08/12/2012 - 14:24

Nhật – Mỹ sẵn sàng phương án đối phó tên lửa Triều Tiên

Một tàu khu trục của Mỹ có trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tiên tiến. Ảnh: AFP

Trong khi Mỹ triển khai các tàu hải quân để "giám sát chặt chẽ" vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên và dự phòng phương án đánh chặn, Nhật Bản cũng đang trong tư thế sẵn sàng bắn hạ bất kỳ vật thể nào của tên lửa hướng tới nước này.

Hãng thông tấn Nhật Bản Jiji Press cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto ngày 7- 12 đã ra lệnh cho phép quân đội đánh chặn và phá hủy tên lửa Triều Tiên nếu nó đe dọa lãnh thổ Nhật Bản. Tokyo đã sẵn sàng hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không và đang đặt lực lượng vũ trang trong tình trạng trực chiến trước kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên trong tháng này. "Chúng tôi muốn tiến hành mọi phương án để đề phòng những diễn biến bất ngờ"- Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết dù khẳng định nước này không mong việc đó xảy ra.

Trong khi đó, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, ngày 6-12 cho biết nhiều tàu hải quân trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đã được triển khai và đang giám sát Triều Tiên "rất chặt chẽ" vụ phóng.

Theo ông Locklear, việc tàu hải quân Mỹ được triển khai trong khu vực để theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "hợp lý". Ông nói: "Chúng được triển khai với số lượng có thể tham gia vào việc đánh chặn tên lửa đạn đạo, cho nên chúng tôi sẽ bố trí chúng ở những vị trí có thể thực hiện điều đó". Hải quân Mỹ có cách tiếp cận tương tự như vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trước đó - Locklear cho biết thêm trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc. Theo đó, hai tàu khu trục có tên lửa dẫn đường là USS Benfold và USS Fitzgerald đã được điều tới khu vực này trước vụ phóng. Các tàu này đều được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tiên tiến Aegis và việc triển khai này giúp Mỹ "biết được liệu họ (Triều Tiên) có vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và phóng tên lửa hay không, đó là loại nào?, phóng để làm gì?, tên lửa đi tới đâu? và nước nào bị đe dọa?".

Đô đốc Locklear cho rằng vụ phóng là nhằm "chứng minh cho thế giới thấy Triều Tiên đã có khả năng phát triển tên lửa và có công nghệ tên lửa để sử dụng vào những việc mà họ muốn". Tuy nhiên, do Bình Nhưỡng từng thất bại trong vụ phóng tên lửa hồi tháng 4 năm nay, nên vị chỉ huy này cho rằng vụ phóng mới là "nhằm sửa sai và chưa rõ liệu nó có thành công hay không".

Mặc dù Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng tên lửa là "sứ mệnh khoa học và hòa bình" nhắm tới mục tiêu đưa vệ tinh quan sát Trái đất vào quỹ đạo, nhưng Mỹ và các đồng minh xem đây là một hình thức ngụy trang để che giấu các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung Hwan, Bình Nhưỡng đã đầu tư 480 triệu USD cho kế hoạch phóng tên lửa này. Ông cũng cho biết kho vũ khí và đạn dược của Triều Tiên hiện có các tên lửa Scud, Rodong và Musudan, trong đó, Musudan có tầm bắn hơn 3.000 km và có thể mang đầu đạn nặng tới 650 kg.

Theo hãng tin Bloomberg, kế hoạch phóng tên lửa trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 22-12 tới của Triều Tiên trái ngược hẳn với các dấu hiệu mà Chủ tịch Kim Jong Un chứng tỏ trong một năm cầm quyền vừa qua để dần thoát khỏi tình trạng cô lập dưới thời cha và ông của mình. Kế hoạch này trùng với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc nên có dư luận cho rằng nó được tiến hành nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của nhân dân Triều Tiên khỏi sự lựa chọn chính trị ở nước láng giềng. Cả ứng viên tổng thống của đảng cầm quyền Park Geun Hye và ứng viên phe đối lập Moon Jae In đều kêu gọi cứng rắn với chính quyền của Kim Jong Un sau 5 năm quan hệ song phương sa sút, đánh dấu bởi các vụ thử hạt nhân và tên lửa cũng như cuộc đụng độ hồi năm 2010 làm 50 người Hàn Quốc thiệt mạng.

THANH TRÚC
(Theo AFP, Reuters, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết