10/12/2022 - 17:27

Những góc nhìn về “Tro tàn rực rỡ” 

CÁT ÐẰNG

Sau khi tạo tiếng vang tại các liên hoan phim quốc tế, “Tro tàn rực rỡ” thu hút đông đảo khán giả khi công chiếu ở các rạp trong nước. Bộ phim nghệ thuật này nhận được nhiều lời khen bởi ngôn ngữ điện ảnh giàu tính biểu cảm, cùng câu chuyện, hình ảnh về khát vọng tình yêu của người phụ nữ. Dù vậy, phim cũng còn vài điều khiến khán giả “lấn cấn”.

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.

Nhân vật Hậu và Nhàn trong phim.

Bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được chuyển thể từ 2 truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đã thắng giải danh giá nhất tại Liên hoan phim quốc tế Ba châu lục (Festival des 3 Continents), cũng như tạo tiếng vang lớn ở Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2022.

Nội dung phim khắc họa cuộc sống và tình yêu của 3 người phụ nữ xóm nghèo ven biển vùng Ðất Mũi Cà Mau. Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling) trẻ đẹp nhưng bị người chồng tên Dương (Lê Công Hoàng) bỏ bê vì anh cưới khi cô lỡ có bầu chứ không yêu. Người Dương thầm thương là Nhàn (Phương Anh Ðào), cô gái cùng xóm xinh đẹp, giỏi giang. Nhàn nên duyên cùng Tam (Quang Tuấn) và có cuộc sống hạnh phúc. Hậu muốn chồng chú ý đến mình hơn nên làm thân với Nhàn, để kể những câu chuyện về Nhàn cho chồng nghe. Một ngày, đứa con của vợ chồng Nhàn qua đời vì đuối nước, cuộc sống hôn nhân của họ bắt đầu rơi vào địa ngục. Trong khi đó, Loan (NSƯT Hạnh Thúy), cô gái bị xâm hại trở nên bị tâm thần, lại không thể quên được kẻ đã làm hại mình. Khi hắn ra tù và đi tu, cô quẩn quanh bên chùa, mong muốn được kết đôi cùng hắn…

Mỗi số phận người phụ nữ và tình yêu của họ dành cho người đàn ông của mình khiến người xem thương cảm. Hậu nuôi con thui thủi, tìm mọi cách gây sự chú ý của chồng dù suốt cả bộ phim, anh ta không nói với cô nửa lời. Nhàn cảm thông với nỗi đau của chồng mà chấp nhận để anh ta đốt nhà hết lần này sang lần khác, không một tiếng oán than. Loan đã hóa ngây dại khi bị cưỡng bức, nhưng lại yêu kẻ hại mình, để rồi cơn điên càng nặng hơn khi bị từ chối tình cảm.

Họ đều là những người phụ nữ làm tất cả vì tình yêu và khát khao được yêu thương. Với những ai yêu thích tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, những câu chuyện tình với nỗi niềm như vậy được nhà văn diễn tả bằng văn phong buồn thênh thang trong không gian sông nước miền Tây. Tuy nhiên, việc dồn nén 3 số phận vào trong một tác phẩm khiến người xem cảm thấy bí bách, có cảm giác những người đàn ông bạo hành tinh thần những nhân vật nữ, khiến họ u uất và biến chất. Như Hậu thú nhận vui trên nỗi đau của Nhàn và rồi dằn vặt vì cảm thấy tội lỗi bởi niềm vui đó. Còn Nhàn vùi mình trong lửa trong ánh mắt ngây dại của chồng… Lời thoại phim nặng tính diễn giải, xa đời thường. Ðài từ của diễn viên đóng vai Hậu còn mang nặng âm hưởng của một người lai Anh - Việt.

Ðiểm sáng đáng ghi nhận của phim chính là tái hiện rất tốt bối cảnh sông nước miền Tây và đời sống thường nhật của người dân thôn quê. Từ đám cưới rước dâu bằng ghe xuồng, đánh bắt cá, nghề đốt than, làm chuối ép đến cảnh đóng đáy hàng khơi… đều được quay dựng chỉn chu, chi tiết.

Chia sẻ bài viết