Anh bộ đội nơi khu cách ly không ngày nghỉ thì ở tuyến ngoài, nhiều lực lượng như y tế, công an, sinh viên tình nguyện, dân quân... cũng vậy. Trong cái nắng gắt của thời tiết, họ ngày đêm chốt chặn trên các tuyến đường ra vào cửa ngõ thành phố để giám sát y tế, căng mắt và hồi hộp trong phòng xét nghiệm sau khi mấy mẫu. Bên cạnh sự vất vả, họ còn đối mặt nguy cơ bị lây bệnh.
Vất vả điều tra dịch tễ
Bác sĩ Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Gần 3 tháng nay, cán bộ y tế, nhất là trung tâm, trạm y tế ngày nào cũng đi điều tra dịch tễ, theo dõi hướng dẫn cách ly, đo nhiệt độ... Văn bản, chỉ đạo từ trên xuống liên tục, chúng tôi phải căng sức phối hợp cùng lực lượng công an, chính quyền địa phương, các ban, ngành để hoàn thành nhiệm vụ”.
.JPG)
Giữa trời nắng, các lực lượng: công an, y tế, đoàn thanh niên... nỗ lực làm nhiệm vụ.
Công việc liên tục, áp lực nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, một số người khai không đúng, người cách ly tại nhà nhưng không chấp hành tốt... nên cán bộ chống dịch phải chạy “vòng vòng”. Đơn cử như xác minh trường hợp một sinh viên ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, bị ho, sốt nhập viện điều trị ở Cà Mau và khai báo có chở một du khách nước ngoài khi còn ở Cần Thơ. Tỉnh Cà Mau đã thông báo trường hợp này đến Cần Thơ, chị Nguyễn Thành Anh Thư, Trưởng Trạm Y tế phường Hưng Lợi, cùng cán bộ chống dịch, Công an khu vực đến nhà trọ ở phường Hưng Lợi- nơi sinh viên này tạm trú. Nhưng do mất bình tĩnh, sinh viên này khai sai địa chỉ, phải nhờ sự hỗ trợ của Công an khu vực mới tìm chính xác địa chỉ, lập hết danh sách người ở cùng khu trọ, đo thân nhiệt. Công việc xong thì cũng 10 giờ đêm.
Gần đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 triển khai phần mềm khai báo điện tử NCOVI; lập các điểm kiểm soát giao thông, rà soát, xác minh người đi về từ vùng dịch... nên lực lượng công an, y tế cơ sở càng vất vả hơn.
Ngày nắng rát da, đêm căng mắt
Từ 0 giờ ngày 28-3-2020, lực lượng công an, y tế, thanh tra giao thông, dân quân tự vệ, tình nguyện viên... bắt đầu bám các chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19 ở các cửa ngõ ra vào thành phố để đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, lấy thông tin về lịch trình di chuyển của người dân. Một nhân viên nữ ở Trạm Y tế phường Hưng Phú, chia sẻ: “Nắng nóng, lại thêm khói bụi xe... anh em có người bị say nắng nhưng luôn động viên nhau cố gắng”.
Ở chốt kiểm soát ở đường dẫn cầu Cần Thơ, cạnh siêu thị Big C có lượng phương tiện giao thông đông nhất, trung bình một ngày 6.000-7.000 lượt xe ô tô, gắn máy vào thành phố. Lực lượng làm nhiệm vụ chia làm 2 chốt, chốt trong khuôn viên Big C kiểm soát xe gắn máy, chốt ngoài đường thì kiểm soát xe ô tô. Đại úy Trịnh Hoàng Khi, Đội Cảnh sát giao thông-Trật tự, Công an quận Ninh Kiều, cho biết: “Anh em trong đội chia nhau đứng từ 4-6 tiếng, tùy ca ngày hay đêm. Trực ban ngày thì mệt vì nắng, nóng, bụi, còn ban đêm thì buồn ngủ mà vừa đập muỗi, vừa căng mắt kiểm soát phương tiện. Anh em động viên nhau vì sức khỏe người dân, cố gắng làm”.
Ngoài lực lượng công an, y tế thì các tình nguyện viên, sinh viên cũng vất vả không kém. Bạn Phương Tấn Đạt, Ủy viên thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên TP Cần Thơ, cho biết: “Các bạn đoàn viên, thanh niên làm việc rất nhiệt tình. Có bạn làm 2 ca/ngày, chỉ tranh thủ về nhà tắm, ngủ chút rồi lại ra chốt”. Bản thân Đạt, sáng 5 giờ ra chốt, trực đến 11 giờ trưa về giải quyết công việc, 14 giờ lại ra chốt đến 10 giờ đêm. Đêm nào lực lượng mỏng, Đạt ở luôn tại chốt. Đạt kể: “Nhiều anh, chị là Bí thư, Phó Bí thư Đoàn phường, ngoài nhiệm vụ trực chốt, họ còn tham gia các đoàn của phường đi tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở bà con tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; tham gia hiến máu cứu người... Tất cả đều cống hiến sức trẻ cho sức khỏe của người dân”.
Những thông tin mà tình nguyện viên, sinh viên thu thập được nhập liệu và chuyển về Sở Y tế. Từ đó, thông tin chuyển đến xã, phường, khu vực để xác minh, điều tra. Dù mệt nhưng bù lại họ cảm thấy ấm áp vì sự quan tâm của cộng đồng, các mạnh thường quân. Đạt khoe: “Nước mát, thức ăn ở đây toàn của người dân mang đến hỗ trợ chúng em. Nhiều quá, tụi em chia ra, điều tiết cho các chốt khác để các anh em đều có. Xúc động lắm!”. Tình nguyện viên Võ Ngọc Bảo Châu, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: “Là sinh viên y khoa nên chúng em muốn đóng góp cho cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Giúp được bà con chống dịch là vui rồi”.
CDC Cần Thơ vững vàng trên trận tuyến
Trong lực lượng phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ) đảm nhận kiểm dịch ở sân bay, bến xe khách (chuyến Campuchia), đường thủy. Đồng thời là đầu mối tiếp nhận thông tin từ các tỉnh, viện ở Trung ương về rà soát, xác minh, điều tra dịch tễ, thực hiện cách ly, phun thuốc, lấy mẫu xét nghiệm ở cộng đồng, thực hiện xét nghiệm chẩn đoán COVID-19; thực hiện các sản phẩm truyền thông; cung cấp vật tư, hóa chất phòng dịch...
Từ đầu mùa dịch đến giờ, mỗi ngày, đường dây nóng của ngành Y tế tiếp nhận rất nhiều thông tin phản ánh từ phía các cơ quan, đơn vị và người dân về các trường hợp đi về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng dịch. Bác sĩ Nguyễn Quang Thông, Giám đốc CDC Cần Thơ, cho biết: “Khi nhận được tin báo, các thành viên trong Đội phản ứng nhanh, từ CDC thành phố đến Trung tâm Y tế các quận/huyện luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cán bộ luôn có mặt để xác minh, giám sát, điều tra dịch tễ; tư vấn, hướng dẫn cho người dân”.

Người nhập cảnh thực hiện khai báo y tế tại sân bay Cần Thơ.
Công việc của những y bác sĩ ở CDC luôn đòi hỏi sự chính xác cao. Đơn cử như khi nhận được thông tin có trường hợp đi cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 số 33 về Cần Thơ lúc 4 giờ 30 phút chiều 11-3-2020, Đội phản ứng nhanh CDC Cần Thơ tìm đến ngay khách sạn để điều tra dịch tễ. Anh Nguyễn Trung Hiếu, thành viên Đội phản ứng nhanh, kể: “Anh em trong đội thuyết phục 9 người khách này không ghé khách sạn mà đi cách ly tại Trường Quân sự TP Cần Thơ (cũ) luôn. Trong đó, 2 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân 33 và 7 người còn lại đi cùng xe với 2 người này. Khi đưa họ đến khu cách ly, chúng tôi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 2 người đi cùng bệnh nhân số 33, việc xong cũng gần 12 giờ đêm, rồi tiếp tục vào cơ quan làm báo cáo đến 2 giờ sáng để có thông tin sớm nhất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Đến khi nhận được kết quả âm tính 2 trường hợp này, anh em thở phào nhẹ nhõm”.
Ở CDC Cần Thơ, có đơn vị vất vả từ đầu mùa dịch, đó là Đội Kiểm dịch y tế quốc tế. Thời điểm hành khách về sân bay Cần Thơ đông, hành khách xuống sân bay, đi qua máy đo thân nhiệt, rồi đến Đội Kiểm dịch y tế khai tờ khai y tế. Nhiều khách không biết tiếng Anh, tiếng Việt, anh em phải nhờ đến “google dịch” để khai thác thông tin từ khách, vận động hướng dẫn họ cách ly tập trung.
Cho dù hoàn cảnh nào, những “chiến binh” ở CDC Cần Thơ vẫn vững vàng trên trận tuyến. Như câu chuyện của bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm và Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ đã làm đồng nghiệp cảm phục anh hơn. Ba của bác sĩ Tuấn đột ngột qua đời, trong lúc lo hậu sự cho ba, bác sĩ Tuấn vẫn chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và nhanh chóng trở lại đơn vị sát cánh cùng anh em. Mọi người gọi bác sĩ Tuấn với biệt danh “Người lính già vui vẻ” bởi không chỉ có kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh mà anh luôn là người “truyền lửa” cho đồng nghiệp cùng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Một nhiệm vụ nặng nề hơn của CDC Cần Thơ là xét nghiệm chẩn đoán COVID-19. Đây là đơn vị đầu tiên ở ĐBSCL được Bộ Y tế cho phép làm xét nghiệm này. Kết quả xét nghiệm sẽ góp phần rất lớn trong công tác cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Những ngày lấy mẫu nhiều, CDC huy động toàn lực, lực lượng thu dung ở cộng đồng phải mặc đồ bảo hộ từ sáng đến chiều, mướt mồ hôi. Bác sĩ Nguyễn Quang Thông, Giám đốc CDC Cần Thơ, cho biết: “Đến thời điểm này, gần như tất cả các thành viên ở các đội phản ứng nhanh, CDC Cần Thơ chưa được một ngày nghỉ đúng nghĩa. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là dịch bệnh nhanh chóng bị đẩy lùi”.
(còn tiếp)
Bài cuối: Chiến sĩ áo trắng ở bệnh viện