Cuối tháng 9- đầu tháng 10 vừa qua, tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đã diễn ra lễ hội kỷ niệm 145 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Lễ hội đã tái hiện thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh sự hy sinh anh dũng của cụ Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân- những người con trung dũng, bất tử của đất Kiên Giang nói riêng, Nam bộ nói chung- biểu tượng của tinh thần yêu nước, hiên ngang, bất khuất chống ngoại xâm của cả dân tộc.
"Hỏa hồng Nhật Tảo kinh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần"
Vào những năm giữa thế kỷ thứ 19, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha do Rigault de Genouilly đổ bộ lên Đà Nẵng. Năm 1859, thực dân Pháp tấn công Gia Định. Đại đồn Kỳ Hòa do Nguyễn Tri Phương chỉ huy phòng thủ bị vỡ trận
Nguyễn Trung Trực lúc ấy chiêu mộ được một số nông dân, nghĩa dõng theo Trương Định đánh Tây vào những ngày đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc.
Nguyễn Trung Trực sinh vào khoảng năm 1838 (theo nhiều tư liệu, khi hy sinh Nguyễn Trung Trực khoảng 30 tuổi), gia đình ông vốn gốc là dân chài ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Thủa bé, ông có tên là Chơn, sau đổi tên là Lịch (Nguyễn Văn Lịch, còn được gọi là Năm Lịch). Do tên Chơn, cùng với tính tình thẳng thắn, chân thật, nên ông được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực. Gia đình ông lánh nạn giặc Pháp vào Nam, định cư ở xóm Nghề, làng Bình Nhựt, tổng Cửu Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), sinh sống bằng nghề chài lưới ở miền Hạ (sông Vàm Cỏ). Về sau, lại dời đến Cà Mau trú ngụ ở làng Tân Thuận, tổng An Xuyên (nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Nguyễn Trung Trực là một thanh niên có tư chất, thể lực khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, sau lớn lên, ông có chí lớn và là người gan dạ, nhiều mưu lược.
* Hỏa hồng Nhật Tảo
 |
Lễ hội Nguyễn Trung Trực. |
Sau khi hạ thành Kỳ Hòa, ngày 23- 6- 1861, quân Pháp chiếm Gò Công thuộc Định Tường, nay là Tiền Giang, rồi cho tiểu hạm Espérance (Hy Vọng), đến án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo để hỗ trợ cho quân bộ.
Espérance là một chiến hạm bằng gỗ có bọc ?ồng, nhôm dưới lườn, chạy bằng hơi nước, có thể cơ động, ra vào những nhánh sông, luồng lạch cạn. Tàu được trang bị một đại bác cùng nhiều vũ khí hiện đại thời đó. Đây là một trong những tàu chiến thuộc đội pháo thuyền chinh phục lừng danh của hải quân Pháp lúc bấy giờ. Chỉ huy tàu là trung úy hải quân Parfait, cùng 42 lính thủy lê dương.
Nguyễn Trung Trực cùng các thuộc hạ: Võ Văn Quang, Huỳnh Khắc Nhượng, Nguyễn Học, Nguyễn Văn Điền và Hồ Quang Chiêu chỉ huy gần 150 nghĩa quân tham gia trận đánh. Trưa ngày 10 tháng 12 năm 1861, sau khi bố trí xong lực lượng phục kích trên bờ, 5 chiếc ghe chở Nguyễn Trung Trực cùng 59 nghĩa quân giả làm đoàn ghe đám cưới tiến sát tiểu hạm Espérance. Viên sĩ quan trực tưởng là đoàn ghe ghé xin phép lưu thông, nên nghiêng mình ra cửa sổ tàu thì bất ngờ bị nghĩa quân dùng giáo đâm trúng ngực. Cùng lúc ấy, nghĩa quân từ các ghe nhảy lên, tay cầm gươm giáo và đuốc, vừa la hét, vừa xông vào đánh giáp lá cà với lính thủy Pháp.
Các nghĩa quân phục kích ở hai bên bờ cũng nhanh chóng đến trợ chiến. Kết thúc trận đánh, nghĩa quân phóng hỏa thiêu hủy tàu, Espérance bị đánh chìm xuống lòng sông Nhật Tảo! 37 lính Pháp bị giết. Phía nghĩa quân có 4 người hy sinh! Trận đánh làm cho thực dân Pháp bị bất ngờ và cay cú. Sau đó chúng trả thù bằng cách cướp bóc, đốt phá hai bên bờ sông làng Nhật Tảo
Trong trận "thủy chiến" này quân Pháp bị thiệt hại lớn, và bắt đầu dè dặt, không còn nghênh ngang, ngạo mạn như trước.
* Kiếm bạt Kiên Giang
Đồn Rạch Giá hay thành Rạch Giá, còn gọi là đồn Kiên Giang, hay đồn Săn Đá. Căn cứ này có từ thời các chúa Nguyễn. Về sau, Pháp dùng tòa thành này làm Tòa Bố (cơ quan hành chính của tỉnh). Vị trí đồn xưa kia nằm bên bờ Sông Kiên, trong khuôn viên UBND tỉnh Kiên Giang ngày nay, cận đình thờ Nguyễn Trung Trực và cửa biển Rạch Giá.
 |
Anh hùng
Nguyễn Trung Trực. |
Trận đánh đồn Rạch Giá diễn ra từ ngày 16-6 đến ngày 20-6 năm 1868 do Nguyễn Trung Trực lên kế hoạch và chỉ huy. Nghĩa quân làm chủ Rạch Giá suốt 5 ngày đêm và đã gây cho Pháp nhiều tổn thất. Nhà văn George Diirrwell đánh giá đây là một sự kiện bi thảm (un événement tragique)(1) của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Đêm ngày 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân dùng ghe chèo từ biển bí mật đổ bộ lên bờ rạch Lăng Ông (Rạch Giá). Sau khi hợp quân với đoàn nghĩa quân đến từ Hòn Chông, khoảng 4 giờ sáng, Nguyễn Trung Trực cho người đột nhập vào giết chết lính canh, rồi phát lệnh tấn công. Nghĩa quân trèo tường, phá cổng, nhanh chóng xâm nhập vào đồn...Đang cơn say ngủ, quân Pháp không kịp trở tay, nên đồn Rạch Giá bị nghĩa quân chiếm lĩnh khá dễ dàng... Tác giả Alfred Schreiner thuật trận đánh đồn Kiên Giang như sau:
"Đồn Rạch Giá bị tấn công lúc 4 giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868. Trung úy hải quân kiêm thanh tra địa phương, người ở đây gọi là Chánh Phèn, vì bộ râu vàng hoe, là một trong những người bị giết trước tiên. Trung úy Sauterne chỉ huy đồn lính bị giết chết sau một chập chống trả mãnh liệt. Đồn này gồm 30 người, ngủ say cạnh những khẩu súng của họ đều bị hạ sát
"(2)
Sau hai ngày xảy ra cuộc khởi nghĩa (16 đến 18-6-1868), Thiếu tá hải quân A. Léonard Ausart được lệnh của Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp mang binh từ Vĩnh Long sang cứu viện. Ngoài bọn Tây xâm lược, trong đội hình tham gia bình định còn có Tổng đốc Lộc, Tổng đốc Phương đi theo trợ lực. Ngày 21, quân Pháp vào kênh Thoại Hà, lực lượng "Binh Gia Nghị" của Trần Văn Thành cùng đông đảo nhân dân Núi Sập lập cản ở Ba Bần và Trà Kên, nhưng bọn chúng vẫn tiến được đến Sóc Suông (nay thuộc xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang). Nghĩa quân ra sức chống ngăn bọn Pháp từ xa, nhưng do thua kém về vũ khí, trang thiết bị so với giặc Pháp, Nguyễn Trung Trực đành phải rút quân vào đồn Rạch Giá, sau lui tiếp về Hòn Chông, Ba Trại. Cuối cùng, ông phải rút ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm mưu sự chống Pháp lâu dài. Về sau, ông bị quân Pháp bao vây ngặt ở Phú Quốc suốt mấy tháng. Để cứu nghĩa quân khỏi chết đói và thoát khỏi bị tiêu diệt, ông tự ra hàng. Có giả thuyết nói thực dân Pháp bắt giam mẹ ông rồi ép ông ra đầu thú (!?). Tuy nhiên, chính Giám đốc Sở Nội vụ Nam Kỳ Paulin Vial viết:
"Nguyễn Trung Trực chịu nộp mạng, chỉ vì thiếu lương thực và vì mạng sống của bao nghĩa quân đang bị bao vây hàng tháng trời ròng rã tại Phú Quốc"(3)
Bắt được Nguyễn Trung Trực, Pháp đưa ông lên giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhà đương cục Pháp đã đưa Nguyễn Trung Trực về lại Kiên Giang và hành quyết ông tại chợ Rạch Giá. Năm ấy ông khoảng 30 tuổi. Trước khi hy sinh oanh liệt, anh hùng Nguyễn Trung Trực có một câu nói nổi tiếng, lưu truyền hậu thế: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây".
Mộ Nguyễn Trung Trực hiện nay nằm trước, bên trái đình thờ ông ở trung tâm thành phố Rạch Giá, gần mộ, có một cây si cổ thụ khổng lồ, vạm vỡ tỏa che bóng mát cho người anh hùng yên nghỉ ngàn thu. Trên đầu mộ ông có đúc hình một thanh kiếm to, với hai câu thơ hùng tráng:
"Hỏa hồng Nhật Tảo kinh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần"
dịch:
"Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần"
Trong những ngày lễ hội kỷ niệm "Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực" có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc. Đặc biệt, lễ thỉnh sắc thần và dâng hương, có sự tham gia của rất đông đảo bà con, nhân dân địa phương và các nơi về tham dự, cùng với những người đại diện, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể ở Kiên Giang
Đi kèm theo lễ hội còn có các chương trình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, thể thao được tổ chức ở nhiều địa điểm tại thành phố Rạch Giá. Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực năm nay đã thu hút gần 1 triệu du khách xa gần.
Mai Lý
Tư liệu tham khảo:
- Nam bộ xưa và nay - (Nhiều tác giả - NXB TP Hồ Chí Minh 2003 (tr.251-255)
- Lịch sử Việt Nam tập II (Đinh Xuân Lâm - NXB Giáo Dục 2005 (tr.16-34)
- (1),(2),(3): Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (Trận đồn Kiên Giang,Trận Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực )
- Almanach- Những sự kiện lịch sử Việt Nam (Phạm Đình Nhân- NXB VHTT 2001)(tr 989)