11/09/2021 - 10:45

Những chuyến xe “chầm chậm” của bà Nga 

“Khi đi phát cơm, tôi chạy xe chầm chậm để dễ tìm người mình cần giúp. Mình chạy xe nhanh, bà con lỡ bữa cơm thì tội lắm”, bà Phạm Thúy Nga (53 tuổi, ngụ đường Huỳnh Cương, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chia sẻ.

Cứ như vậy, suốt hơn 2 tháng qua, đều đặn mỗi trưa bà Nga vẫn chạy những chuyến xe “chầm chậm”, mang những phần cơm yêu thương đến cho người cần. Ðể đảm bảo an toàn, trên xe máy bà Nga lúc nào cũng có sẵn bình cồn xịt khử khuẩn, bà Nga mặc đồ bảo hộ cùng với găng tay y tế, khẩu trang, kính chắn giọt bắn... Những bữa trưa nóng như đổ lửa, việc di chuyển trong trang phục như thế rất bức bối, vậy nhưng bà Nga nghĩ: “Mình phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, có sức khỏe thì mới giúp được cho bà con lâu dài”.

Bà Nga và những chuyến xe đi phát cơm thiện nguyện.

Căn nhà ở đường Huỳnh Cương được bà thuê để dạy thể dục thẩm mỹ. Nhưng chưa dạy được buổi nào thì đợt dịch COVID-19 bùng phát, bà chuyển sang làm từ thiện. Với kinh nghiệm là đầu bếp lâu năm ở quán cơm thiện nguyện 1.000 đồng ở đường Trần Việt Châu, quận Ninh Kiều, bà Nga quyết định nấu cơm để trao tặng cho các chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19 và bà con lượm ve chai, bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh.

“Khai trương” từ ngày 12-7, lúc đầu bà Nga chỉ nghĩ nấu vài mươi suất cơm tặng bà con khó khăn, nhưng rồi thấy nhiều người cần giúp, bà cứ mở rộng quy mô. Hiện tại, mỗi ngày bà nấu khoảng 80 phần thức ăn để phát cho các gia đình, chỉ cần nấu cơm là đã có bữa ăn ngon; và 90 phần cơm hộp để chạy xe đi phát. Mỗi ngày, bà Nga có nấu cả cơm mặn và cơm chay để phù hợp với nhu cầu người nhận.

Bà Nga kể: “Lúc đầu cực lắm, có một mình tôi nên phải bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng, đến 10 giờ hơn thì phát cơm, phát xong lại chuẩn bị rau củ, sơ chế... đến 11 giờ đêm mới có thể nghỉ ngơi. Bây giờ thì có 2 người nữa phụ nên công việc cũng thư thả hơn”. Sau khi phát thức ăn tại nhà, bà Nga chạy xe máy phát cơm hộp dọc các tuyến đường: Hùng Vương, Trần Hưng Ðạo, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thái Học... Lúc đầu, bà phải mất nhiều thời gian phát cơm vì chưa biết điểm có người cần giúp, nay thì mau hơn vì cứ giờ đó, nơi đó đã có người đợi cơm bà Nga trao tặng. Bà Nguyễn Thị Hai, người nhận thức ăn, chia sẻ: “Bữa nào tôi cũng tới nhận thức ăn về ăn. Hai chị em tôi ăn đủ cả ngày, đỡ tốn tiền chứ giờ không làm gì ra tiền được”. Còn chú Lý Hớn, người lượm ve chai, thì nói: “Cô này bữa nào cũng cho tôi cơm, tôi biết ơn lắm”.

Nói về nỗ lực duy trì bếp ăn yêu thương của mình, bà Nga chia sẻ rằng: Có đi tặng cơm cho bà con rồi mới thấy niềm vui của họ thật khác. Bình thường nhận cơm họ đã vui, trong những ngày giãn cách xã hội này, họ còn vui hơn rất nhiều, cứ rưng rưng không nói thành lời. Một động lực khác là bà được sự chung tay góp yêu thương của cộng đồng. Quán cơm 1.000 đồng hỗ trợ toàn bộ gạo và một ít gia vị để bà nấu. Nhiều nhà hảo tâm, các học viên do bà dạy thể dục thẩm mỹ cũng đóng góp. Rồi bà vừa chỉ vừa kể với chúng tôi: “Mấy keo chao này do một sư cô mới cho; mướp, dưa leo cũng có người hỗ trợ... nên đỡ được mấy bữa tới”.

Người phụ nữ dáng hình nhỏ nhắn vẫn ngày ngày giúp no lòng, ấm dạ bà con gặp khó khăn mùa dịch. Bà mong muốn duy trì bếp ăn ngày càng lâu càng tốt. Ðều đặn trên những chuyến xe “chầm chậm” mà đong đầy yêu thương, “chầm chậm” để không bỏ lỡ một hoàn cảnh nào đang cần giúp đỡ...

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết