Quý IV năm 2024, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ra mắt các tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh được tái bản và in mới.
Theo đó, các tác phẩm của cố nhà văn được in đợt mới với thiết kế hiện đại (có thêm áo bìa sách tựa như ô cửa, phủ hiệu ứng tranh bìa và tựa đề sách) là "Tiền bạc, bạc tiền" (in lần đầu 1925); "Từ hôn" (in lần đầu 1937); "Cư Kỉnh" (in lần đầu 1941). Các tựa vừa tái bản là "Con nhà giàu", "Con nhà nghèo", "Cười gượng", "Ăn theo thuở, ở theo thời", "Nhân tình ấm lạnh", "Ý và tình", "Dây oan". Như vậy tính đến nay NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã ấn hành khoảng 30 tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Các tác phẩm dự kiến tái bản là "Lòng dạ đàn bà", "Chúa tàu Kim Quy"…
Nhà văn Hồ Biểu Chánh sinh năm 1885 tại Gò Công, tên thật là Hồ Văn Trung. Ông viết tiểu thuyết đầu tay "Ai làm được" năm 1912. Trong 19 năm sau đó, ông cho ra đời 18 tiểu thuyết và nhiều kịch bản. Ðể rồi đến cuối cùng sự nghiệp văn chương của nhà văn Hồ Biểu Chánh có trên 70 tiểu thuyết và đoản thiên, ông còn viết nhiều thể loại khác như tuồng hát, hồi ký, biên khảo, thơ, dịch thuật, phê bình, tùy bút... Tính ra cũng hơn 130 tác phẩm. Ông mất
năm 1958.
Ðến hiện nay tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh vẫn có thị trường riêng. Các tác phẩm của ông không chỉ hiện hữu trên trang sách, mà còn trên sân khấu, phim ảnh... qua các kịch bản chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ văn chương của ông. Người đọc, khán giả ngày nay vẫn tìm về những tác phẩm của nhà văn được xem như là thế hệ mở đường cho tiểu thuyết hiện đại. Văn chương của ông gần gũi vì sử dụng từ ngữ bình dân một cách tự nhiên, phản ảnh đời sống trong xã hội Nam Kỳ thế kỷ XX.
Bên cạnh đó, tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh bao quát hiện thực, những nét văn hóa và đời sống ở Nam Bộ vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Ðó là sự tha hóa của con người trong sự lớn lên vùn vụt của của đầu óc trọng thương, là số phận đáng thương của những thường dân rơi vào cảnh cùng quẫn, là những câu chuyện thế sự giàu chất nhân văn của những con người trên vùng đất mới. Tác phẩm của ông bao phủ bởi sự hướng thiện trong con người, cảm thương cho thân phận con người còn chịu nhiều bất công.
Có thể nói chất liệu văn hóa trong các tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh là nguồn cảm hứng để chuyển thể thành nhiều loại hình như phim, kịch, cải lương... Ðạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Xum gắn bó với dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh và chuyển thể thành công các tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thành phim như: "Ngọn cỏ gió đùa, "Con nhà nghèo", "Nợ đời", "Hai khối tình", "Lòng dạ đàn bà", "Dây oan", "Chị Ðào, chị Lý", "Cay đắng mùi đời", "Tơ hồng vương vấn"… Ðạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết điểm đặc sắc ở tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh là chứa đựng hạt ngọc sau lớp vỏ bình dân, cảnh trí văn hóa, cốt truyện cô đọng, bối cảnh sinh động, giàu hình ảnh, tính nhân văn, ngôn ngữ rất đời, phản ánh chân thật bình dị văn hóa đời sống, cách nói chuyện, ứng xử của người miền Nam xưa.
Q.M