15/10/2009 - 08:08

Kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2009)

Những mô hình "dân vận khéo"

Thực tiễn sự nghiệp cách mạng của Đảng ta cho thấy, công tác dân vận có vai trò quan trọng, gắn chặt với thành công của từng giai đoạn cách mạng. Phát huy truyền thống ấy, những năm qua, các cấp ủy Đảng TP Cần Thơ luôn quan tâm lãnh đạo để công tác dân vận ngày càng đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, vận động nhân dân làm giao thông nông thôn... góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng

Mặc dù đến thời điểm này, cầu Đình Vĩnh Trinh và cầu Bà Lữ (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) đã được khánh thành đưa vào sử dụng hơn 1 tháng nay, nhưng trò chuyện với chúng tôi, nhiều bà con ở ấp Vĩnh Long không giấu được niềm vui khi kể về cây cầu được tạo nên từ sự đồng lòng, đoàn kết của bà con trong ấp. Ông Nguyễn Văn Chảnh, người dân ấp Vĩnh Long, phấn khởi: “Làm được cây cầu này bà con mừng lắm! Xe cộ lưu thông dễ dàng, việc sinh hoạt của bà con, học tập của trẻ nhỏ cũng sẽ thuận lợi hơn”.

Cầu Đình Vĩnh Trinh  được xây dựng khang trang nhờ vào sự chung sức chung lòng đóng góp của nhân dân. 

Theo các cán bộ và bà con trong khu vực, cầu Đình Vĩnh Trinh và cầu Bà Lữ được xây dựng trước năm 1975, chiều ngang rất hẹp và xuống cấp đã nhiều năm nên việc đi lại của nhân dân rất khó khăn. Để tạo thuận lợi cho bà con trong sinh hoạt, Chi bộ và Ban Nhân dân ấp đề xuất Đảng bộ, UBND xã cho phép vận động kinh phí tổ chức xây dựng 2 cây cầu bằng bê tông cốt thép. Đồng chí Phan Văn Ấm, Bí thư Chi bộ ấp Vĩnh Long, kể lại: “Theo ý kiến của bà con, cầu Đình Vĩnh Trinh được chọn xây dựng trước vì vào những ngày cúng đình, số lượng bà con tụ họp về rất đông. Thế nhưng, kinh phí hơn 300 triệu đồng khiến ai cũng “ngán”, vì ngoài 100 triệu đồng huyện hỗ trợ, số tiền phải huy động sự đóng góp của nhân dân là rất lớn, trong khi đời sống bà con còn nhiều khó khăn”. Để giảm bớt chi phí xây dựng, huy động được nguồn lực tập thể đóng góp xây dựng địa phương, các thành viên trong Ban vận động đã soạn thư ngỏ gởi đến những mạnh thường quân, đồng thời phối hợp với các cán bộ ấp tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp vì lợi ích chung. Các cán bộ, đảng viên trong ấp và thành viên Ban Vận động như ông Phạm Văn Nhiều, Thái Ngọc Ẩn, Phan Văn Thâm, Nguyễn Văn Bi, Lê Quang Trường... là những người gương mẫu góp trước. Sự chân thành, phân tích hợp tình hợp lý của các cán bộ đã tác động tích cực đến người dân, không chỉ góp tiền, bà con còn thống nhất cùng các cán bộ ấp, Ban vận động đóng góp công lao động để thi công công trình.

Ông Phạm Văn Nhiều - Phó Ban Thường trực Ban vận động, nói: “Để xây dựng cầu Đình Vĩnh Trinh, bà con quy tụ về rất đông. Nhất là những lúc cao điểm thi công đổ mặt cầu có gần 400 người tham gia, chưa kể số lượng chị em phụ nữ tham gia nấu cơm, nước phục vụ mỗi ngày. Một số gia đình còn tự nguyện mang ghe, dụng cụ xây dựng, máy trộn hồ... phục vụ công trình sớm hoàn thành”.

Phát huy kinh nghiệm từ công trình xây dựng cầu Đình Vĩnh Trinh, ấp Vĩnh Long tiếp tục vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng cầu Bà Lữ với chiều ngang 5m, dài 17m. Tổng trị giá hai cây cầu là 532 triệu đồng, trong đó UBND huyện, xã hỗ trợ 120 triệu đồng, còn lại 412 triệu đồng do nhân dân đóng góp . Ngoài ra, bà con còn đóng góp hơn 3 ngàn ngày công lao động và hỗ trợ lương thực, thực phẩm nấu ăn trong suốt thời gian thi công. Đồng chí Nguyễn Văn Lào, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khối Dân vận xã Vĩnh Trinh, nói: “Từ mô hình làm cầu ở ấp Vĩnh Long, chúng tôi chỉ đạo nhân rộng ra các ấp khác trong toàn xã bước đầu đạt hiệu quả cao. Từ đầu năm đến nay, bà con đã đóng góp hơn 700 triệu đồng, xây dựng nhiều cây cầu, tuyến đường, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn ngày càng phát triển”.

Giúp nhau phát triển kinh tế

Nhằm tạo điều kiện giúp các hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thời gian qua, Hội Nông dân phường Thới An, quận Ô Môn, đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ giá giống cho các hội viên đầu tư mô hình trồng rau muống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Huỳnh Hữu Duyên, Chủ tịch Hội Nông dân phường, cho biết: “Đa số người dân trong phường sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu trồng luân canh. Do bà con chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh, nên đời sống nhiều hộ rất khó khăn. Từ khi được hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng rau muống, trợ giá giống, tổ chức liên kết sản xuất, đã giúp cho nhiều hộ có cuộc sống khá hơn”. Tuy nhiên, theo ông Duyên, muốn chuyển đổi tập quán sản xuất của bà con là chuyện không phải dễ. Để xây dựng được mô hình, bên cạnh việc thường xuyên gần gũi, hướng dẫn về kỹ thuật, các cán bộ Hội phải tìm và vận động những người có uy tín, kinh nghiệm trong sản xuất thực hiện thí điểm. “Mắt thấy, tai nghe” từ những mô hình cụ thể, nhiều bà con đã mạnh dạn tham gia mô hình, đến nay đã thu hút được 16 người, với diện tích sản xuất 3,7 ha. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Bi, khu vực Thới Hòa, một trong những gia đình vươn lên nhờ tham gia mô hình trồng rau muống. Ông Bi kể, trước đây gia đình ông có gần 10.000m2 đất của ông bà để lại. Do không biết kỹ thuật cộng với giá cả bấp bênh nên mấy lần ông trồng quýt, dưa hấu, dưa leo... đều thất bại, phải bán vườn, ruộng để trả nợ. Nhưng qua những lần tham dự lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, ông Bi thuê 4.000m2 đất để trồng thử, không ngờ thành công lớn. Rau muống ngắn ngày, dễ trồng. Tuy nhiên, để có năng suất tối ưu thì đòi hỏi phải làm kỹ đất, siêng năng chăm sóc... Ông Bi nói: “Trồng rau muống thu hoạch nhiều vụ trong năm. Nếu làm 8 vụ trong năm thì sẽ lời gần 30 triệu đồng/1.000m2. So với trồng lúa trên cùng diện tích chỉ lời khoảng 3 triệu đồng”.

Ông Huỳnh Hữu Duyên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới An, cho biết: “Nhằm xây dựng khu vực thành một vùng chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân, vừa qua Hội Nông dân phường đã khảo sát và vận động các hội viên trồng rau muống thành lập HTX trồng rau được bà con rất đồng tình. Hiện nay, Câu lạc bộ “Trồng rau muống an toàn” đang lập các thủ tục chuẩn bị thành lập hợp tác xã và tin tưởng sẽ ngày càng phát triển”.

Cũng nhằm mục tiêu giúp đỡ các hội viên vươn lên, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã cùng Chi hội LHPN ấp Đông Hòa, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cũng vừa thực hiện thành công mô hình nuôi ba ba. Mô hình đạt hiệu quả cao đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.

Với suy nghĩ “muốn vận động chị em hưởng ứng thực hiện mô hình thì mình phải làm trước, nếu nói suông mà không hành động bằng những việc làm thiết thực thì vận động khó lắm” - chị Huỳnh Thị Thanh Lưu, Chi Hội trưởng LHPN ấp Đông Hòa, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, đi tham quan và mua con ba ba về nuôi thử. Vụ ba ba đầu tiên, sau khi trừ chi phí, gia đình chị lời khoảng 100 triệu đồng. Chị Thanh Lưu tâm sự: “Nuôi ba ba chỉ tốn tiền mua con giống ban đầu và có thể tận dụng thức ăn tự nhiên từ cá, ốc... Nhưng điều quan trọng là phải xử lý hầm cho tốt để không thất thoát con giống ra bên ngoài. Sau vụ nuôi đầu tiên đạt hiệu quả, tôi tuyên truyền, vận động hội viên nhân rộng mô hình này”. Để nhân rộng mô hình nuôi ba ba, Hội cũng gặp trở ngại do đa số chị em trong ấp đời sống còn khó khăn, không có vốn đầu tư thực hiện mô hình. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Hội LHPN xã, huyện đã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho mỗi hộ vay từ 15 đến 20 triệu đồng. Đến nay, mô hình đã thu hút được 6 hộ tham gia, nhiều chị em cũng đang học kỹ thuật để có thể áp dụng trong thời gian tới.

Chị Nguyễn Thị Hồng Quyên, ngụ ấp Đông Hòa, tâm sự: “Thấy các chị nuôi hiệu quả, nên tôi quyết định nuôi thử 1.000 con ba ba và được các chị trong Chi hội LHPN ấp nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật từ cách làm ao, xử lý nguồn nước, cho ăn... Khi tham gia vào mô hình, hàng tháng các chị còn sinh hoạt về xây dựng gia đình hạnh phúc, cách nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe bản thân...”. Không chỉ nuôi ba ba, hiện nay, chị Thanh Lưu còn thực hiện kết hợp trồng đu đủ Nhật, dưa leo, nuôi cá trên đồng ruộng, nuôi vịt... Năm 2008, với mô hình tổng hợp ấy đã cho gia đình chị thu nhập hơn 150 triệu đồng. Chị Thanh Lưu nói: “Tôi sẽ nhân rộng mô hình tổng hợp này cho các hội viên áp dụng, góp phần giúp chị em vươn lên, ổn định cuộc sống, phấn đấu xóa dần những hội viên phụ nữ nghèo”.

* * *

Hiện nay, các đoàn thể ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang ra sức vận động nhân dân đoàn kết xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế với những mô hình mới, mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, chính tinh thần tiền phong, gương mẫu, nhất là sự kiên trì gần gũi của cán bộ, đảng viên đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân. Để thực hiện những mô hình “Dân vận khéo” ấy, mỗi nơi có cách vận động khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là vì mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vì cuộc sống của nhân dân.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết