26/07/2013 - 09:56

Nhật Bản đẩy mạnh khả năng tăng cường tiềm lực quốc phòng

Chiếc Y-8 của Trung Quốc xuất hiện hôm 24-7.
Ảnh: Asahi Shimbun

Sau chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản hôm 21-7, hãng tin Anh Reuters cho biết Tokyo dường như đang bắt đầu xem xét việc tăng cường tiềm lực để phù hợp với chiến lược tấn công quân sự phủ đầu được đề xuất trong bản dự thảo chính sách quốc phòng thời gian gần đây.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có thể xem xét khả năng tấn công căn cứ của đối phương trước khi các mối đe dọa xảy ra và thiết lập lực lượng Thủy quân lục chiến để bảo vệ những hòn đảo ngoài khơi tương tự như trường hợp quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) mà nước này đang tranh chấp với Trung Quốc. Ngoài ra, chính phủ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể xóa bỏ lệnh cấm sử dụng quyền tự vệ tập thể hoặc giúp đỡ các đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công. Mặt khác, lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà nước này tự áp đặt cũng có thể được xem xét lại. Khi ấy, các nhà thầu quốc phòng của Nhật Bản sẽ có cơ hội tham gia nhiều dự án quốc tế và giảm chi phí mua sắm.

Theo Reuters, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trên thực tế là một trong những quân đội mạnh nhất châu Á, nhưng theo điều 9 bản Hiến pháp Nhật Bản do Mỹ soạn thảo sau khi nước này thua trận hồi Chiến tranh thế giới lần II thì Tokyo không được phép phát động chiến tranh, đồng nghĩa không sở hữu quân đội.

Hiện tại, khả năng tấn công của Nhật Bản khá hạn chế với trang bị gồm máy bay phản lực F-2, chiến đấu cơ F-15 và vũ khí tấn công trực tiếp, nên Tokyo đang có kế hoạch mua thêm 42 chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35 và 4 chiếc đầu tiên sẽ được hãng chế tạo thiết bị quốc phòng Mỹ Lockheed Martin bàn giao vào tháng 3–2017. Nhật Bản cũng đang xem xét việc sở hữu máy bay, hoặc phương tiện bay không người lái như máy bay do thám Global Hawk mà quân đội Mỹ đang sử dụng. Mặt khác, Giáo sư Marushige Michishita thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật cho biết Tokyo còn cần trang bị thêm nhiều máy bay tấn công, tên lửa hành trình cũng như khả năng thu thập tình báo nếu muốn tăng cường tiềm lực tấn công các bệ phóng tên lửa.

Một số chuyên gia nhấn mạnh, những thay đổi trên mang tính cải tiến nhiều hơn thay vì chỉ là một sự biến chuyển đột ngột trong thế trận quốc phòng của Nhật Bản. Tuy nhiên, với mối quan hệ căng thẳng hiện nay liên quan tranh chấp đảo và lịch sử chiến tranh, Trung Quốc được dự đoán sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với bản dự thảo báo cáo - dự kiến sẽ công bố vào ngày 26-7 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. “Tokyo cho dù có giải thích như thế nào về điều này cũng vấp phải sự lên án gay gắt từ phía Trung Quốc” - Michael Green thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược trụ sở tại Washington cho biết.

Trong diễn biến có liên quan, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc hôm 24-7 đã bay qua không phận giữa đảo chính của tỉnh Okinawa và đảo Miyako phía Nam nước này, qua Thái Bình Dương vào buổi trưa và trở lại biển Hoa Đông trên một tuyến đường. Cùng ngày, Nhật Bản còn phát hiện 4 tàu thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) lần đầu tiên xuất hiện gần khu vực Senkaku/Điếu Ngư.

“Đó là một hành động không bình thường chưa bao giờ thấy trước đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi với sự cảnh giác cao độ” - Thủ tướng Abe cho biết trước chuyến đi đến Malaysia, Singapore và Philippines để thảo luận về phương thức hợp tác và kiểm tra hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhận định động thái này của Trung Quốc là “dấu hiệu cho thấy việc mở rộng lãnh hải hơn nữa của chính quyền Bắc Kinh”. Tuy nhiên, phát ngôn viên Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào.

VI VI (Tổng hợp)

 

Chiếc Y-8 của Trung Quốc xuất hiện hôm 24-7. Ảnh: Asahi Shimbun

Chia sẻ bài viết