14/11/2009 - 09:02

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII:

Nhà máy điện hat nhân phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả và an toàn

* Cần có phương án đảm bảo đời sống nhân dân vùng di dời sau khi hoàn thành dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu

Sáng 13-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu.

Thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Thủy điện Lai Châu dự kiến được xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đây là công trình thủy điện có vai trò quan trọng trong việc phát điện cung cấp cho đất nước, tham gia cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa kiệt; tạo cơ hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đặc biệt là huyện miền núi Mường Tè, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc...

Đa số đại biểu đồng tình với Tờ trình báo cáo xin chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Lai Châu của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Dự án thủy điện Lai Châu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Việc đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu là phù hợp với định hướng phát triển của ngành điện lực Việt Nam, phù hợp với quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu. Triển khai xây dựng công trình thủy điện Lai Châu sẽ góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực... Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến quy mô công trình, các vấn đề công nghệ - kỹ thuật của Dự án; vốn đầu tư xây dựng; độ an toàn của công trình, tác động môi trường và di dân tái định cư.

Các đại biểu Đặng Văn Chiến (Lai Châu), Lê Văn Học (Lâm Đồng), Cầm Chí Kiên (Sơn La), Trần Thị Kim Phương (Hà Nội), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) và nhiều đại biểu khác bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với công tác di dân tái định cư thủy điện Lai Châu. Các đại biểu cho rằng, công tác di dân tái định cư là công việc rất khó khăn, cần được các bộ, ngành Trung ương tăng cường kiểm tra giám sát kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Theo số liệu của Chính phủ, số hộ và số dân phải chuyển đến nơi ở mới là 1.661 hộ với 5.867 khẩu thuộc 8 xã và 1 thị trấn. Do quỹ đất của Lai Châu đủ rộng nên các điểm tái định cư chủ yếu tập trung ở huyện Mường Tè. Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) cho rằng điều này khá thuận tiện nhưng cũng đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm, đó là người dân sẽ phải từ bỏ vùng đất màu mỡ đang sinh sống để di chuyển đến vùng đất cao hơn, có địa thế dốc và đất không tốt, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo đời sống, phong tục tập quán của người dân. Đa số đại biểu đề nghị Nhà nước tăng thời gian hỗ trợ lương thực cho khu vực di dân, làm tốt công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, có phương án chuyển đổi ngành nghề cho người dân và phải gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Các đại biểu đề nghị chính sách di dân tái định cư phải thực hiện trên nguyên tắc người dân phải có điều kiện sinh sống và sản xuất tốt hơn nơi ở cũ. Cơ chế tái định cư của Dự án thủy điện Lai Châu được áp dụng như cơ chế di dân tái định cư của thủy điện Sơn La và cần rút kinh nghiệm công tác di dân tái định cư của thủy điện Sơn La để thực hiện ở dự án thủy điện Lai Châu nhằm đảm bảo chất lượng đời sống người dân ở khu vực này.

Cuối phiên họp sáng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010 với 410 đại biểu tán thành, chiếm 83,16%.

* Chiều 13-11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại hội trường cho ý kiến vào Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội trường, cơ bản nhất trí Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta tại Ninh Thuận. Các đại biểu cho rằng, Nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả cao, nhưng vốn lớn, yêu cầu an toàn cao, trước mắt phải nhập khẩu 100% nhiên liệu, vì thế cần chọn lộ trình, kỹ thuật công nghệ, phương án đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp với khả năng đất nước và xu hướng phát triển của quốc tế. Trước mắt, chỉ nên xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với công nghệ thế hệ thứ 3 trở lên, sau đó tùy tình hình thực tế sẽ quyết định xây dựng tiếp các nhà máy khác, để tránh áp lực về nguồn vốn đầu tư, có cơ hội tận dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và có thời gian để tích lũy kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thu ý kiến đóng góp, góp ý của các đại biểu Quốc hội và khẳng định vấn đề an toàn của người dân luôn được đặt lên hàng đầu trong việc triển khai xây dựng, vận hành Nhà máy điện hạt nhân. Theo quy định, hiện nay dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vẫn đang ở giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, xin chủ trương của Quốc hội vì thế nhiều vấn đề đại biểu quan tâm nằm ở phần báo cáo khả thi. Sau này, nếu Quốc hội thông qua chủ trương, các vấn đề đại biểu quan tâm sẽ được báo cáo, làm rõ ở báo cáo khả thi. Về vấn đề lựa chọn công nghệ cho Nhà máy phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo hiện đại, tiên tiến, đã được kiểm chứng, hiệu quả và an toàn. Ở giai đoạn lập dự án đầu tư, căn cứ vào tình hình cụ thể, Chính phủ sẽ báo cáo xin sử dụng công nghệ thế hệ nào. Về việc lựa chọn địa điểm, sau một thời gian khá dài nghiên cứu, khảo sát, Chính phủ nhận thấy hai địa điểm ở Ninh Thuận đảm bảo hội đủ mọi điều kiện đáp ứng hơn 30 tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai chương trình tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng sẵn có và phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo tính toán, việc tiết kiệm năng lượng tối đa đạt được 20%, nhưng cần có quá trình và mức đầu tư tương ứng. Năng lượng tái tạo không phải là vô hạn, hiệu quả kinh tế của gió, mặt trời không phải là cao. Nguồn năng lượng thế giới ngày càng cạn, vì vậy nhập khẩu ngày càng đắt, không hiệu quả bằng điện hạt nhân, không bù đắp được thiếu hụt năng lượng. Vì thế, Chính phủ đề nghị triển khai 2 Nhà máy, nhằm tận dụng cơ hội thu hút đầu tư các nhà đầu tư công nghệ cao, có công nghệ nguồn về hạt nhân.

BÍCH THỦY-XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết