành quí I-2017, tái hiện sống động một giai đoạn lịch sử của dân tộc, từ năm 1949 đến 1955.
Theo chia sẻ của tác giả, "Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm" không phải là sáng tác văn học, cũng không hẳn là một bút ký được chuẩn bị từ đầu, chỉ là bản ghi chép rút từ sổ tay nhật ký phóng viên ghi lại bất kỳ ở đâu và không kể khi nào
Ông xem đó như một "mảnh tình riêng" của mình nên cất giữ suốt bao năm qua, giờ chia sẻ mong những ai có nhu cầu tìm hiểu về con người, cuộc sống của một thời, có được những tư liệu cần thiết.
Vì lẽ đó, "Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm" là những câu chuyện thật, những cảm xúc thật của một người đi- thấy- nghe- quan sát và viết. Tác giả kể với bạn đọc những câu chuyện mình chứng kiến, cảm nhận qua những chặng đường dài trong công cuộc kháng chiến đã trải qua. Khởi đầu tại chiến khu Ba Lòng- thượng nguồn sông Thạch Hãn (Quảng Trị) năm 1949, qua nội thành Huế, từ cửa Tư Hiền, cửa Thuận Nam, cửa Việt, cửa Tùng, Vĩnh Linh và kết thúc bên bờ Hồ Gươm giữa thủ đô năm 1955.
Nhà văn, nhà báo Phan Quang sinh năm 1928 tại Quảng Trị. Ông từng giữ những cương vị lãnh đạo ở Báo Nhân Dân, Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam, Tổ chức Quốc tế các Nhà báo OIJ
Ông là tác giả của hơn chục tập truyện, tiểu thuyết, bút ký
và hàng chục cuốn sách văn học dịch, tiêu biểu là bộ "Nghìn lẻ một đêm" nổi tiếng với bạn đọc Việt Nam gần nửa thế kỷ nay.
|
Độc giả được chứng kiến các đơn vị bộ đội hành quân chiến đấu, tham gia các chiến dịch quan trọng: 1950, Phan Đình Phùng, Thượng Lào
Để từ đó cảm phục sự hy sinh của những chiến sĩ kiên trung. Chẳng hạn như Trung đội trưởng Cúc, quê ở Yên Thành, Nghệ An. Từ một cậu ấm, anh trở thành chỉ huy dũng cảm, chín chắn, lập nhiều chiến công. Câu chuyện về quá trình rèn luyện, trưởng thành trong quân ngũ của anh khiến người đọc vừa thương, vừa nể. Anh Cúc đã hy sinh khi sắp sang tuổi 30.
Những ghi chép của tác giả không chỉ như những thước phim, bức ảnh về thời chiến, mà còn khắc họa đậm nét những hoạt động sản xuất, chiến đấu, học tập
và sinh hoạt thường nhật ở nhiều vùng quê hương Việt Nam trong thời kỳ ấy. Tác giả còn đề cập đến những chủ trương, chính sách lớn của dân tộc như: giảm tô, cải cách, "tạm vay" lúa của dân, thu thuế công thương nghiệp, đợt chỉnh huấn của Đảng năm 1953
Bên cạnh đó là chuyện của tác giả với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp
tạo nên những khoảnh khắc lắng đọng, lưu lại những kỷ niệm đẹp.
"Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm" không chỉ là hành trình trưởng thành trong kháng chiến của một phóng viên mà còn là một chặng đường đấu tranh bi hùng của đất nước, mang đến cho độc giả những tư liệu quí về một giai đoạn lịch sử của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp.
CÁT ĐẰNG