19/08/2014 - 20:09

Những thiên tài nhỏ tuổi của ngành y học tương lai

Trong khi bạn bè cùng trang lứa dành hầu hết thời gian để học tập và vui chơi, một nhóm thanh thiếu niên tiêu biểu lại dành trọn thời gian để nghiên cứu y học. Từ Maryland (Mỹ) đến Dubai (Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất - UAE), những thần đồng y học này đã mang về không ít giải thưởng khoa học quốc tế danh giá từ các sáng kiến của mình.

Joshua Meier, 18 tuổi (Mỹ)

 

Tế bào gốc từ lâu được biết có khả năng phát triển thành các tế bào chuyên biệt và có tiềm năng điều trị bệnh Parkinson, chấn thương cột sống và nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, tế bào gốc nhân tạo thường có tuổi thọ ngắn nên giới hạn khả năng ứng dụng trong ngành y. Gần đây, nghiên cứu đoạt giải thưởng khoa học của Meier đã xác định các gien liên quan đến quá trình lão hóa của loại tế bào này. Meier – người sắp trở thành sinh viên ngành sinh học và khoa học máy tính tại Harvard – hy vọng nghiên cứu của cậu có thể áp dụng cho các tế bào khác và đưa đến những giải pháp thực tế, chẳng hạn như điều trị ung thư. Được biết, Meier bắt đầu nghiên cứu khi mới 14 tuổi.

Adeeb Alblooshi, 10 tuổi (UAE)

 

Nhằm giúp người cha bị bại liệt có thể bơi được với đôi chân giả, Alblooshi (khi đó mới 6 tuổi) đã chế tạo đôi chân không thấm nước bằng cách phủ lên nó lớp sáp y tế. Ít lâu sau, cậu sáng chế một robot nhằm giúp mẹ vệ sinh các khu vực có diện tích nhỏ. Sau này, với sự giám sát và tài trợ của chính phủ, Alblooshi đã cho ra đời thêm 5 phát minh, bao gồm loại dây an toàn theo dõi nhịp tim của hành khách và đưa ra cảnh báo khi nhịp tim quá nhanh hay quá chậm.

Hai chị em Samantha và Michelle Marquez (Mỹ)

 

Khi đang học lớp 7, Samantha (18 tuổi-ảnh trên) đã thực hiện một đề tài nghiên cứu và tạo ra celloidosome, cấu trúc 3 chiều được tạo ra từ các tế bào sống. Cấu trúc sinh học nhân tạo này có phạm vi ứng dụng rộng rãi - từ sinh học, y học đến môi trường - và đã giúp cô giành nhiều giải thưởng khoa học danh giá trên thế giới, bao gồm Giải thưởng Nghiên cứu Khoa học thần kinh tại Hội nghị của Viện Hàn lâm thần kinh học Hoa Kỳ.

 

Trong khi đó, Michelle (15 tuổi-ảnh dưới) đã quyết định khám phá những nhân tố không thể chạm tới như âm thanh hay cảm xúc. Nghiên cứu của cô phân tích hoạt động não và nhận thấy rằng những âm thanh có độ phức tạp cao hoặc các tiếng ồn hỗn độn kích hoạt phần não có liên quan đến cảm xúc tiêu cực, trong khi các âm thanh có độ phức tạp thấp kích hoạt phần não liên quan đến cảm xúc tích cực. Nghiên cứu của Michelle đã được vinh danh tại Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật ứng dụng Quốc tế Intel (ISEF).

Sandile Kubheka (Nam Phi)

 

Khi bạn bè đồng trang lứa chỉ mới quen với cuộc sống sinh viên thì Kubheka đã trở thành bác sĩ trẻ nhất Nam Phi ở tuổi 20 (sớm hơn 4 năm so với bình thường). Giờ đây khi bước sang tuổi 21, Kubheka đã là chủ nhân của nhiều giải thưởng vì những thành tựu đạt được trong lĩnh vực y khoa và sự cống hiến của cậu đối với cộng đồng, như chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện do sinh viên điều hành hay tình nguyện làm việc trong các bệnh viện nông thôn vào ngày nghỉ lễ…

Dù đang dồn sức hoàn tất giai đoạn thực tập 2 năm tại Bệnh viện Grey, nhưng Kubheka vẫn tranh thủ làm đại sứ cho Cơ quan Hiến máu Quốc gia Nam Phi và thành lập một quỹ giúp đỡ thanh niên ở các nước đang phát triển và khu vực nông thôn tiếp cận với kỹ thuật và y học.

Tony Hansberry (Mỹ)

 

Lần tham dự một chương trình giáo dục kiến thức y học tại trường đã mang đến cho cậu bé 14 tuổi Hansberry cơ hội thực tập tại bệnh viện UF Shands, bang Florida (Mỹ). Tại đây, Hansberry đã đề xuất kỹ thuật khâu theo chiều dọc cho các ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Minh họa trên ma-nơ-canh, cậu đã chứng minh cách khâu này giúp bịt kín vết mổ nhanh gấp 3 lần phương pháp khâu truyền thống. Kỹ thuật “khâu dọc” của Hansberry được đánh giá đạt hiệu quả cao và được nhiều phẫu thuật viên sử dụng cho đến ngày nay, gọi là “cách khâu Hansberry”.

Hansberry (hiện 20 tuổi) đang theo học ngành hóa tại Đại học Nông nghiệp và Cơ khí Florida. Cậu mong muốn trở thành phẫu thuật viên trong tương lai và cứu sống được nhiều người.

Jack Andraka (Mỹ)

 

Ở tuổi 15, Jack đã phát triển thành công phương pháp chẩn đoán sớm ung thư tuyến tụy, dưới sự hướng dẫn của một giáo sư tại Đại học Johns Hopkins. Phương pháp xét nghiệm của Jack chỉ tốn vài phút để hoàn tất trong khi cho kết quả nhanh hơn, rẻ hơn và nhạy hơn phương pháp hiện hành.

Phát minh của Jack (hiện 17 tuổi) đã được cấp bằng sáng chế và giúp cậu giành được giải thưởng lớn trị giá 75.000 USD tại ISEF 2012, cũng như thu hút sự chú ý của các hãng truyền thông lớn và cơ hội diễn thuyết xuyên quốc gia đến các nước như Canada, Ý, Úc, Hy Lạp, Anh để giới thiệu về phát minh của mình.

Andrew Almazán Anaya (Mexico)

 

Dù nổi danh là một chuyên gia tâm lý có trình độ chuyên môn khi mới 16 tuổi, nhưng Anaya luôn nghĩ bản thân còn nhiều điều cần phải hoàn thiện. Đó là lý do tại sao 5 năm qua, Anaya tham gia vào một nhóm nghiên cứu đang tìm cách hoàn thiện phương pháp ghép tế bào đảo ở bệnh nhân tiểu đường – biện pháp nhằm ngăn tình trạng thải ghép khi đưa tế bào của người hiến vào cơ thể người nhận. Trong khi nhóm nghiên cứu chờ cấp phép thử nghiệm phương pháp này trên chuột và động vật lớn hơn, Anaya tranh thủ đảm nhiệm vai trò người đứng đầu mảng nghiên cứu tâm lý tại “Centro de Atención al Talento” – một trung tâm xúc tiến việc nhận diện sớm và hỗ trợ cho những tài năng nhỏ tuổi.

TRÍ VĂN-NGUYỆT CÁT (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết