02/06/2018 - 07:04

Nhật Bản đổ tiền vào Ấn Độ Dương 

Trong khi nhiều ánh mắt đổ dồn về các khoản đầu tư cảng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, Nhật Bản đã âm thầm đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại khu vực, với quy mô đôi khi còn vượt qua cả Trung Quốc.

Cảng Trincomalee (Sri Lanka), nơi Nhật Bản sẽ đầu tư mở rộng như là một phần của chiến lược FOIP.  Ảnh: Lanka
Cảng Trincomalee (Sri Lanka), nơi Nhật Bản sẽ đầu tư mở rộng như là một phần của chiến lược FOIP.  Ảnh: Lanka

So với sáng kiến “Vành đai, Con đường - BRI” của Trung Quốc, các hoạt động đầu tư của Nhật Bản ở Ấn Độ Dương hầu như không được quảng bá. Do đó, các dự án của xứ sở hoa anh đào tại đây thường không được nhiều người biết đến, khiến cho Nhật Bản bị hiểu nhầm là không tích cực trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối khu vực. Tuy nhiên, mức chi tiêu mà Nhật Bản dành cho các dự án tại đây không quá khác biệt so với  số tiền mà Trung Quốc dành cho BRI. Theo sáng kiến mang tên “Đối tác kết cấu hạ tầng chất lượng” lần đầu được công bố hồi năm 2015, Nhật Bản trong vòng 5 năm sẽ chi khoảng 110 tỉ USD phát triển kết cấu hạ tầng ở châu Á, nhưng đến năm 2016, kinh phí dành cho sáng kiến này đã được nâng lên mức 200 tỉ USD để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên toàn cầu, trong đó gồm cả khu vực châu Phi và Nam Thái Bình Dương.

Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng của Nhật Bản nhằm kết nối Thái Bình Dương và châu Phi hiện được nước này đưa vào chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP) của mình, vốn về cơ bản là nhằm thay thế vai trò kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Nhật Bản trong một tuyên bố cho biết, phương pháp phát triển kết cấu hạ tầng của FOIP khác biệt so với BRI vốn thường bị chỉ trích là không minh bạch, không bền vững và độc quyền trong bối cảnh các công ty Trung Quốc xây dựng kết cấu hạ tầng trên cơ sở một nguồn duy nhất, sau đó giành quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng chung, trong khi một số dự án đôi khi không ổn định về mặt kinh phí, khiến nước chủ nhà rơi vào cảnh nợ nần. FOIP  chú trọng tính an toàn, độ tin cậy, tác động xã hội và môi trường, việc tạo việc làm tại địa phương và chuyển giao bí quyết sao cho phù hợp với chiến lược phát triển và khả năng kinh tế của quốc gia chủ nhà.

FOIP cũng xem trọng các tiêu chuẩn như tính minh mạch và sự không độc quyền. Sáng kiến này của Nhật Bản cũng xem Ấn Độ như là đối tác chính và là trung tâm kinh tế ở Ấn Độ Dương. Năm 2017, Nhật Bản và Ấn Độ đã công bố sáng kiến chung gọi là Hành lang tăng trưởng châu Á - châu Phi, dự án nhằm tăng cường kết nối kinh tế giữa châu Phi và Thái Bình Dương. Dù bị hạn chế về nguồn lực tài chính nhưng Ấn Độ vẫn đóng vai trò quan trọng.

Các báo cáo gần đây cho thấy, nhiều dự án cảng đã được lên kế hoạch xây dựng ở Myanmar, Sri Lanka và Bangladesh như là một phần của chiến lược FOIP. Theo đó, Nhật Bản, Myanmar và Thái Lan sẽ hợp tác xây dựng một cảng mới ở Dawei (phía Đông Nam Myanmar), với kinh phí dự kiến 200 tỉ yen (1,8 tỉ USD); Nhật Bản, Sri Lanka và Ấn Độ sẽ mở rộng cảng tương đối nhỏ hiện tại ở Trincomalee (miền Bắc Sri Lanka) thành  cảng có tiêu chuẩn quốc tế với tổng kinh phí từ 10-13 tỉ yen; còn tại Matarbari (phía Đông Nam Bangladesh), một cảng mới sẽ được xây dựng với kinh phí vài chục tỉ yen, được cho sẽ xử lý một nửa lượng hàng hóa của Bangladesh trong tương lai. Hiện Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận với các chính quyền sở tại về kế hoạch xây dựng cảng và dự định ký các thỏa thuận chính thức vào đầu năm tới.

TRÍ VĂN (Theo The Interpreter, Seatrade Maritime News)

Chia sẻ bài viết