01/02/2018 - 17:30

Những loại rượu có nguy cơ ngộ độc hàng đầu

Trong 5 năm gần đây, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, các cơ sở y tế ghi nhận nhiều ca ngộ độc rượu phải cấp cứu, thậm chí tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân uống phải rượu có cồn công nghiệp với nồng độ methanol cao gấp nhiều lần cho phép và uống phải rượu ngâm với những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc rượu, làm 193 người mắc (179 người đi viện và 34 người chết). Gần 35% số tỉnh (22/63 tỉnh, thành phố) ghi nhận ngộ độc rượu. Ngoài ra, cả nước ghi nhận một số trường hợp có tiền sử nghiện rượu uống cồn y tế gây ngộ độc bị tử vong hoặc gây di chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ như mù, rối loạn tâm thần…

Đây chỉ là “mảng nổi của tảng băng chìm”, còn nhiều vụ ngộ độc rượu nhỏ lẻ ở các địa phương chưa được thống kê. Đặc biệt, năm 2017 cũng là năm ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, nguyên nhân chủ yếu do rượu có chứa methanol. Chỉ trong năm, ghi nhận 10 vụ, làm 119 người mắc, 115 người đi viện. Số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều vào thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, đầu năm mới và lễ hội xuân.

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, các vụ ngộ độc rượu xảy ra chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Riêng số người mắc tại vùng miền núi phía Bắc là 103 người/193 người mắc trên toàn quốc. Tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, ghi nhận 40 bệnh nhân ngộ độc rượu. Hiện 28 bệnh nhân đã ổn định, 12 bệnh nhân nặng, xin ra viện và tử vong tại nhà. Đa số bệnh nhân uống rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Hai loại ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc ethylic (còn gọi là rượu ethanol) và ngộ độc cồn methylic (methanol). Đây là loại hoá chất độc cực mạnh, chỉ uống từ 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, từ 15ml trở lên là gây mù lòa, 30ml là có thể gây tử vong.

BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, qua phân tích nguyên nhân từ các vụ ngộ độc rượu ở giai đoạn này cho thấy, bên cạnh nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc rượu do hàm lượng ethanol và methanol vượt ngưỡng cho phép (chiếm 32,1) thì rượu ngâm cây rừng có chứa chất độc, rượu ngâm củ ấu… là nguyên nhân tiếp theo gây ngộ độc rượu.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, nguyên nhân khiến ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng là do thị trường vẫn tồn tại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao (cồn công nghiệp), rượu giả… do ý thức của người sản xuất kinh doanh, vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật. Trong khi đó, ý thức của người tiêu dùng còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này còn bất cập.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện Bộ đang biên soạn và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6/2018, sau đó trình Quốc hội dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Trước mắt, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công Thương nhanh chóng có các quy định đưa chất chỉ thị màu (Xanh-methylen) vào cồn công nghiệp để người dân phân biệt, vì đây sẽ là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn việc pha cồn công nghiệp methanol vào rượu.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc căng thẳng; không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật hay rượu ngâm theo kinh nghiệm dân gian.

Khi uống rượu có các triệu chứng như: Mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, nôn… cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh tử vong hoặc biến chứng nặng nề nguy hại cho sức khỏe khi lạm dụng rượu, hoặc sử dụng rượu không an toàn, không rõ nguồn gốc…

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 270 triệu lít rượu/năm. Các loại rượu được tiêu thụ chủ yếu được sản xuất từ 3 nguồn: Rượu nhập khẩu; rượu sản xuất từ các doanh nghiệp trong nước; rượu sản xuất từ các hộ gia đình, làng nghề.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết