28/01/2013 - 19:44

Những tấm lòng thời khó

THÁI DUY (Tổng hợp)

Năm hết Tết đến, “con rồng” 2012 “bay” qua với hàng loạt biến động phức tạp về kinh tế và chính trị trên thế giới. Điều đáng nói là bất chấp “đám mây đen” của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ đang phủ bóng lên cuộc sống thường nhật, đâu đó trong thế giới rộng lớn này vẫn còn và cần lắm những con người với tinh thần “lá lành đùm lá rách” đáng quý và trân trọng hơn cả mọi thứ vật chất có thể đem ra cân, đo, đong, đếm. Nhân qua năm mới, xin mạn phép kể ra đây đôi tấm lòng vàng nơi xứ người để thấy và hiểu rõ cái đẹp của cuộc sống vẫn hiện hữu dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến nhường nào.

Bà lão bán rau tốt bụng ở Đài Loan

Mở đầu câu chuyện, xin được đề cập đến bà lão bán rau nổi tiếng ở Đài Loan Trần Thụ Cúc. Bà Trần năm nay 63 tuổi, không phải là nhân vật quyền lực hay nổi tiếng gì, nhưng lòng từ thiện và những hoạt động cống hiến cho xã hội trong suốt 20 năm qua của bà đã được cộng đồng quốc tế công nhận với giải thưởng được ví “Nobel châu Á”- Ramon Magsaysay Award hồi tháng 8-2012, vì “những cống hiến cá nhân không mệt mỏi và thầm lặng đã tác động đến cuộc sống của rất nhiều người Đài Loan mà bà từng giúp đỡ”.

Bà Trần Thụ Cúc (giữa) tại lễ trao giải “Nobel châu Á”- Ramon Magsaysay Award hồi tháng 8-2012. Ảnh: CAN

Mồ côi mẹ và sinh ra trong gia đình có đông anh em, đến năm lớp 6 lại phải nghỉ học nên bà Trần hiểu rất rõ những đứa trẻ phải trải qua hoàn cảnh cơ cực như mình. Do đó, dù thu nhập cá nhân không nhiều, nhưng trong suốt 20 năm qua bà vẫn không ngừng nghỉ giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn với từng đồng góp nhặt từ quang gánh rau cải mỗi ngày.

Sau mỗi ngày làm việc vất vả, tối về ngủ dưới sàn nhà nhưng bà bộc bạch: “Tôi rất hạnh phúc mỗi khi được giúp đỡ người khác. Bởi tiền bạc chỉ hữu dụng khi nó được dùng vào mục đích giúp đỡ những ai thật sự cần tới chúng”. Bà đã quyên góp khoảng 231.000 USD trong các hoạt động từ thiện vì trẻ em như xây thư viện, cung cấp thức ăn, nơi ở cho những em cơ nhỡ hoặc gia đình bị thiên tai bao năm qua và trong tương lai con số này vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm nữa.

Nói về giải Ramon Magsaysay Award với tiền thưởng 50.000 USD, bà Trần khiêm tốn: “Chẳng có gì nhiều để thảo luận bởi tôi nào phải tham gia hay đoạt giải cuộc thi gì”. Bà cho biết sẽ dùng số tiền thưởng có được tặng cho bệnh viện Mackay ở Đài Đông để giúp xây dựng những cơ sở chăm sóc đặc biệt. Chính thiện tâm cùng suy nghĩ vì lợi ích cộng đồng đã giúp bà Trần được vinh danh trong danh sách tốp 100 Nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2010 do độc giả tạp chí Time uy tín của Mỹ bình chọn và là một trong 48 nhà từ thiện kiệt xuất của tạp chí Forbe châu Á.

“Robinhood thời hiện đại” của Ấn Độ

Không phải xuất thân từ hoàn cảnh cơ cực như Thạch Tak Nguyễn, nhưng tỉ phú 77 tuổi người Ấn Độ Yusuf Hamied, nhân vật nói đến sau đây lại là tấm gương làm giàu bằng những công việc có ích cho người khác.

Hồi tháng 8 năm ngoái, trong khi hãng dược Thụy Sĩ Novartis đệ đơn kiện Ấn Độ và đòi độc quyền sản xuất thuốc trị ung thư Glivec tại nước này thì Chủ tịch công ty dược Cipla lớn thứ 4 của Ấn Độ, Hamied tuyên bố hạ giá thành xuống 4 lần đối với ba loại thuốc chữa trị ung thư não, thận và ung thư phổi. Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, ông trùm ngành y Ấn Độ bộc bạch: “Tôi hy vọng có thể tiếp tục hạ giá thành các sản phẩm thuốc điều trị ung thư nhiều hơn nữa không chỉ riêng tại Ấn Độ mà còn đến châu Phi và các quốc gia khác”.

Tỉ phú Ấn Độ Yusuf Hamied, nhân vật được mọi người xưng tụng là “Robinhood thời hiện đại”. Ảnh: AFP

Cách đây 12 năm, cũng với nỗ lực và mong muốn loại bỏ căn bệnh HIV/AIDS tại các nước đang phát triển, công ty dược của ông đã cách mạng hóa việc điều trị AIDS khi phá vỡ thế độc quyền của các hãng dược phương Tây để cung cấp thuốc với chi phí cực thấp, mang đến hy vọng được chữa trị cho những người không có khả năng chi trả. Năm 2011, ông Hamied được Tổ chức BioSpectrum trao giải thưởng “Thành tựu Trọn đời” của khu vực châu Á-Thái Bình Dương để ghi nhận những cống hiến khoa học vì đời sống trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, các hãng thuốc phương Tây lại lên án Hamied như là người không tôn trọng sở hữu trí tuệ; ngược lại, ông cáo buộc họ là “những kẻ giết người trên toàn cầu” khi bán ra những sản phẩm thuốc đặc trị với giá quá cao.

Phát biểu với tạp chí Forbes, Hamied nói rằng người dân Ấn Độ không đủ khả năng chi trả cho các loại thuốc đặc trị theo giá độc quyền của các công ty khác. Ông nhấn mạnh: “Sứ mệnh của chúng tôi nói rằng thành công không thể đánh giá bằng lợi nhuận của riêng mình mà phải bằng chính những đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Chàng trai gốc Việt  trở thành người hùng ở Mỹ

Để tiếp tục, xin nhắc đến câu chuyện về chàng trai người Mỹ gốc Việt Thạch Tak Nguyễn, cựu sinh viên của Trường Đại học California. Anh là một trong 5 nhà lãnh đạo trẻ được Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh trong giải thưởng Champions of Change - Những người hùng vì Sự Thay đổi hồi tháng 3-2012. Đây là một phần trong sáng kiến Winning Future do đích thân ông chủ Nhà Trắng phát động nhằm tôn vinh những dự án cùng hoạt động phục vụ và cải thiện cộng đồng.

Thạch Tak Nguyễn (trái) và đồng sự Bryan Pezeshki tại lễ vinh danh ở Nhà Trắng. Ảnh: Swipes for the Homeless

Theo những lời Thạch bộc bạch, anh đã cùng gia đình sang Mỹ định cư từ rất nhỏ. Dù trải qua cuộc sống cơ cực, nhưng chính ba mẹ là người tạo nguồn cảm hứng và động lực thôi thúc ước muốn được giúp đỡ người khác nơi chàng trai 23 tuổi.

Thạch hiện là người đồng sáng lập nên tổ chức phi lợi nhuận “Swipes for the Homeless”, hoạt động trên tiêu chí hỗ trợ bữa ăn cho những người vô gia cư. Khởi đầu vào năm 2009, phạm vi hoạt động của “Swipes for the Homeless” chỉ gói gọn trong khuôn viên Đại học Califorrnia bằng cách khuyến khích các sinh viên của trường dành tặng các bữa ăn không dùng hết hoặc “cà” thẻ ăn thêm một lần sau các bữa ăn nhằm giúp những người vô gia cư trên khắp Los Angeles. Hoạt động của Thạch đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình khi cung cấp hơn 30.000 bữa ăn cho người vô gia cư trong hai năm qua.

Đến nay, “Swipes for the Homeless” đã mở rộng phạm vi đến một số trường đại học khác trên khắp nước Mỹ như Đại học Nam California, Viện Đại học California - Berkeley, Đại học bang Texas-San Marcos và thậm chí vươn ra cả quốc tế như Đại học Paris của Pháp. Trước đó, anh từng đảm nhiệm vai trò quản lý dự án tại các công ty lớn nhất nước Mỹ như Công ty Walt Disney và Tập đoàn Target.

Thạch cho biết, mong muốn của anh không chỉ là mang đến bữa ăn cho người vô gia cư mà còn lên tiếng vì những tầng lớp thấp cổ bé họng trong xã hội. Hiện tại, anh đang nắm vai trò quản lý công việc nội bộ của tổ chức, tập trung vào công tác đào tạo thế hệ lãnh đạo kế tiếp của tổ chức với mong muốn tìm kiếm và mở rộng phạm vi hoạt động giúp đỡ cộng đồng. “Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là bản thân có thể giúp mọi người cải thiện được chất lượng cuộc sống, ở bất cứ nơi nào mình đã đi qua” - Thạch bày tỏ.

* * *

Không chỉ có bấy nhiêu, trên thế giới vẫn còn nhiều lắm những con người dốc lòng trước hoàn cảnh, thân phận không được may mắn như mình. Đó có thể là những nhân vật đầy quyền lực như Chủ tịch máy tính Microsoft Bill Gates và tỉ phú Warent Buffet với tổ chức The Giving Pledge, là bà Indu Jain - Chủ tịch Tập đoàn truyền thông lớn nhất Ấn Độ Bennett, Coleman & Co Ltd -  đơn vị chủ quản của tờ Times of India và nhiều báo lớn khác cùng quỹ từ thiện Times Foundation… Những con người, những tổ chức ấy đã có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng, sưởi ấm bao cảnh đời khốn khó.

THÁI DUY (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết