20/04/2010 - 20:49

Những thủ tục tư pháp trong tố tụng dân sự

Hỏi: Tôi được ông N.V.M ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” với nguyên đơn bà N.T.Đ. Tôi có một số thắc mắc xin được giải đáp. Đất trong tình trạng tranh chấp và người xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở tỉnh khác thì có được cấp GCNQSDĐ hay không? Thủ tục pháp lý cấp GCNQSDĐ. Trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ thì có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ được không? Phương thức thực hiện yêu cầu này? Tôi có quyền yêu cầu trưng cầu giám định tính pháp lý hành chính của bộ hồ sơ địa chính được không? Tôi có quyền yêu cầu Tòa án đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định giá trị của từng chứng cứ có được không?

Nguyễn Thị Để
(xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang)

Thắc mắc của bạn được Luật sư Ngô Công Minh, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ giải đáp:

- Đất trong tình trạng tranh chấp phải được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai đến khi quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực pháp luật, sau đó hộ gia đình, cá nhân tiến hành các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất để được cấp GCNQSDĐ.

Hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận tình trạng đất đai, quy hoạch. Việc đề nghị giải quyết tranh chấp đất hoặc xin cấp GCNQSDĐ không phụ thuộc vào việc người đó đăng ký thường trú ở địa phương nào. Hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để được cấp có thẩm quyền xem xét cấp GCNQSDĐ.

Mặt khác, hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của TAND, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật (khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai).

- Theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự: trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn; đương sự yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; chứng cứ cần thu thập; lý do vì sao tự mình không thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cần thu thập đó; Tòa án có thể trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình chứng cứ; cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

- Việc yêu cầu trưng cầu giám định tính pháp lý hành chánh của bộ hồ sơ địa chính không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật giám định tư pháp, bởi lẽ trong lĩnh vực đất đai việc đăng ký quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính khi xác định trình tự, thủ tục đầy đủ đúng pháp luật thì người sử dụng đất được cấp GCNQSDĐ.

Theo Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự: việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định giá trị pháp lý của từng chứng cứ.

Nếu như đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp (khoản 1 Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự).

PHƯƠNG DUNG
(thực hiện)

Chia sẻ bài viết