19/04/2020 - 07:59

Những chiến binh thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19
Bài 1: Chuyện ở khu cách ly 

Trong gần 3 tháng qua, cả nước luôn trong tình trạng căng mình phòng, chống dịch COVID-19. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng không quản hiểm nguy vì cộng đồng của đội ngũ y, bác sĩ, quân đội, công an, sinh viên tình nguyện, cán bộ các cấp… đã góp phần to lớn làm nên những thắng lợi quan trọng trong cuộc chiến “chống giặc COVID-19”.

Cũng như các địa phương có dịch COVID-19, TP Cần Thơ đã huy động tổng lực chạy đua với thời gian để phòng, chống dịch COVID-19. Và có rất nhiều câu chuyện lay động lòng người. Như câu chuyện của 700 người cách ly tập trung ở Trường Quân sự TP Cần Thơ (cũ). Họ là du học sinh, lao động ở nước ngoài đến từ nhiều tỉnh, thành cả nước trở về và có cả công dân nước ngoài nhập cảnh đến Việt Nam du lịch, làm việc... Tất cả đều nói: “An tâm, hài lòng khi đi cách ly!”.

Cán bộ, chiến sĩ mang hành lý giúp người cách ly lên xe trở về cộng đồng.​

►Bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ

Ngày 25-2-2020, Trường Quân sự TP Cần Thơ (cũ) nhận lệnh đảm nhận nhiệm vụ khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Có những ngày, chỉ trong vòng vài giờ, cán bộ, chiến sĩ của trường chạy đua cùng thời gian để chuẩn bị chỗ ăn, nghỉ… cho gần 250 người trên chuyến bay giảm tải cho sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất được lệnh chuyển hướng về sân bay Cần Thơ. Họ căng mình trên “mặt trận” mới, túc trực 24/24 giờ tại trụ sở để chống dịch COVID-19.

Những ngày đầu đến Trường Quân sự TP Cần Thơ (cũ) đưa tin, sự nhiệt tình, cởi mở, gần gũi của các anh bộ đội đã làm tôi nhớ mãi. Thời điểm đó chỉ có 47 người ở trường, chia làm các tổ: tổ tiếp nhận, tổ quân y, tổ tuyên truyền, tổ canh gác, tổ phục vụ hoạt động xuyên suốt 24/24. Y sĩ Trương Hoàng Vũ, Tổ quân y, cho biết: “Từ nhiệm vụ quân y của trường, chúng tôi chuyển sang phòng, chống dịch. Lo lắm, nhưng nhiệm vụ phân công phải cố gắng hết sức hoàn thành. Lần đầu tiên mặc đồ phòng hộ cũng có cảm giác khó chịu, bởi bên trong là bộ quân phục, ngoài là đồ phòng hộ, leo lên leo xuống 3 tầng lầu, đi lần lượt các phòng đo thân nhiệt. Ngày đo 2 lần. Mỗi khi đo xong, mồ hôi ra như tắm”.

Do chưa có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch nên các chiến sĩ rất lo lắng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ) đã cử cán bộ đến tập huấn, rồi Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cử lực lượng quân y đến hỗ trợ. Ban Giám hiệu trường làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ yên tâm chống dịch. Thượng tá Lê Nhựt Đăng Khoa (lúc đó là Phó Hiệu trưởng Trường), kể: “Chúng tôi động viên anh em, đây không phải là người bệnh. Nếu bệnh thì chuyển sang cách ly y tế, điều trị ở bệnh viện rồi. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ thông tin lại với gia đình để họ an tâm hơn. Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, lãnh đạo thành phố… cũng trực tiếp đến thăm hỏi và động viên”.

Vì nhiệm vụ, các anh không thể về thăm nhà. Hình ảnh làm chúng tôi nhớ mãi đó là vợ y sĩ Trương  Hoàng Vũ, Tổ quân y. Nhà gần trường, nhưng chờ mãi chị vẫn chưa thấy chồng về ăn cơm. Chị mang cơm cho chồng nhưng không được vào khu cách ly mà chỉ đứng từ xa, nhìn chồng đang đo thân nhiệt cho một người đang ở cách ly tập trung, chị òa khóc vì lo lắng, bởi thời điểm ấy Hàn Quốc đang bùng phát dịch COVID-19 và chuyến bay toàn những công dân trở về từ đây.

Y sĩ Trương Hoàng Vũ kể: “Nhà gần trường mà gần 2 tháng nay tôi không về. Con trai 7 tuổi ngày nào cũng hỏi mẹ: Nghe giọng cha trên loa mà sao lâu không thấy cha về. Thương lắm mà gắng chứ biết làm sao!”. Tổ quân y là lực lượng tiếp xúc gần nhất, thường xuyên nhất với người trong khu cách ly. Hàng ngày, tổ quân y nhắc nhở người cách ly giờ giấc sinh hoạt, giờ ăn, giờ vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng, đo thân nhiệt, điều trị bệnh thông thường… Ngoài ra, tổ thường xuyên động viên tinh thần người cách ly. Trong thời điểm có 2 trường hợp cách ly tập trung có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển đến bệnh viện điều trị, có người trong khu cách ly rất hoang mang, điện thoại cho y sĩ Trương Hoàng Vũ hỏi thăm suốt đêm. Bằng sự ân cần, động viên, y sĩ Vũ đã giúp họ yên tâm tiếp tục hoàn thành thời gian cách ly.

►Ấm áp tình người giữa đại dịch

Theo những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở khu cách ly, người bị cách ly, ngoài người Việt Nam lấy chồng xa xứ, lao động, du học sinh, còn có người nước ngoài đến từ nhiều quốc tịch với văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng… khác nhau, nên chỉ việc lo bữa ăn, sức khỏe cho họ là chuyện không đơn giản. Lúc mới vào khu cách ly, có người không thích ẩm thực Việt Nam, không muốn bị cách ly trong khu quân sự, nhưng trước sự tận tâm, tận tụy của các anh bộ đội, họ chấp hành và còn dành tình cảm trân quý cho bộ đội.

Ông Cho Hyong In, công dân Hàn Quốc, chia sẻ: “Sau 14 ngày cách ly, tôi rất thích ẩm thực Việt Nam. Bộ đội Việt Nam thật tuyệt vời. Giữa trời trưa nắng, các anh bộ đội đẩy xe thức ăn đi từng phòng. Khi cần mua những vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân như: sữa, tã lót cho trẻ nhỏ, cà phê… dù giữa đêm các anh vẫn đi mua giúp chúng tôi”. Hay một du khách nước ngoài không quen với giường, chiếu, viết lá thư nhờ mua giúp tấm nệm, y sĩ Trương Hoàng Vũ nhanh chóng mua giúp và tặng cho khách.

Hỏi những kỷ niệm đáng nhớ, các anh bộ đội không quên trường hợp cách ly đầu tiên. Đó là một phụ nữ trẻ lấy chồng Hàn Quốc trở về Việt Nam. Khi đó, khu cách ly chỉ có duy nhất mình chị. Chị sợ “ma” không ngủ được, gọi điện thoại liên tục cho các anh chiến sĩ. Mỗi lần gọi, anh em lại động viên: “Em cứ nhìn ra cửa là thấy chốt gác. Ở đây, các anh canh gác suốt đêm. Không sao đâu!”.

Vất vả là vậy, nhưng mỗi đợt có người hoàn thành cách ly 14 ngày trở về cộng đồng, ánh mắt và nụ cười cùng với lời biết ơn làm ấm lòng các chiến sĩ. Ngày tôi đến đưa tin 249 người hoàn thành cách ly, trở về với cộng đồng, trong số đó có những khách nước ngoài gởi tiền làm quà nhưng đều bị từ chối. Buổi chia tay bịn rịn, họ cùng nhau chụp hình lưu niệm, xin số điện thoại, kết bạn zalo, facebook để liên lạc. Anh Hassan Tahir, người Pakistan, bịn rịn ngày chia tay các anh bộ đội, những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa dường như không còn, anh xin chụp hình lưu niệm với Thượng tá Lê Nhựt Đăng Khoa, y sĩ Trương Hoàng Vũ… vừa luôn miệng nói “Cảm ơn!”.

Anh Hassan Tahir, người Pakistan, xin số điện thoại y sĩ Trương Hoàng Vũ để kết bạn zalo. 

Lúc ấy, khoảnh khắc người cách ly đoàn tụ cùng gia đình mà cán bộ, chiến sĩ vẫn chưa ai về thăm nhà. Ai hỏi khi nào về nhà, họ đồng thanh: “Hết cô vy sẽ về!”. Ở khu cách ly, ngoài theo dõi sức khỏe, chăm lo bữa ăn, sinh hoạt cho người cách ly, họ còn làm cả hàng trăm việc “không tên” bất kể trời nắng trưa, hay nửa đêm. Khuân vác đồ, mua giúp đồ dùng cho người cách ly. Thỉnh thoảng trong đêm vang lên cuộc gọi báo, lúc thì mùng rách, cọc giăng mùng bị rớt, nhà vệ sinh bị tắc nước, đèn không sáng, muỗi…, các anh đều không nề hà. Các anh luôn tâm niệm phải giúp bà con, giúp đồng bào mình vượt qua dịch bệnh.

Sau gần 2 tháng làm nhiệm vụ, Trường Quân sự TP Cần Thơ (cũ) chuyển giao nhiệm vụ cho Trung đoàn bộ binh 932, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố từ ngày 1-4-2020, tiếp quản và tiếp tục nhiệm vụ là cơ sở cách ly tập trung. Trong 47 người tham gia chống dịch ở giai đoạn 1, chỉ còn Tổ quân y của Trường Quân sự thành phố tiếp tục nhiệm vụ, còn các cán bộ, chiến sĩ khác được điều động về đơn vị khác. Thượng tá Lê Nhựt Đăng Khoa nói: “Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đây mãi là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời binh nghiệp và là hành trang để anh em bước tiếp”.

Đại tá Trịnh Hoài Văn, Phó Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ, cho biết: “Qua 2 đợt, khu cách ly tập trung đã tiếp nhận gần 700 người. Công dân Việt Nam và người nước ngoài cách ly tập trung tại đây rất phấn khởi, an tâm và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ chăm lo cho họ”.

Ở khu cách ly, sự sẻ chia của những người vốn chưa từng quen biết nhau đã truyền đi thông điệp yêu thương, ấm áp tình người. Câu chuyện ở khu cách ly đã tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho đội ngũ y bác sĩ, những chiến sĩ công an, những sinh viên tình nguyện…, họ cũng căng mình chống dịch ở “mặt trận” bên ngoài.

(còn tiếp)

Bài 2:  Căng sức “mặt trận”  bên ngoài

Bài, ảnh: Huệ Hoa

 

 

Chia sẻ bài viết