02/10/2020 - 10:22

Những nguyên nhân bất ngờ khiến bạn luôn khát nước 

Khát nước là biểu hiện bình thường khi cơ thể bị thiếu nước. Nhưng nếu đã bổ sung nước đầy đủ theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế mà vẫn luôn khát và muốn uống thêm thì bạn có thể xem xét đến những nguyên nhân bất ngờ dưới đây.

Ảnh: Delish

Ảnh: Delish

Một thói quen mới

Thêm một thói quen mới (như thử bài tập thể dục mới, chơi môn thể thao mới) không chỉ khiến lịch trình sinh hoạt hằng ngày bị xáo trộn, mà còn có thể khiến bạn phải tăng lượng nước bổ sung cho cơ thể, dù bình thường bạn đã uống nhiều nước.

Bà Stefani Sassos - chuyên gia dinh dưỡng của Tạp chí y khoa Good Housekeeping Institute (Mỹ) - cho biết nhu cầu tiêu thụ nước cũng sẽ tăng khi bạn bắt đầu theo đuổi một chế độ ăn mới, nhất là khi muốn giảm lượng mỡ thừa. “Nhìn chung, các chế độ ăn ít tinh bột - đường (low-carb hoặc KETO) khiến cơ thể dễ bị mất nước hơn. Vì tinh bột - đường giữ nước và chất điện giải, nên khi bạn giảm đáng kể lượng tinh bột - đường trong chế độ ăn, thì lượng nước bị thải ra ngoài qua nước tiểu nhiều hơn”.

Do đó, bất kể đang theo đuổi chế độ ăn nào, điều quan trọng nhất là uống nước theo cơn khát và lắng nghe nhu cầu cơ thể. Cách để biết cơ thể có mất nước hay không là quan sát màu nước tiểu: màu vàng nhạt là đủ nước, màu vàng đậm hoặc màu cam là đang thiếu nước.

Ăn mặn

Giống như cách cơ thể xử lý lượng glucose dôi dư, thận xử lý lượng muối dư thừa và chuyển nó vào nước tiểu, từ đó khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Quá trình này thường diễn ra vài giờ sau khi bạn dùng một bữa ăn chứa hàm lượng muối cao. Lúc này, não phát ra tín hiệu “khát nước”.

Do đó, việc uống nhiều nước sau khi ăn mặn là chuyện bình thường. Nhưng nếu thường xuyên ăn nhiều muối, bạn sẽ có nguy cơ bị mất nước mãn tính và chứng huyết áp cao, cũng như bị tổn thương thận hoặc tim về sau.

Lẫn lộn cảm giác đói và khát

Theo bà Sassos, nhiều triệu chứng mất nước như mệt mỏi và chóng mặt có thể được cảm nhận tương tự như khi đói bụng. Nên việc lắng nghe cơ thể và quan sát dấu hiệu đói và khát là rất quan trọng. Nếu đã nốc vài ly nước mà vẫn thấy muốn uống thêm, hãy nghĩ đến việc ăn nhẹ hoặc dùng bữa chính vì rất có thể bạn đang đói.

Khô miệng

Khô miệng có thể là do dùng thuốc, huyết áp cao, nhưng tình trạng này dễ bị nhầm lẫn là khát nước. Tiến sĩ Ron Weiss ở Ðại học Rutgers (Mỹ) cho biết thói quen dung nạp caffeine, hút thuốc, dùng thuốc kháng histamine hoặc thuốc cảm có thể làm nặng thêm tình trạng khô miệng và gây khát nước.

Ngoài bổ sung nước, cách khác để giảm khô miệng là nhai kẹo cao su, nhằm kích thích tăng tiết nước bọt. Nếu hai biện pháp này không hiệu quả, hãy thử dùng một số thuốc chữa khô miệng theo hướng dẫn từ bác sĩ. 

Mắc bệnh tiểu đường

Theo Tiến sĩ Weiss, việc cảm thấy khát nước liên tục có thể là do các biến chứng liên quan đến tiểu đường. Ví dụ, ở người bị tiểu đường tuýp 2, thận thường ở trong trạng thái căng thẳng khi phải hấp thụ lượng glucose dư thừa. Khi không được chuyển hóa, glucose sẽ tồn đọng trong nước tiểu và làm tăng lượng nước tiểu. Ðiều này làm bạn đi tiểu thường xuyên hơn, khiến cơ thể thiếu nước trầm trọng và dẫn tới khát nước.

Ăn nhiều món có tính lợi tiểu

Các loại thực phẩm và thức uống lợi tiểu (như rau cần tây, măng tây, nước râu bắp, nước đậu đen) dễ gây cảm giác khát nước thường trực, vì chúng kích khích bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường và làm cơ thể mất nước.

Tuyến giáp có vấn đề

Thận không phải là cơ quan duy nhất ảnh hưởng đến cơn khát và việc điều tiết nước trong cơ thể. Tiến sĩ Weiss cho biết tuyến giáp cũng ảnh hưởng to lớn tới mức độ khát nước mà bạn cảm nhận, nếu hoạt động sản xuất hoóc-môn tuyến giáp không ổn. Theo Viện Tiểu đường và Bệnh tiêu hóa và Thận Quốc gia Mỹ, người có vấn đề về tuyến giáp cũng có thể bị tiểu đường tuýp 1, thiếu máu và những bệnh lý có thể gây khát nước.

Đái tháo nhạt

Ðây là bệnh lý kích hoạt tình trạng mất cân bằng chất dẫn lưu trong cơ thể. Ðái tháo nhạt diễn ra khi cơ thể sản xuất không đủ hoóc-môn chống thải niệu ADH. Tình trạng tương đối hiếm gặp này khiến thận liên tục đào thải nước vượt quá mức bình thường, buộc người bệnh phải uống thêm nhiều nước vì quá khát.

AN NHIÊN (Theo Yahoo News)

Chia sẻ bài viết