16/11/2018 - 22:12

Nhật-Úc hợp lực đối phó Trung Quốc 

Trên đường sang Papua New Guinea (PNG) tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 16-11 đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tại thành phố cảng Darwin, miền Bắc nước Úc, như là biểu tượng giúp tăng cường quan hệ quân sự và kinh tế giữa hai nước trước mối đe dọa an ninh và ảnh hưởng đáng quan ngại của Trung Quốc tại khu vực.

Hai thủ tướng Nhật (trái) và Úc  tại khu tưởng niệm chiến tranh Darwin Cenotaph chiều 16-11. Ảnh: AAP

Ông Abe là vị thủ tướng Nhật đầu tiên  thăm Darwin, nơi mà các đợt oanh kích của quân đội phát xít Nhật năm 1942 trong Thế chiến thứ hai làm hơn 250 người thiệt mạng. Đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất và chưa từng có từ bên ngoài vào nước Úc. Tại Darwin, ông Abe và Thủ tướng nước chủ nhà Scott Morrison đến viếng khu tưởng niệm chiến tranh Darwin Cenotaph như là cử chỉ “hối lỗi quá khứ” của nhà lãnh đạo xứ phù tang. Sự kiện này cũng nhắc lại việc Thủ tướng Abe năm 2016 cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đi thăm khu tưởng niệm USS Arizona ở đảo Hawaii,  nơi ghi nhớ thiết giáp hạm của hải quân Mỹ bị quân Nhật đánh chìm làm 1.177 sĩ quan và thủy thủ thiệt mạng ở Trân Châu Cảng năm 1941.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo xứ Mặt trời mọc cũng dự lễ khánh thành đường ống khí hóa lỏng (LNG) Ichthys dài gần 900km trị giá 34 tỉ USD. Dự án này do tập đoàn Inpex của Nhật nắm cổ phần chi phối và điều hành. Đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nhật Bản. Sản phẩm của dự án này chủ yếu phục vụ cho thị trường Nhật Bản và Đài Loan. Nhật Bản đang là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới và Úc là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho Nhật Bản.

Trong một thông cáo, Thủ tướng Morrison tuyên bố chuyến thăm Darwin của người đứng đầu chính phủ Nhật Bản “là một biểu tượng và mang ý nghĩa sâu sắc, đồng thời sẽ giúp xây dựng tình hữu nghị mạnh mẽ và bền vững cũng như tăng cường quan hệ kinh tế, an ninh, cộng đồng và lịch sử giữa hai nước”.

Quả thật, tại Darwin, lãnh đạo hai nước đặc biệt kỳ vọng có thể đạt được thỏa thuận cho phép quân đội hai nước dễ dàng thăm viếng lẫn nhau và thường xuyên tập trận chung với quy mô lớn hơn. Đây là thỏa thuận quan trọng, bởi hiện Nhật chỉ có thỏa thuận tương tự duy nhất với đồng minh Mỹ. Theo ông Bhubbindar Singh, Phó Giáo sư Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, thỏa thuận sẽ làm tăng vị thế của Úc như là đối tác chiến lược quan trọng thứ hai của Nhật Bản.

Theo tờ The Australian Financial Review, Tokyo và Canberra muốn tăng cường hợp tác kinh tế và quốc phòng vào thời điểm mà Trung Quốc xác định vai trò của mình trong khu vực, còn sự cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với châu Á lại giảm đi. Đây là lý do Nhật và Úc đã nỗ lực thúc đẩy xây dựng lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)  sau khi Mỹ rút lui bằng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Mới đây, Thủ tướng Morrison đã thể hiện chính sách đối ngoại “xoay trục” vào Tây Nam Thái Bình Dương bằng thông báo dành ngân quỹ 2 tỉ USD hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại đây. Điều này phù hợp với chiến lược của Nhật Bản là cung cấp nguồn lực đầu tư mới vào khu vực này trước sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Nhật Bản được cho đang hợp tác với Úc trong các sáng kiến an ninh hàng hải tại Thái Bình Dương.

Dù Mỹ giảm can dự vào châu Á-Thái Bình Dương qua việc Tổng thống Trump không tham dự Hội nghị cấp cao của ASEAN và APEC năm nay, nhưng Nhật-Úc vẫn sẽ phối hợp cùng Mỹ trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng vào khu vực thông qua cơ chế Đối thoại chiến lược ba bên. Trên bình diện rộng lớn và lâu dài hơn, Úc ủng hộ nỗ lực của Nhật là hiện thực hóa liên minh bộ tứ chiến lược Mỹ-Nhật-Ấn-Úc nhằm thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, dựa trên luật pháp và phát triển bao trùm. Các quan chức ngoại giao cấp cao 4 nước này vừa có buổi họp lần 3 tại Singapore hôm 15-11.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết