17/09/2021 - 19:49

Nhật Bản - nhà trung gian tin cậy nhất của Trung Đông 

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi hồi tháng 8 đã đến thăm Ai Cập, Palestine, Israel, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Qatar trong khuôn khổ chuyến công du giúp Trung Ðông tăng cường an ninh, phục hồi kinh tế giữa đại dịch COVID-19.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (trái) trong cuộc gặp với người đồng cấp Palestine Riyad al-Maliki. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (trái) trong cuộc gặp với người
đồng cấp Palestine Riyad al-Maliki. Ảnh: AP

Tại Ai Cập, Ngoại trưởng Motegi và người đồng cấp nước chủ nhà Sameh Shoukry thống nhất tăng cường hợp tác giữa 2 bên, hướng tới khôi phục trị an, trật tự của khu vực sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan. Ông Motegi bày tỏ mong muốn hợp tác với Ai Cập trong việc ổn định tình hình ở Afghanistan và cải thiện quan hệ giữa Israel và Palestine.

Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki, ông Motegi thể hiện sự ủng hộ đối với việc giải quyết vấn đề 2 nhà nước Israel và Palestine bằng biện pháp hòa bình, đồng thời yêu cầu 2 bên nỗ lực kiềm chế hành vi làm gia tăng căng thẳng, khôi phục lòng tin giữa 2 bên. Nhân dịp này, ông Motegi cũng đã đề cập tới khoản viện trợ nhân đạo trị giá 23 triệu USD cho Dải Gaza, gồm 3,7 triệu USD viện trợ lương thực.

Còn tại Iran và Israel, Ngoại trưởng Motegi bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ với lãnh đạo 2 nước, đồng thời đóng góp vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Iran.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Motegi tới Trung Ðông diễn ra giữa lúc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cũng như xuất hiện những hoài nghi xung quanh các cam kết kéo dài hàng thập kỷ của Washington đối với vùng Vịnh và khu vực. Do đó, giới quan sát nhận định chuyến công du của ông Motegi được xem là cột mốc quan trọng đối với những nỗ lực không ngừng của Tokyo nhằm xác định vai trò toàn cầu mới của mình ngoài khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Nhìn chung, Nhật Bản đã và đang hướng tới việc đóng vai trò là một nhà trung gian điều phối về hòa bình và ổn định ở Trung Ðông, tận dụng vị thế trung lập của mình đối với tất cả các nước trong khu vực.

Thật ra, Nhật Bản từ lâu đã có lợi thế là cầu nối và trung gian ở Trung Ðông. Dù có quan hệ chặt chẽ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), Nhật Bản giữ vai trò rất hạn chế trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan và là một trong số ít đồng minh của Mỹ giữ vững danh tiếng “nhà trung gian trung thực” tại Trung Ðông.

Và với tư cách là cường quốc bậc trung tham gia vào nhiều lĩnh vực then chốt mà Trung Ðông quan tâm, Nhật Bản có cơ hội mở ra cuộc đối thoại chiến lược đa phương với khu vực, tập trung vào các vấn đề quan trọng trong những thập kỷ tới, như chuyển đổi kỹ thuật số và cạnh tranh công nghệ, từ đó giúp Trung Ðông thích ứng với việc tái cơ cấu thời “hậu Mỹ”, giảm thiểu nguy cơ bất ổn khu vực và cân bằng lợi ích cạnh tranh trong khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc. Ðặc biệt, Tokyo được xem là yếu tố thích hợp giúp Trung Ðông giảm bớt căng thẳng trong kế hoạch triển khai dịch vụ mạng không dây thế hệ mới 5G.

Trung Ðông là khu vực quan trọng đối với Tokyo và các đối tác thương mại ở châu Á. Hiện các nhà cung cấp dầu hàng đầu của Nhật Bản vẫn là Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait và Qatar.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết