04/06/2021 - 10:32

Nhiều người trẻ bị nhồi máu cơ tim 

(CTO) - Trong 5 tháng đầu năm 2021, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ đã can thiệp cấp cứu cho hơn 10 trường hợp nhồi máu cơ tim ở người trẻ, dưới 40 tuổi. Mới đây, BV vừa cứu sống một cô gái 26 tuổi, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, bị nhồi máu cơ tim cấp.

Can thiệp mạch vành kịp thời giúp cứu sống, hạn chế biến chứng cho người bệnh.

Buổi sáng sau khi thức dậy, N. T. Kh bị đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi. Kh chịu đựng cơn đau kéo dài khoảng nửa giờ nhưng không khỏi, được người thân đưa vào cấp cứu ở Trung tâm y tế huyện, sau đó được chuyển đến BV Đa khoa TP Cần Thơ ngày 29-5.

Qua thăm khám và các kết quả đo điện tâm đồ và siêu âm tim tại phòng cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán Kh bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3. Ê-kíp cấp cứu mạch vành được khởi động ngay lập tức, đưa bệnh nhân đến phòng can thiệp mạch vành cấp cứu. Kết quả chụp DSA cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, là động mạch rất lớn để nuôi tim.

ThS.BS Đoàn Thanh Tuấn, Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, sau khi hội chẩn nhanh với bác sĩ trực lãnh đạo ngay tại phòng can thiệp, ê-kíp tiến hành tái thông đặt stent động mạch vành. Đây là kỹ thuật tiên tiến, có thể tiếp cận nhanh để tái tưới máu cho vùng cơ tim bị tổn thương. Quá trình can thiệp, bệnh nhân bị tụt huyết áp, choáng tim. Ê-kíp can thiệp mạch vành vừa hồi sức nội khoa vừa tranh thủ thời gian tái thông động mạch vành sớm.

Sau 3 ngày can thiệp, BS Đoàn Thanh Tuấn siêu âm đánh giá lại, thấy tình trạng co bóp của tim tiến triển tốt, không tràn dịch màng tim. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, chăm sóc thêm 1 tuần sẽ cho xuất viện.

Bệnh nhân Kh không có tiền sử bệnh tim mạch hay mắc các bệnh nền liên quan đến nội tiết như cao huyết áp, đái tháo đường. Theo BS Đoàn Thanh Tuấn, một trong những nguyên nhân khiến người bệnh mắc phải căn bệnh nguy hiểm này, có thể đến từ lối sống, sinh hoạt, nhất là việc hút khói thuốc lá thụ động từ những người thân có thói quen thường xuyên hút thuốc trong gia đình. Nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong cao.

Theo bác sĩ, tình trạng này nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa đã được một số nghiên cứu ở trong và ngoài nước đề cập. Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim bao gồm: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch, thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động thể lực. Vì vậy, kiểm soát được các yếu tố nguy cơ góp phần giảm rủi ro mắc bệnh.

Các dấu hiệu thường gặp của nhồi máu cơ tim gồm đau ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái, cảm giác đè nặng, bóp nghẹt, siết chặt, có khi lan ra tay trái, lên cằm, đôi khi cũng có thể đau vùng thượng vị (người bệnh tưởng nhầm bị đau dạ dày). Các cơn đau kéo dài hơn 20 phút, có thể kèm vã mồ hôi, khó thở và bất tỉnh. Khi gặp phải các triệu chứng trên, người bệnh nên đến ngay khám cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, giảm nguy cơ tử vong và biến chứng nặng nề sau nhồi máu cơ tim.

Video clip phỏng vấn bác sĩ về hiện trạng nhiều người trẻ bị nhồi máu cơ tim.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết