“Nhạc chế” là những bài hát được “sáng tác” lời mới dựa trên nền nhạc của một ca khúc đã nổi tiếng, đã đi vào lòng công chúng để bông đùa và “truyền miệng”, hát cho nhau nghe trong bàn nhậu. Nhạc cách mạng, trữ tình, hip hop, nhạc trẻ, dân ca, cải lương... đều bị “xào”.
 |
Bìa một album “nhạc chế”.
Nguồn: suctrevietnam.com |
Gần đây, cùng với sự nở rộ của nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại, với nhu cầu săn “hàng độc” của giới “teen” mà đặc biệt là sự góp mặt của các trang web nhạc trực tuyến đã khiến cho “nhạc chế” phát triển ồ ạt. Hầu hết các trang web nghe nhạc trực tuyến đều có chuyên mục “nhạc chế”, riêng các trang “chuyên nhạc chế” đều có số người đăng nhập kỷ lục.
Những ai lần đầu tiếp cận “nhạc chế” trên mạng hẳn sẽ “nổi da gà” bởi hầu hết các bài hát được đưa vào lời tục tĩu, bạo lực, chán đời, bi lụy với những tựa đề gây “sốc”: “Khủng bố và tiền đô em chọn đi”, “Kiếp ăn xin”, “Xe 50 và điện thoại 8250”, “Công chúa hôi nách”, “Anh đưa em vô phòng”, “Yêu không yêu đ... cần”... Các “lời mới” dựa vào nhạc của một số bài hát đã nổi tiếng nên rất dễ thuộc.
Lời của những bài “nhạc chế” này, “nhẹ” thì là nhảm nhí; “nặng” thì tục tĩu, chửi rủa, mạt sát nhau hay miêu tả vấn đề tình dục nam nữ với những từ ngữ và âm thanh thô tục. Có thể nói rằng, đây là một loại “âm nhạc” bệnh hoạn đã thâm nhập, hoành hành trong đời sống âm nhạc và đang đầu độc giới trẻ. Từ những bài hát được coi là “hạng nhẹ” như “Một dĩa mồi, một thùng bia” được “chế tác” từ ca khúc “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Khi có một dĩa mồi, ta thường nghĩ về thùng bia. Khi có một thùng bia, ta thường nhớ về bạn bè. Rủ nhau đến đây ăn nhậu...”, đến những lời ca vô nghĩa, chẳng hiểu nói lên điều gì như trong bài “Xe 50 và điện thoại 8250” (“chế” từ ca khúc “Tình yêu và giọt nước mắt”): “Em cho anh hay, ngày xưa em quen anh vì anh có O2 mà thôi. Khi em quen anh, được đi xe Dylan, lòng em yêu anh vô cùng. Thôi thôi quên đi, giờ em ra đi vì anh trắng tay không còn chi” (O2 là một nhãn hiệu điện thoại di động)?
Từ bài hát “Công chúa bong bóng” được ca sĩ B.T. trình bày, sau khi cô ca sĩ này quảng cáo cho một sản phẩm lăn khử mùi, dính vào nghi án đạo nhạc, đã biến thành “Công chúa Hôi nách” với ca từ rất “mất vệ sinh”: “Hè về mồ hôi không ngớt. Hôi nách đi đâu Hôi nách cũng không biết nhục. Nhưng nàng công chúa biết chăng, đạo nhạc làm cô hôi nách hơn, R... không cứu cô được đâu”. Cũng có không ít có lời lẽ bạo lực: “Sống bên Hồng Công, anh là thằng đâm thuê chém mướn. Ân oán phân minh, ra đường không để ai đè” và “Hận đời cầm dao chém giết nhau, cho quên đắng cay ở trong lòng. Hận tình mà anh chém chết em...” (!) (bài “999 Trần Hạo Nam” chế từ ca khúc “999 đóa hồng”... Và còn rất nhiều “nhạc chế” không dám kể ra, dùng thứ ngôn từ mà người đứng đắn nghe phải bịt tay. Ở trên mạng Internet, thậm chí cả những áng văn bất hủ như “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi hay “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu cũng bị xúc phạm bằng cách đọc theo kiểu ráp...
Cần báo động về “nhạc chế” ngày càng lan tỏa trong đời sống giải trí của một bộ phận “tuổi teen” hiện nay, phá vỡ những định hướng thẩm mỹ nghệ thuật và cả quan niệm đạo đức của một bộ phận giới trẻ. Những bài hát này lại còn được in đĩa lậu bán tràn lan ở lề đường, vỉa hè và cả cửa hàng băng đĩa. Đã đến lúc không thể coi “nhạc chế” là một trò đùa vô hại mà cần có sự quan tâm của gia đình, trường học, đoàn thể và các tổ chức xã hội, cả những cơ quan chức năng để hướng giới trẻ quay lại với thị hiếu thưởng thức nghệ thuật đúng đắn.
Đăng Huỳnh