24/06/2021 - 06:57

Nhật trong chiến lược châu Á của Mỹ 

Song song với việc rút bớt quân khỏi Trung Đông, Mỹ đang tìm kiếm đồng minh và đối tác để tham gia nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc và duy trì chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Tàu ngầm Toryu trong lễ bàn giao cho Hải quân Nhật hồi tháng 3. Ảnh: janes.com

Tàu ngầm Toryu trong lễ bàn giao cho Hải quân Nhật hồi tháng 3. Ảnh: janes.com

Theo tờ Nikkei Asia, quốc gia tốt nhất mà Mỹ nhắm đến không ai khác đó chính là Nhật Bản, nước nằm gần eo biển Đài Loan và là nơi đồn trú của hơn 50.000 quân nhân Mỹ.

Không những vậy, Nhật Bản sở hữu hạm đội tàu ngầm hùng hậu. Mới đây, nhà máy đóng tàu Kawasaki đã bàn giao tàu ngầm Toryu thuộc lớp Soryu cho Bộ Quốc phòng. Và trong năm tới, tàu ngầm lớp Taigei có khả năng tàng hình và lặn dưới nước lâu hơn sẽ được đưa vào biên chế, nâng tổng số tàu ngầm của xứ hoa anh đào lên 22 chiếc. Cũng từ năm tới, Nhật Bản mỗi năm sẽ cho một tàu ngầm “nghỉ hưu” khi một tàu ngầm mới đi vào hoạt động. Vì vậy, Toryu, Taigei và các tàu ngầm khác của Nhật Bản sẽ chỉ có 22 năm tuổi thọ, ngắn hơn nhiều so với gần 40 năm của các tàu ngầm Mỹ.

Ron O’Rourke, chuyên gia hàng hải thuộc Cơ quan Nghiên cứu chính sách Quốc hội Mỹ, cho rằng hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản như là nguồn tài sản tiềm năng mà Mỹ có thể sử dụng để tăng cường khả năng răn đe của mình. “Nếu Nhật Bản chỉ đơn giản quyết định giữ tàu ngầm của họ hoạt động trong vòng 30 năm, giống như hoạt động của tàu ngầm của chính chúng tôi, họ có thể tăng lực lượng tàu ngầm của mình từ 22 chiếc lên 30 chiếc mà không cần phải đóng thêm bất kỳ chiếc nào” - O’Rourke cho biết. Theo ông này, hạm đội tàu ngầm lớn hơn của Nhật Bản, vốn sẵn sàng hỗ trợ Hải quân Mỹ trong các trường hợp bất ngờ, sẽ mang đến cho các nhà chiến lược ở Washington nhiều lựa chọn. Theo đó, nếu các tàu ngầm động cơ điện-diesel êm nhất thế giới của Nhật Bản có thể neo đậu ở các điểm nút trên khắp Chuỗi đảo thứ nhất, chúng sẽ gây ra mối đe dọa đáng kể đối với các tàu ngầm Trung Quốc đang cố đi qua khu vực này để đến vùng biển sâu Thái Bình Dương.

Jeffrey Hornung, nhà khoa học chính trị tại Trung tâm nghiên cứu RAND Corp nhận định, Nhật Bản là đồng minh có năng lực nhất của Mỹ tại khu vực. Ông Hornung cho rằng nếu việc phòng thủ các điểm nút được giao cho hạm đội tàu ngầm Nhật Bản thì Washingon có thể tập trung lực lượng vào cuộc chiến trên mặt nước trong khi Tokyo đảm trách việc tấn công dưới mặt nước.

Ngoài ra, Nhật Bản là nước có tiếng trong sản xuất vũ khí. Đơn cử, nội các nước này hồi tháng 12 năm ngoái đã thông qua kế hoạch phát triển các tên lửa tầm xa, có khả năng vươn tới toàn bộ lãnh thổ CHDCND Triều Tiên và nhiều khu vực của Trung Quốc và Nga, để lắp trên máy bay. Tokyo còn có kế hoạch nâng cấp tầm bắn của hệ thống tên lửa đối hạm Type 12. Do đó, Tom Karako, Giám đốc dự án phòng thủ tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) cho rằng việc Mỹ hợp tác với Nhật Bản để phát triển tên lửa tầm xa và vũ khí siêu thanh nhằm đáp trả năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc. Ông Karako cho rằng Mỹ không tìm kiếm mở thêm căn cứ quân sự thường trực tại Nhật Bản nhằm dễ nhắm vào các mục tiêu tên lửa của Trung Quốc, mà mong muốn hai đồng minh sẵn sàng xem xét những cách thức linh hoạt  có thể triển khai tên lửa, như các đơn vị tên lửa di động, đường băng ngắn cho máy bay không người lái trên đảo. 

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nhật Bản xếp thứ 9 thế giới về chi tiêu quốc phòng năm 2020, với 49,1 tỉ USD. SIPRI cho hay Nhật Bản nằm trong tốp 12 nước nhập khẩu hệ thống quân sự hàng đầu thế giới trong năm ngoái. Đặc biệt, 97% trong số mặt hàng quân sự mà Nhật mua về là do Mỹ, đồng minh thân cận nhất của họ, cung cấp. Theo Michihiro Akashi, chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu Mitsubishi, Tokyo mua phần lớn vũ khí nhờ vào số tiền bán thiết bị quân sự cho nước ngoài, tăng từ mức 1,7 tỉ USD năm 2014 lên 6,4 tỉ USD năm 2019.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết