18/01/2010 - 10:04

Nhật Bản chiến đấu với “giặc nghèo”

Ngày càng nhiều người Nhật đang sống trong những căn phòng khiêm tốn như thế này.
Ảnh: CNN

Nhật Bản là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng người dân nước này cũng không “miễn dịch” được cái nghèo. “Thực trạng nghèo đói đã tồn tại ở Nhật nhiều năm qua và đang có chiều hướng lan rộng trong xã hội”, theo tiến sĩ Aya Abe, chuyên gia Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội Nhật Bản. Dưới đây là bài phản ánh vừa được đăng trên mạng tin IPS News.

Tiến sĩ Abe cho biết nhiều trẻ em ở đất nước Mặt trời mọc hiện sống dưới mức nghèo. Còn theo Masanori Matsumura, giáo viên tiểu học có 30 năm trong nghề thì số trẻ em không thể trang bị vật dụng học tập ngày càng gia tăng. “Cái nghèo đang ảnh hưởng xấu đến đối tượng dễ bị tổn thương nhất”, Matsumura, hiện là ủy viên Ban chấp hành Công đoàn giáo dục thành phố Tokyo, khẳng định. Năm 2008, đơn vị này tiến hành khảo sát 30 công đoàn cơ sở về các vấn đề mà trẻ em nghèo đang đối mặt. Kết quả cho thấy cái nghèo đang hiển hiện khắp nơi. Ví dụ: do lo sợ mất việc, nhiều ông bố bà mẹ không dám nghỉ làm 1 ngày để đi họp phụ huynh hoặc tham gia các hoạt động ở trường con đang học. Một số người còn kham cùng lúc hai hoặc ba việc. Tình trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội. Trẻ em ngày càng chán nản – thậm chí trở nên hung bạo – do cha mẹ chúng không có thời gian gần gũi, quan tâm. Nghèo khó còn khiến nhiều học sinh không đủ tiền trả bữa trưa ở trường hoặc tham gia hoạt động ngoại khóa. Đáng chú ý là các hộ gia đình đơn thân mặc dù chỉ chiếm 4,1% số hộ gia đình có con nhỏ tham gia khảo sát nhưng 66% thuộc diện tương đối nghèo.

Nền kinh tế Nhật trải qua giai đoạn trì trệ kéo dài kể từ đầu thập niên 1990. Vài năm trở lại đây, kinh tế nước này mới dần gượng dậy. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 một lần nữa lại gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đơn cử, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng từ 3,8% tháng 12-2007 lên 5,7% vào tháng 6-2009. “Cơ cấu việc làm đã thay đổi lớn trong 10 năm qua”, Haruo Asai, giáo sư Đại học Rikkyo, nhận định. Nhiều ông chủ chuyển từ hình thức thuê nhân công dài hạn sang hợp đồng thời vụ. Thống kê của chính phủ cho thấy đến cuối năm 2008, lao động ngắn hạn và bán thời gian chiếm gần 35% lực lượng lao động cả nước, tăng đáng kể so với mức 20% của thập niên 1980. Hiện khoảng 50% lực lượng lao động dưới 24 tuổi không có việc làm ổn định, nên khi bị sa thải, họ không được hưởng phúc lợi như lao động làm toàn thời gian.

Tháng 10-2009, lần đầu tiên trong 45 năm, chính phủ Nhật công bố dữ liệu cho thấy cái nghèo đang bủa vây nước này. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, 15,7% dân số và 14,2% trẻ em và thanh thiếu niên Nhật đang sống trong cảnh tương đối nghèo. Trong khi đó, kết quả điều tra xã hội học năm 2008 cho thấy số người nghèo cũng như khoảng cách giàu nghèo ở xứ phù tang đang gia tăng. Hàng nghìn lao động hợp đồng và làm bán thời gian bị mất việc do bộ phận sản xuất cắt giảm sản lượng và ngành dịch vụ bị thu hẹp. Báo chí Nhật còn cho biết cả nước có 33.000 trẻ em không có bảo hiểm y tế, nhiều phụ huynh không có khả năng trả tiền cơm trưa cho con ở trường. Hầu hết học sinh cấp 2 và 3 ăn trưa theo kiểu “kyushoku”, trong đó, phụ huynh đóng tiền thức ăn còn địa phương trả lương cho đầu bếp.

Trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn về mặt kinh tế mà nhiều gia đình đang gánh chịu, chính phủ Nhật đang thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, chẳng hạn như chi tiền trợ cấp đồng phục cho học sinh, tương đương 26.000 yen (hơn 5,2 triệu)/tháng. Được biết, tổng ngân sách dành cho khoản trợ cấp này năm 2010 là 5,3 nghìn tỉ yen (1.076 nghìn tỉ đồng). Ngoài ra, chính phủ Nhật còn cam kết hỗ trợ học phí ở bậc trung học, bằng cách chi 120.000-240.000 yen (24-48 triệu đồng) cho mỗi học sinh. Mặc dù vậy, nhiều người lo ngại liệu chính phủ có thể bảo đảm nguồn quỹ để thực thi những chính sách này hay không. Trong khi đó, Tiến sĩ Abe cho rằng chi tiền trợ cấp chỉ là giải pháp tình thế, không thể đẩy lùi hiệu quả “giặc nghèo”.

THỤY TRÚC

Chia sẻ bài viết