31/03/2016 - 10:17

Những lưu ý khi triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Sởi-Rubella

Trong tháng 4 và đầu tháng 5-2016, TP Cần Thơ sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc - xin Sởi - Rubella trên 16.000 học sinh lớp 11 và 12. Để tổ chức thành công chiến dịch, các nhà quản lý, chuyên gia lưu ý phương thức thực hiện hiệu quả chiến dịch...

* Lo lắng phản ứng tâm lý "dây chuyền"

Năm 2014-2015, TP Cần Thơ đã tổ chức tiêm Sởi - Rubella cho các cháu từ 1- 14 tuổi. Và năm nay, thành phố tiếp tục tiêm cho đối tượng 16- 17 tuổi. Tại hội nghị triển khai chiến dịch tiêm Sởi - Rubella vào giữa tháng 3-2016, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc mở rộng đối tượng tiêm góp phần khống chế việc mắc Sởi - Rubella ở TP Cần Thơ nói riêng và toàn quốc nói chung, tiến tới loại trừ bệnh sởi.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ giải đáp thắc mắc của đại biểu tại hội nghị triển khai chiến dịch.

Để tổ chức tiêm thành công trên 16.000 đối tượng, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng lưu ý qua kinh nghiệm tổ chức chiến dịch Sởi - Rubella ở trường học năm 2014-2015, nhà trường, cán bộ tiêm quan tâm xử lý phản ứng tâm lý dây chuyền đối với ở các nữ sinh (phản ứng lo sợ tập thể, gây chóng mặt, ngất xỉu hàng loạt). Việc này gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng việc triển khai chiến dịch tiêm trong trường học. Do đó, cần bố trí bàn tiêm theo quy tắc 1 chiều. Trong đó chú ý phòng tiêm và theo dõi sau tiêm riêng biệt, em này không nhìn thấy em kia tiêm, khi tiêm xong, qua phòng theo dõi sau tiêm (hạn chế phản ứng tâm lý dây chuyền). Bác sĩ khám sàng lọc cho các cháu lưu ý hoãn tiêm đúng hướng dẫn, hạn chế việc hoãn tiêm không cần thiết. Việc này làm giảm tỷ lệ các cháu được tiêm, miễn dịch trong cộng đồng và cơ may để các cháu tiếp tục tiêm lại rất khó. Ngoài ra, có trường hợp phụ huynh không cho con tiêm ngừa, "viện" lý do đã tiêm dịch vụ. Trong trường hợp này, phụ huynh cần cung cấp bằng chứng cụ thể các cháu đã tiêm Sởi -Rubella, để cân nhắc có nên tiêm cho các cháu. Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: "Điều tôi lo lắng trong chiến dịch lần này là các cháu nhóm tuổi "nhạy cảm", có thể xảy ra phản ứng tâm lý dây chuyền, mong thầy cô giáo cố gắng động viên các cháu tiêm đầy đủ, vắc - xin này rất "hiền", giúp các cháu phòng bệnh và sinh con sau này. Các cháu có nhu cầu du học, xuất khẩu lao động tại Đài Loan, không tiêm rubella không đi được".

* Chủ động phòng, chống sốc phản vệ

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng lưu ý các đơn vị tổ chức tiêm, vì bất kỳ thành phần vắc - xin, dược phẩm nào vào cơ thể, đều có thể xảy ra sốc phản vệ. Tuy tỷ lệ rất hiếm nhưng không thể loại trừ. Nếu sốc xảy ra, thời gian vàng rất ngắn ngủi để cứu sống bệnh nhân. Do đó, mặc dù có đội lưu động phòng, chống sốc phản vệ ở tuyến quận, huyện nhưng tại các điểm tiêm bố trí đội chống sốc sẵn sàng phòng, chống sốc phản vệ tốt nhất. Sở Y tế TP Cần Thơ vừa triển khai công văn phòng, chống sốc phản vệ trong chiến dịch tiêm Sởi - Rubella đến các cơ sở y tế. Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện (BV) Đa khoa thành phố, quận, huyện, BV Nhi đồng, Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện tổ chức 2 đội cấp cứu chống sốc phản vệ thường trực tại đơn vị. Đồng thời phối hợp với TTYT dự phòng, Phòng Y tế quận, huyện kiểm tra công tác cấp cứu phòng, chống sốc phản vệ tại các điểm tiêm ngừa trước và trong những ngày tiêm của chiến dịch. TTYT dự phòng thành phố phối hợp BV Đa khoa thành phố, BV Nhi đồng TP Cần Thơ tổ chức tập huấn phòng, chống sốc phản vệ và an toàn tiêm chủng đối với các thành viên tham gia trực tiếp tiêm chủng... Sở Y tế cũng chỉ đạo TTYT dự phòng và TTYT quận, huyện đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hộp thuốc chống sốc phản vệ và phác đồ chống sốc tại 2 đội cấp cứu quận, huyện. Đồng thời triển khai kế hoạch cụ thể, đảm bảo các bàn tiêm ngừa có đủ cán bộ y tế khám phân loại, chỉ định tiêm và đủ khả năng xử lý khi có trường hợp sốc phản vệ xảy ra; chỉ đạo các Trưởng trạm y tế đảm bảo mỗi bàn tiêm không quá 100 đối tượng/buổi; 100% bàn tiêm tại trường học có ít nhất 2 hộp chống sốc và đảm bảo cơ số thuốc. Trong đợt tiêm vét, mỗi trạm y tế có 1 tổ thường trực cấp cứu, trang bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, dụng cụ, phương tiện vận chuyển để cấp cứu sốc phản vệ tại chỗ... Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: "UBND thành phố giao các đơn vị phấn đấu tiêm 100% cho các cháu trong diện tiêm, không bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh cho các cháu. Về nhân sự các bàn tiêm, sử dụng cán bộ trạm y tế qua tập huấn (nơi địa bàn trường học có đối tượng tiêm). Nếu chưa đủ, có thể huy động ở các trạm y tế lân cận hay đề nghị bệnh viện, TTYT dự phòng quận, huyện hỗ trợ cán bộ tiêm ngừa (qua tập huấn). Sở Y tế gởi cán bộ y tế hỗ trợ từng quận, huyện. Thành phố cử cán bộ đến giám sát ngày tiêm chủng".

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết thêm: "Trung tâm đã dự trù sẽ tiếp nhận khoảng 20.000 liều vắc - xin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh; sau đó phân bổ đến các quận, huyện trước khi chiến dịch diễn ra 5 ngày. Trung tâm đã cấp vật tư tiêu hao hộp chống sốc, thuốc chống sốc để thực hiện tốt chiến dịch tiêm ngừa".

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết