19/05/2009 - 07:45

Kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2009)

Những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố. Với đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác không phải là những gì cao siêu, to tát, mà từ những điều rất nhỏ trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Qua Cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu được các cấp ủy Đảng, đoàn thể tuyên dương, khen thưởng… Nhân kỷ niệm 119 ngày sinh của Bác, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số tấm gương cá nhân tiêu biểu đã được tuyên dương…

Trần Thái Nghiêm: Nguyện hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân

 

Bác Hồ đã từng dạy “Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” (*) – Nhận thức điều ấy, nên thời gian qua Trần Thái Nghiêm, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để trở thành người cán bộ giỏi, đảng viên gương mẫu. Trong hai năm 2008 và 2009, Trần Thái Nghiêm được biểu dương về thành tích thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Từ nhỏ, Nghiêm đã gắn bó với ruộng vườn. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Nghiêm về công tác Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền. Những ngày đầu làm việc của anh kỹ sư trẻ bộn bề khó khăn, Nghiêm thường xuyên cùng các đồng nghiệp ra thăm đồng, thăm vườn, trò chuyện với bà con nông dân để làm quen nết người, nết đất.

Năm 2006, khi tham gia chương trình cao học, chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, được tiếp cận với những tri thức mới, Nghiêm hăng say nghiên cứu khoa học. Anh cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều đề tài: Xây dựng kế hoạch phát triển toàn diện xã Nhơn Nghĩa theo mô hình nông thôn mới, hiện đại; giải pháp phát triển ngành nông nghiệp địa phương gắn với sự phát triển du lịch của huyện trong điều kiện tham gia của cộng đồng... Nhiều đồng nghiệp của Nghiêm kể: Trong quá trình nghiên cứu, anh thường xuyên khảo sát thực tế, nắm bắt nhu cầu của nông dân, tìm hiểu thị trường thật kỹ để xây dựng các mô hình, giúp nông dân sản xuất hiệu quả... Hình ảnh người đảng viên - kỹ sư trẻ xắn quần đến gối, bì bõm lội ruộng, băng đồng, vào các vườn cây ăn trái để hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi trồng, ứng dụng các mô hình sản xuất... đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân Phong Điền. Nghiêm còn cùng các đồng nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nhiều mô hình kinh tế hợp tác, xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo... Nhờ sự tận tình của Nghiêm và đồng nghiệp, nhiều nông dân Phong Điền đã thành công với mô hình mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng,vật nuôi ở địa phương.

Với vai trò Phó Bí thư Chi bộ, Trần Thái Nghiêm cùng Chi ủy lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Anh kể: “Thông qua các hoạt động tọa đàm, kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình... đa số cán bộ, đảng viên đã có chuyển biến về nhận thức, ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, nêu cao tinh thần trách nhiệm với tập thể. Riêng bản thân tôi, thực hiện tốt lời Bác dạy, tôi sẽ không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, tăng cường đi cơ sở, đúc kết những kinh nghiệm sản xuất, chủ động đề xuất với ngành để xây dựng những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập cho nông dân, góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Trần Thanh Loan: Giúp nhân dân, dù việc nhỏ cũng làm

 

Tại buổi liên hoan kể chuyện những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại quận Thốt Nốt vừa qua, những nỗ lực học tập và làm theo gương Bác của chị Trần Thanh Loan, Chủ tịch Hội LHPN quận, đã khiến nhiều người cảm phục.

Vốn có năng khiếu và đam mê công tác đoàn thể, năm 2005, đang làm cán bộ của Trường Tiểu học Thị trấn Thốt Nốt 1, chị Loan được điều động về làm cán bộ Huyện đoàn, rồi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Huyện đoàn đầu năm 2007. Giữ cương vị thủ lĩnh của thanh niên đúng vào lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chị Loan luôn trăn trở, suy nghĩ: “Làm sao để thanh niên hăng hái hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động? Làm sao để thanh niên hôm nay phát huy sức trẻ, đóng góp trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như Bác kính yêu hằng mong mỏi?”. Chị Loan đã tích cực đi cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Chị Loan tâm sự: “Tham dự nhiều cuộc sinh hoạt lệ với chi đoàn, tôi nhận thấy đa số ĐVTN có tâm huyết và muốn cống hiến, nhưng do hoạt động của tổ chức Đoàn chưa thực sự thu hút họ... Từ đó, tôi đã cũng tập thể Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động các chi đoàn; tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn để ĐVTN phát triển kinh tế gia đình, tạo cơ hội để ĐVTN cống hiến như các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, nâng cấp giao thông, hiến máu nhân đạo...”. Nhờ nỗ lực đó, năm 2007, công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên của huyện Thốt Nốt trở thành đơn vị mạnh của thành phố.

Cuối năm 2007, chị Loan được điều động làm Chủ tịch UBND xã Trung Kiên. Chị Loan bộc bạch: “Những ngày đầu do chưa quen công việc chính quyền, trong công việc tôi gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng. Nhưng khi nghĩ tới lời Bác dạy “Cán bộ là công bộc của dân”, tôi xác định công việc đầu tiên của một Chủ tịch xã là phải trọng dân, gần dân, nghe dân nói và quan tâm chăm lo đời sống cho dân”. Trên tinh thần đó, chị đã tích cực đi cơ sở dự các cuộc họp dân, gặp gỡ bà con tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để kịp thời giải quyết những khó khăn cho dân, ngày càng được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng. Các cán bộ, đảng viên và bà con ở đây còn nhớ, khi xây dựng tuyến đường Phụng Thạnh 2 dài gần 1.350 mét, dù bận nhiều việc, nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian tham gia vận động bà con đóng góp tiền, hiến đất, chặt cây mở rộng đường. Những gia đình kinh tế khó khăn không thể đóng góp tiền, chị vận động các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp hỗ trợ. Nhờ vậy, tuyến đường thi công hoàn thành đúng tiến độ và kỹ thuật thiết kế, tạo phấn khởi trong nhân dân. Trong năm 2008, chị đã vận động các nguồn lực trên địa bàn xã xây dựng 19 căn nhà tình thương tặng các gia đình khó khăn về nhà ở. Chị Loan tâm sự: “Giúp được cho dân, dù là việc rất nhỏ tôi cũng làm”.

Cuối năm 2008, chị Loan lại được điều động làm Chủ tịch Hội LHPN huyện. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, chị rất quan tâm chăm lo đời sống cho hội viên phụ nữ nghèo. Chị đang tập trung nâng chất các tổ tín dụng tiết kiệm, đẩy mạnh các phong trào “nuôi heo đất” giúp đỡ học sinh nữ nghèo học giỏi, phong trào thực hiện “hũ gạo tình thương” giúp đỡ những hội viên phụ nữ nghèo...

Thay đổi liên tục lĩnh vực công tác, nhưng chị Loan luôn chấp hành nghiêm túc sự phân công của tổ chức. Chị bộc bạch: “Là cán bộ, đảng viên dù bất kỳ cương vị nào tôi cũng nguyện hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Đào Nhum: Muốn dân tin, cán bộ và gia đình cán bộ phải gương mẫu

 

Tôi gặp chú Đào Nhum, người dân tộc Khmer, Chuyên viên công tác dân tộc - trực thuộc Văn phòng HĐND, UBND quận Ô Môn – khi chú được tuyên dương, gắn huy hiệu Bác Hồ và mời giao lưu tại liên hoan kể chuyện, tuyên dương tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” quận Ô Môn.

Chú kể, theo phong tục của đồng bào dân tộc Khmer, khi lớn lên chú vào chùa tu học. Thời gian tu học đã giúp chú càng hiểu nhiều hơn về cuộc sống, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc mình. Hoàn tục đúng vào lúc đất nước hoàn toàn giải phóng, chú tham gia cách mạng và “cái duyên” công tác dân tộc gắn với chú mãi tới nay. Chú Đào Nhum tâm sự: “Để tạo niềm tin trong đồng bào dân tộc, mình phải bám cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Bà con dân tộc Khmer rất chân thật, nói phải đi đôi với làm thì mới vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...”.

Khi Đảng ta phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chú suy nghĩ rất nhiều. Nhất là, làm thế nào để Cuộc vận động đi sâu vào đời sống, làm chuyển biến nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer? Chú đã tham mưu cho Quận ủy, phối hợp cùng các ngành, Hòa thượng Đào Như (Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP Cần Thơ, Trụ trì chùa Pôthisômrôn) tổ chức biên dịch các tài liệu của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố ra chữ Khmer để các tăng sinh, sư sãi, achar và đồng bào dân tộc Khmer đọc, tìm hiểu. Chú Đào Nhum phấn khởi nói: “Khi có các tài liệu dịch ra tiếng Khmer thì đồng bào dân tộc Khmer rất thích đọc và tiếp thu nhanh”. Trong quá trình thực hiện Cuộc vận động, chú tích cực vận động bà con dân tộc Khmer thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu trong sinh hoạt các lễ hội tôn giáo cũng như tập tục của dân tộc, bài trừ những tập tục lạc hậu, mê tín, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hiện toàn quận Ô Môn còn 341 hộ nghèo, đây là điều mà chú Đào Nhum luôn trăn trở. Chú cho biết sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ và vận động bà con chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều năm làm công tác vận động quần chúng trong đồng bào dân tộc Khmer, chú Đào Nhum đúc kết kinh nghiệm: “Muốn bà con tin tưởng làm theo, bản thân người cán bộ và gia đình phải gương mẫu, có uy tín. Phải am hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc”. Hiện nay, chú Đào Nhum tiếp tục nghiên cứu sử dụng những từ ngữ chính trị Việt - Khmer để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống mới trong đồng bào dân tộc.

Trần Văn Hòa: Nói đi đôi với làm

 

Gần đến ngày 19-5, muốn gặp anh Trần Văn Hòa, Tổ Trưởng Tổ dịch vụ Công trình – Xí nghiệp Công viên cây xanh (trực thuộc Công ty Công trình Đô thị TP Cần Thơ) thật khó. Bởi anh cùng các anh em công nhân đang tất bật với các công trình làm đẹp cho các công viên, đường phố... Tranh thủ giờ nghỉ, gặp chúng tôi, anh chia sẻ: “Chúng tôi cũng như mọi người, muốn làm thật nhiều công trình, trang hoàng thành phố thật đẹp để kỷ niệm 119 năm Ngày sinh của Người”.

Anh Hòa quê ở tỉnh Thái Bình, là con út trong gia đình có 3 anh em trai đều là bộ đội. Những cuộc hành quân cùng đơn vị vượt Trường Sơn vào giải phóng miền Nam đã đưa anh đến Cần Thơ. Năm 1981, anh Hòa chuyển ngành, đến năm 1991 anh về công tác tại Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ. Trải qua nhiều nhiệm vụ công nhân chăm sóc cây, thủ kho, phụ trách kinh doanh... nhiệm vụ nào anh Hòa cũng cố gắng hoàn thành thật tốt. Chính vì vậy mà sau một thời gian ngắn công tác, năm 1996, anh Hòa vinh dự được kết nạp vào Đảng, được các đảng viên tín nhiệm bầu giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Chi bộ nhiều nhiệm kỳ.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều anh em trong đơn vị bày tỏ sự khâm phục đối với anh Hòa, không chỉ vì những kinh nghiệm chuyên môn dày dạn được anh đúc kết trong 18 năm công tác, mà còn ở tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, ở cái tính “đã nói là làm và phải làm tới nơi tới chốn”. Mỗi khi nhận công trình, anh dành thời gian nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ: nên trồng cây gì để vừa đẹp, vừa phù hợp với thổ nhưỡng; bố trí như thế nào để đảm bảo mỹ thuật. Anh thường xuyên xuống công trình, trực tiếp lao động cùng anh em công nhân, tận tình hướng dẫn, chia sẻ cùng anh em các kinh nghiệm của bản thân. Thời gian rảnh, anh chủ động nghiên cứu, tìm hiểu những mặt hàng cây cảnh phù hợp thị hiếu thị trường để báo cáo, đề xuất đơn vị đưa vào kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Anh Hòa luôn có ý thức tiết kiệm, rất quan tâm làm thế nào để tiết kiệm nhất ở những công việc mà mình đảm nhận, từ thời gian, nguyên liệu, công cụ công tác... Điển hình như trước đây, trước khi chuyên chở cây xanh đến công trình thường “cho qua” phần kiểm tra, nên số lượng, chủng loại không đúng, đủ, phải chạy đi chạy về rất tốn thời gian, nhiên liệu. Để khắc phục, anh nghiên cứu, đề xuất cùng lãnh đạo xí nghiệp nghiên cứu bố trí lịch vận chuyển hợp lý, quản lý tốt công nhân về giờ giấc làm việc... Bản thân anh luôn nêu gương về việc đảm bảo giờ giấc, làm việc có trách nhiệm. Không chỉ phấn đấu cho riêng mình, anh Hòa còn tham mưu cho Chi bộ triển khai phong trào thi đua tiết kiệm, tăng năng suất lao động trong toàn thể cán bộ, công nhân viên của Xí nghiệp, tạo được phong trào tiết kiệm sâu, rộng trong đơn vị, như: quản lý công cụ lao động không để xảy ra thất thoát; nghiên cứu nâng cao kỹ thuật trồng cây, không để cây chết; hàng thu hồi tái chăm sóc để phục vụ tiếp theo; tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu, phân bón... Trong 2 năm 2008, 2009, đơn vị đã phục hồi và tái sử dụng hơn 11 ngàn bội kiểng và 881m2 cỏ, tiết kiệm được trên 80 triệu đồng; tiết kiệm 1.410 ngày công lao động, trị giá tương đương 112,8 triệu đồng...

Là người “Lính Cụ Hồ” rời quân ngũ, anh Hòa luôn dành trong tim mình một tình cảm thiêng liêng về Bác. Đặc biệt, từ khi thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu về những mẩu chuyện, lời dạy của Bác, để triển khai học tập trong chi bộ và quần chúng của đơn vị. Anh phấn khởi cho biết, nhờ thực hiện Cuộc vận động mà thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên trong đơn vị đã tự “soi” lại bản thân mình, có chuyển biến tốt trong việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. “Riêng tôi, nhờ tìm hiểu và thường xuyên nhắc nhở bản thân phải học tập và làm theo gương Bác, tôi đã sửa chữa được những khuyết điểm trước đây, như nóng tính, sắp xếp công việc chưa khoa học... Được nhận Huy hiệu Bác Hồ lần này, với tôi là niềm vinh dự và là nguồn động viên lớn lao để tôi có thể vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu để vươn lên trong thời gian tới” – Anh Hòa bộc bạch.

Ngô Thị Thắm: Giỏi việc nước, đảm việc nhà

 

Là 1 trong 4 cá nhân được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ và giấy khen vì đã có thành tích nổi bật trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2009, chị Ngô Thị Thắm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ở ấp Thới Bình A 1, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, gây ấn tượng với mọi người là phụ nữ giản dị, chất phác, vẻ mặt chân thành, phúc hậu...

Chị Thắm kể, trước đây, cuộc sống gia đình chị rất khó khăn. Cha mẹ nghèo, nên năm 1990, khi vợ chồng chị ra riêng, tài sản chẳng có ngoài căn nhà lá nhỏ ven sông. Đứa con trai ra đời càng làm cho cuộc sống khó khăn hơn. Thấm thía nỗi cơ cực của cái nghèo, nên chị luôn ý thức vươn lên. “Muốn thoát khỏi đói, nghèo thì mình phải biết tiết kiệm. Chính từ suy nghĩ đó nên mỗi ngày, số tiền hai vợ chồng làm thuê kiếm được, tôi đều dành một khoản để bỏ vào heo đất. Số tiền tuy nhỏ nhưng cứ tích cóp dần...”- chị tâm sự. Bằng số tiền tích cóp được, cùng với số vốn do Hội Phụ nữ bảo lãnh vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị mua chiếc vỏ lãi làm phương tiện để bán nước đá dọc theo bờ kênh, nuôi heo nái... Trả hết nợ, chị dành dụm mua thêm đất, cất nhà. Đến nay, chị đã có 4,5 công đất, trồng xen canh 2 lúa - một màu, thu nhập từ việc chăn nuôi, mua bán tạp hóa tại nhà... cũng đã giúp gia đình chị ổn định cuộc sống.

Kinh tế gia đình khấm khá, chị có điều kiện tích cực tham gia công tác xã hội. Năm 2001, chị Thắm được chị em tín nhiệm bầu làm Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thới Bình A1 và được kết nạp Đảng năm 2004. Chị nói: “Là đảng viên, tôi luôn nhắc mình phải luôn tiền phong gương mẫu, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cả trong cuộc sống hàng ngày và trong hoạt động công tác xã hội”. Thời gian qua, chị Thắm luôn là nhân tố tích cực trong công tác vận động chị em làm kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và tuyên truyền viên tích cực về kiến thức pháp luật. Để có điều kiện giúp đỡ, chị vận động chị em trong ấp vào Hội, thành lập các nhóm phụ nữ tiết kiệm, huy động vốn nhàn rỗi để giúp nhau làm kinh tế và hướng dẫn, bảo lãnh để các chị em vay tín chấp ngân hàng, giúp cho nhiều chị em thực hiện được các mô hình làm ăn hiệu quả. Mỗi kỳ sinh hoạt Hội, chị triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để các hội viên tìm hiểu, quán triệt. Những trường hợp chị em muốn làm các giấy tờ, nhưng không rõ thủ tục hành chính, chị giải thích, hướng dẫn cặn kẽ. Đặc biệt, thấy được lợi ích của việc tiết kiệm, chị tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong Chi hội làm theo. Hiện giờ, phong trào nuôi heo đất đã trở thành một phong trào lớn, được chị em trong Chi hội hưởng ứng sôi nổi. Chị Thắm cũng là một nhân tố tích cực trong công tác vận động quần chúng trên địa bàn. Chị thường xuyên kết hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể ấp, xã vận động nhân dân đóng góp làm đường, chung tay giúp đỡ người già yếu neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em nghèo hiếu học... Khi tôi hỏi việc gia đình, chị Thắm mỉm cười, tự nhận mình là người hạnh phúc và may mắn khi có người chồng hiểu, yêu thương và sẻ chia cùng chị những khó khăn trong công việc và cuộc sống; sẵn lòng tạo điều kiện, giúp đỡ chị việc gia đình để chị có thời gian công tác, cùng 2 con ngoan, học giỏi...

Hình ảnh người cán bộ phụ nữ gương mẫu, đảm đang việc nhà và tận tâm với công việc xã hội ngày càng trở nên gần gũi thân thiết với bà con ấp Thới Bình A1. Chị Thắm tâm sự, Huy hiệu Bác Hồ vừa nhận là niềm vinh hạnh, cổ vũ động viên chị và gia đình nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục phấn đấu, xứng đáng là người đảng viên, xứng đáng với sự tin yêu của bà con.

  NHÓM PHÓNG VIÊN CHÍNH TRỊ

----------

(*): Trích bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Hà Tây, ngày 10-2-1967.

Chia sẻ bài viết