02/01/2025 - 08:03

Nhiều ý kiến hữu ích đóng góp về quy định phát triển và quản lý chợ 

Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị góp ý, phản biện dự thảo quyết định của UBND thành phố ban hành quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố. Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao về quyết định của UBND thành phố, đồng thời, góp ý, phản biện giúp đơn vị soạn thảo hoàn chỉnh nội dung dự thảo quyết định trước khi trình UBND thành phố xem xét, ban hành. 

Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố, phát biểu kết luận tại hội nghị.

Để thực hiện Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5-6-2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, UBND thành phố giao Sở Công Thương thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan soạn thảo dự thảo quyết định ban hành quy định về phát triển và quản lý chợ. Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 109 chợ truyền thống; trong đó, có 4 chợ hạng 1, 14 chợ hạng 2, 60 chợ hạng 3 và 31 chợ tạm. Việc ban hành quyết định ban hành quy định về phát triển và quản lý chợ là rất cần thiết nhằm đảm bảo kịp thời đúng theo tinh thần Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ”.

Theo đó, dự thảo quyết định của UBND thành phố gồm 6 chương, 21 điều. Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội của Ủy ban MTTQVN thành phố, cho biết: “Để thực hiện hiệu quả Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, thành phố cần xem xét lại điều kiện thực tế tại các chợ của địa phương để đề ra các quy định thiết thực, khả thi. Trong chương 3, điều 8 của dự thảo Quyết định đề cập đến trách nhiệm của UBND các cấp trong xóa bỏ điểm kinh doanh tự phát, trong đó có nội dung xóa bỏ dứt điểm và nghiêm cấm hình thành điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn, lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang an toàn giao thông, không đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường”.

Theo bà Phan Thị Minh Thu, việc xóa bỏ dứt điểm chợ tự phát là cả vấn đề, cần phải có lộ trình và giải pháp cụ thể. Đơn cử như như chợ ở đường Huỳnh Thúc Kháng và chợ Tân An có rất nhiều tiểu thương mua bán, lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang an toàn giao thông, nhưng không giải quyết dứt điểm được. Do đó, việc đơn vị soạn thảo đề ra quy định mà không thực hiện được trong thực tế thì gặp khó khăn trong công tác quản lý. Nhiều đại biểu cũng đồng tình và đề nghị đơn vị soạn thảo nên bỏ cụm từ “xóa bỏ dứt điểm chợ tự phát” thay bằng phương án khuyến khích các tiểu thương chuyển từ hình thức kinh doanh truyền thống sang loại hình kinh doanh khác cho đúng theo quy định...

Liên quan đến phát triển chợ văn minh, không sử dụng tiền mặt, ông Trịnh Văn Châu Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết: “Hiện tại, các chợ ở nông thôn chủ yếu là chợ truyền thống, có từ rất lâu đời. Đây là chợ tự sản, tự tiêu phục vụ nông dân trao đổi, mua bán ở nông thôn. Việc phát triển chợ văn minh, không sử dụng tiền mặt là rất cần thiết, nhưng phải tùy vào điều kiện thực tế của địa phương, không nên áp dụng đại trà”. Liên quan đến tên gọi của dự thảo quyết định, các đại biểu cho rằng dự thảo quyết định có 2 vế là quy định về “phát triển” và “quản lý” chợ. Tuy nhiên, đơn vị soạn chỉ tập trung công tác quản lý chợ, chưa quan tâm đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chợ theo hướng văn minh, hiện đại. Các đại biểu đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy hoạch và phát triển chợ cho phù hợp trong thời gian tới... 

Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố, đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của các đại biểu để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn chỉnh nội dung dự thảo quyết định nhằm đảm bảo tính pháp lý trước khi được ban hành. Đồng thời, lưu ý đơn vị soạn thảo bổ sung việc phân cấp quản lý tại các chợ, soạn thảo lại các “nội quy” ở chợ ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để quy định sau khi ban hành được triển khai thực hiện hiệu quả...

Bài, ảnh: T.T

 

Chia sẻ bài viết