28/09/2014 - 15:52

Những thắc mắc thường gặp khi trẻ tiêm sởi - rubella

Cùng với cả nước, tháng 10-2014, TP Cần Thơ bắt đầu tiêm vắc-xin sởi-rubella cho trẻ em từ 1-14 tuổi. Đây là lần đầu tiên thành phố tiêm vắc - xin phối hợp để phòng đồng thời hai bệnh này. Phóng viên Báo Cần Thơ có trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ về những thắc mắc của phụ huynh khi tiêm ngừa vắc-xin này.

 Xin bác sĩ cho biết, vắc-xin này do nước nào sản xuất và được kiểm nghiệm ra sao ?

- Vắc - xin này do hãng Serum Institule, Ấn Độ sản xuất, đạt tiêu chuẩn kiểm định của Tổ chức Y tế Thế giới, do Liên minh toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ kinh phí, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc mua và cung ứng cho Việt Nam. Đây là vắc-xin an toàn, thông thường sau tiêm chỉ có phản ứng nhẹ như: sốt, nổi ban và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Vắc-xin này đã được sử dụng tại hàng chục nước trên thế giới và chưa ghi nhận có tai biến nặng do vắc-xin. Ngày 15-9-2014, trên 28.000 trẻ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế… đã tiêm ngừa vắc-xin này và đều đảm bảo an toàn.

 Thưa bác sĩ, trường hợp trẻ tiêm 1 mũi sởi - quai bị - rubella, đang chờ tiêm mũi 2 thì có tiêm sởi - rubella lần này?

 Tiêm ngừa cho trẻ tại Trạm y tế phường Xuân Khánh.

- Nếu trẻ đã tiêm 1 mũi vắc-xin sởi-rubella hoặc sởi-quai bị-rubella, vẫn cần tiêm thêm 1 mũi vắc-xin sởi-rubella trong chiến dịch (trừ trường hợp mới tiêm 1 tháng gần đây).

 Trẻ lúc nhỏ tiêm ngừa đủ 2 mũi sởi, từng bị bệnh rubella; trường hợp trẻ từng bị bệnh sởi, rubella, có tiêm ngừa sởi - rubella lần này?

- Những trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi và rubella thì không phải tiêm vắc-xin này vì người mắc bệnh này thường có miễn dịch bền vững. Tuy nhiên, nếu chỉ mắc sởi hoặc rubella hoặc chưa chắc chắn mắc các bệnh này thì rất cần tiêm vắc-xin phối hợp sởi-rubella để phòng bệnh.

 Nếu trẻ đã tiêm sởi đầy đủ, lần này có tiêm mũi sởi - rubella không?

- Nếu trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đúng lịch thì có thể được bảo vệ khỏi bệnh sởi. Tuy nhiên, trẻ chưa được bảo vệ phòng bệnh rubella nên cần được tiêm vắc-xin phối hợp sởi-rubella. Việc tiêm nhắc lại một mũi sởi không ảnh hưởng sức khỏe trẻ.

 Phụ huynh cần chuẩn bị gì cho trẻ khi tiêm sởi-rubella?

- Phụ huynh cần cho trẻ ăn no trước khi đi tiêm. Đồng thời chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe trẻ như: đang mắc bệnh, đang điều trị, có dị tật bẩm sinh; tiền sử sinh non, dị ứng, đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như: sốt cao, phát ban, sưng đỏ vùng tiêm… Phụ huynh hỏi cán bộ y tế về loại vắc - xin tiêm chủng, phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Phụ huynh cho trẻ ở lại 30 phút sau tiêm, tại điểm tiêm chủng để cán bộ y tế theo dõi. Đồng thời tiếp tục theo dõi và chăm sóc trẻ trong 24 giờ sau tiêm để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nếu trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế; phụ huynh không được đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao (>390C), co giật, khó thở, tím tái, phát ban…Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe con mình sau tiêm chủng, có thể trực tiếp đến trạm y tế xã, phường để được tư vấn thêm về cách chăm sóc trẻ.

 Tổ chức điểm tiêm chủng ở các trường học thế nào, thưa bác sĩ ?

- Điểm tiêm ở các trường học cần có sự tham gia của thầy cô giáo để huy động đầy đủ học sinh tiêm và phối hợp giải quyết các trường hợp cần thiết. Chúng tôi đề nghị Ban giám hiệu bố trí phòng tiêm riêng đủ rộng, đủ bàn ghế; trẻ xếp hàng vào phòng tiêm, tiêm xong sẽ sang phòng theo dõi sau tiêm, có cán bộ y tế hay thầy cô. Đối với trẻ dưới 6 tuổi khi tiêm cần sự tham gia của phụ huynh, người giám hộ, nuôi dưỡng trẻ. Tại điểm tiêm có tối thiểu 2 nhân viên y tế được huấn luyện về kỹ năng thực hành tiêm chủng và phòng chống sốc. Đối với các trẻ tiêm trong trường học, gởi thông báo đến phụ huynh từ 3-5 ngày trước chiến dịch. Đề nghị phụ huynh đọc kỹ thông tin mặt sau giấy mời và chủ động thông báo tình trạng sức khỏe trẻ.

 Nếu đến ngày tiêm ở trường học, trẻ bị bệnh, không tiêm được thì phụ huynh có thể liên hệ tiêm bổ sung cho trẻ ở trạm y tế được không?

- Nếu trẻ bị hoãn tiêm do bệnh thì khi hết bệnh có thể liên hệ với trạm y tế để được tiêm vét. Lịch tiêm vét tại trạm y tế như sau: Ngày 4 và 5-11-2014 cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi; ngày 4 và 5-12-2014 cho trẻ từ 6-10 tuổi và ngày 4 và 5-2-2015 cho trẻ từ 11-14 tuổi. Tạm hoãn tiêm vắc - xin sởi - rubella cho trẻ thuộc diện sau: Mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt các bệnh nhiễm trùng; trẻ sốt ≥ 37,50C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,50C (đo nhiệt độ tại nách); trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch hoặc truyền máu, huyết tương trong 3 tháng; trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống, tiêm) trong 14 ngày, thuốc ức chế miễn dịch khác hay điều trị xạ trị; mắc bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, bệnh máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu; các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất…

 Trẻ vãng lai có được tiêm không ?

  - Trẻ vãng lai cũng là người Việt Nam. Các trạm y tế cần quan tâm trẻ ở khu vực tạm trú, di biến động, vùng xa, khu công nghiệp mới… đảm bảo được tiêm ngừa. Điều cần lưu ý các phụ huynh, không phải lúc nào cũng có vắc-xin phối hợp nên cố gắng để trẻ được tiêm ngừa.

 Xin cảm ơn bác sĩ !

H.HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết