09/01/2016 - 16:04

Những “gam màu” của bóng đá Việt trong năm 2015

Cuối cùng, Quả bóng vàng Việt Nam 2015 đã có chủ nhân mới - tiền đạo Nguyễn Anh Đức của đội Becamex Bình Dương. Đây là danh hiệu cao quý nhất dành tặng cầu thủ có những đóng góp tốt nhất cho đội tuyển quốc gia và CLB sau một mùa giải. Tuy nhiên, sau khi Anh Đức nhận giải, cuộc tranh luận về cầu thủ nào xứng đáng với danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2015 vẫn tiếp diễn. Điều đó cho thấy một thực tế là bóng đá Việt chưa hết khủng hoảng.

Anh Đức đoạt Quả bóng vàng 2015. Ảnh: Dương Thu 

Nếu như ở các giải dành cho cầu thủ nữ, cầu thủ nước ngoài diễn ra êm thấm, thì giải nam Quả bóng vàng của Anh Đức và giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của Công Phượng gây tranh cãi, do có người cho rằng bộ đôi cầu thủ của Hà Nội T&T là Văn Quyết và Duy Mạnh xứng đáng hơn. Các luồng ý kiến tranh cãi đều đưa ra lý lẽ và bằng chứng đầy thuyết phục về sự cống hiến của những cầu thủ này ở cấp độ đội tuyển quốc gia hay CLB để bảo vệ quan điểm của mình. Giả như bóng đá Việt Nam có được nhiều tài năng phải "cân đong đo đếm" để xác định người xuất sắc hơn, giống như thời kỳ bóng đá nở rộ những tên tuổi như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hoàng Bửu, Văn Hạnh… thì thật đáng mừng. Thời ấy, những người nhận được phiếu bình chọn phải rất đắn đo, cân nhắc từng tiêu chí so sánh kỹ càng giữa những ứng cử viên trước khi đưa ra quyết định. Những lá phiếu đó khi được công bố hoàn toàn thuyết phục dư luận, người thua cuộc vẫn ủng hộ người thắng cuộc. Thế nhưng, Quả bóng vàng 2015 dù đã khép lại đêm 6-1, nhưng chưa hoàn toàn kết thúc trong giới túc cầu. Bởi những người thua cuộc chưa hẳn đã "phục" người thắng cuộc, trong lúc giới truyền thông vẫn tranh cãi ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Cuộc tranh luận không phải vì tài năng của các cầu thủ ngang ngửa nhau mà vì những lý do "cảm tính". Ai cũng có những đánh giá riêng để cho rằng cầu thủ này xứng đáng hơn cầu thủ kia, nhưng chỉ phơi bày một thực tế là bóng đá Việt vẫn đang khủng hoảng, mà nghiêm trọng là lan sang cả ngoài sân cỏ với cuộc "chiến" PR cầu thủ trên truyền thông. Mùa giải năm 2013, bóng đá Việt rơi vào suy thoái trầm trọng, khi đội tuyển U23 bị loại ở vòng đấu bảng SEA Games, đội tuyển quốc gia thất bại liên tiếp ở vòng loại châu Á, giải V.League đầy rẫy bạo lực và liên tiếp những vụ dàn xếp tỷ số bị phanh phui, CLB bỏ giải… dẫn đến Quả bóng vàng năm đó phải đình lại. Năm 2014, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức Đại hội bầu ra Ban chấp hành mới, đội tuyển quốc gia có HLV người Nhật đầu tiên dẫn dắt. Sự khởi sắc của các đội tuyển quốc gia cùng với V.League khá tươm tất ở mùa giải 2014, mở ra nhiều kỳ vọng về một quá trình hồi phục của bóng đá Việt. Thế nhưng, dưới sự dẫn dắt của HLV Toshiya Miura, các đội tuyển Việt Nam dần bộc lộ nhiều vấn đề về mặt lối chơi, mà đỉnh điểm là 2 trận thua muối mặt trước Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018/Asian Cup 2019 trong năm 2015 vừa qua. Cùng với đó là những vụ kiện cáo, tranh cãi phơi bày những bất đồng trong "ngôi nhà" VFF đã gây ra sự phân hóa lớn trong giới bóng đá. Việc Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức lên tiếng chỉ trích HLV Miura, "đòi" lại đội tuyển quốc gia, như "giọt nước tràn ly" về sự chia rẽ ở VFF.

Tuy nhiên, bóng đá Việt trong năm 2015 không chỉ là những gam màu xám, khi V.League 2015 diễn ra khá êm đẹp, không còn tình trạng đội bóng bỏ giải như 2 mùa trước. Sự xuất hiện của các cầu thủ trẻ đội bóng Hoàng Anh Gia Lai đã tạo được sức hút đáng kể trên khán đài, xảy ra tình trạng "vỡ sân" một số trận đầu mùa giải. Đội tuyển U23 quốc gia cũng giành vé dự vòng chung kết châu Á sắp diễn ra tại Qatar. Dù khả năng đi tiếp khá hẹp khi ở cùng bảng với Úc, UAE và Jordan, nhưng HLV Miura vẫn đặt mục tiêu vào tứ kết. 3 cầu thủ trẻ của Hoàng Anh Gia Lai đã xuất ngoại thi đấu ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mở ra thời kỳ mới cho bóng đá Việt.

Khép lại năm 2015, bóng đá Việt Nam chờ đợi những sự cải tiến mạnh mẽ hơn từ VFF, VPF nhằm tiến tới sự chuyên nghiệp bền vững bắt đầu từ mùa giải 2016.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết