Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, ngành Công Thương đang thể hiện rõ vai trò “người đồng hành” sát cánh cùng doanh nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ðặc biệt, trước những khó khăn, thách thức từ những chính sách thuế quan của các nước nhập khẩu, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để tìm giải pháp hài hòa về thuế quan.

Vận chuyển gạo xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ.
Chủ động tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu, duy trì tăng trưởng bền vững, ngày 17-4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam”.
Theo Bộ Công Thương, mức thuế bổ sung của Hoa Kỳ sẽ tác động mạnh bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ như dệt may, da giày, gỗ, nông - thủy - hải sản,... Khi bị áp dụng chính sách này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn với hàng hóa nội địa và hàng hóa từ các nước khác được áp mức thuế thấp hơn khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Ðiều này gây áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bị tăng tồn kho, khi các đối tác Hoa Kỳ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các nước không bị áp thuế cao.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong những ngày qua, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang quyết tâm, nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ngoại giao, đồng thời chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề, tìm kiếm phương án giải quyết hợp lý cho cả 2 bên, hướng đến mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng phù hợp, ổn định, cân bằng, cùng có lợi.
TP Cần Thơ có 22 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ gần 192,3 triệu USD, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy sản, nông sản và nông sản chế biến, may mặc, thủ công mỹ nghệ, thép và các sản phẩm từ thép. Trong đó, may mặc và thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi mức thuế 46% có hiệu lực.
Nhằm hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp trên, ngày 14-4, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị và đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp. Tại hội nghị, các doanh nghiệp cho biết, việc áp thuế lên 46% sẽ khiến doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh về giá so với các nước không bị áp thuế hoặc bị áp thuế thấp hơn. Các doanh nghiệp thành phố có thể buộc phải giảm mạnh lượng hàng xuất khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong ngắn hạn để tránh thua lỗ. Từ đó dẫn tới kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ sang Hoa Kỳ dự kiến sụt giảm trong những quý cuối năm. Dù có nhiều ảnh hưởng từ việc áp thuế của Hoa Kỳ nhưng các doanh nghiệp vẫn đang tìm phương án vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
Tại cuộc họp, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, yêu cầu các cơ quan hữu quan ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp để xem xét tham mưu xử lý theo thẩm quyền của thành phố, đồng thời trình Trung ương các vấn đề vượt thẩm quyền. Ðồng thời, theo dõi, bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương kịp thời tham mưu UBND thành phố đề ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; ứng phó với thuế đối ứng. Cùng đó, ông Dương Tấn Hiển cũng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo tìm ra các giải pháp ứng phó tốt với cả kịch bản tốt và xấu từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.
Những giải pháp thiết thực
Trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương triển khai hàng loạt giải pháp thiết thực từ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đến kết nối doanh nghiệp với các thị trường tiềm năng. Công tác nghiên cứu chính sách, dự báo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp cũng được Bộ Công Thương chú trọng, đẩy mạnh. Song song đó, Bộ cũng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chuyển đổi số, phát triển thương hiệu và đổi mới sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.
Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã và đang nỗ lực phát huy vai trò “sứ giả” kinh tế để góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói riêng và quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế nói chung. Từ tháng 7-2022, vào những ngày cuối hằng tháng, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến với sự tham gia các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nội dung các hội nghị bên cạnh tổng quan chung về bức tranh xuất nhập khẩu với những cập nhật mới nhất còn có các buổi tập trung chuyên đề cho các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh, mũi nhọn cũng như tập trung làm rõ các nhu cầu của một số địa phương. Bên cạnh đó, các Thương vụ cũng có cơ hội để thường xuyên trao đổi, hỏi đáp và cập nhật chiến lược phát triển và nhu cầu của các ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cả nước. Với ý nghĩa này, hội nghị không chỉ là hoạt động giao ban xúc tiến thương mại mà còn là hội nghị đối thoại và triển khai các nhiệm vụ của ngành Công Thương với các cơ quan thương vụ ở nước ngoài.
Hiện nay, tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm đặc, biệt khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam. Cùng với đó, căng thẳng thương mại leo thang dẫn đến các hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Chuyển đổi quản lý C/O trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT (có hiệu lực từ ngày 15-4-2025) về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới. Chỉ thị đưa ra loạt biện pháp tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ Công Thương nhằm giảm thiểu rủi ro bị điều tra lẩn tránh thuế, đảm bảo uy tín hàng Việt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh các FTA đang bước vào giai đoạn thực thi sâu rộng.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, kiêm Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Cần Thơ, cho biết, Sở tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đặc biệt theo dõi chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu. Ðồng thời phát huy những thị trường hiện có, mở rộng tìm kiếm thêm những thị trường mới. Ðánh giá tầm quan trọng của thủ tục cấp C/O cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố, cũng như các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL có hồ sơ thương nhân đề nghị cấp C/O, Phòng XNK Cần Thơ cùng với các phòng chuyên môn thuộc Sở kịp thời nắm thông tin tình hình hoạt động của doanh nghiệp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cấp C/O nhanh chóng đúng quy định.l