15/09/2020 - 19:19

Nguy cơ tranh chấp kết quả bầu cử Mỹ 

Chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý tiềm ẩn, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đang tập hợp đội ngũ các nhà chiến lược kỳ cựu có thể đối đầu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau ngày bầu cử 3-11.

Đường đua đến Nhà Trắng giữa Tổng thống Trump (phải) và đối thủ Biden đang bước vào giai đoạn nước rút. Ảnh: InvestmentNews

Đường đua đến Nhà Trắng giữa Tổng thống Trump (phải) và đối thủ Biden đang bước vào giai đoạn nước rút. Ảnh: InvestmentNews

Trước đó, Tổng thống Trump liên tục cảnh báo nguy cơ gian lận trong cuộc bầu cử sắp tới dù không đưa ra bằng chứng. Sự “kiên trì” của chủ nhân Nhà Trắng và các đồng minh đảng Cộng hòa buộc chiến dịch tranh cử phe Dân chủ lập “phòng chiến tranh pháp lý” đề phòng tranh cãi về kết quả bỏ phiếu, theo New York Times.

Ðược mô tả là chương trình “bảo vệ cử tri” lớn nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống xứ cờ hoa, chiến dịch của ông Biden đã xây dựng bộ phận pháp lý, ban điều hành nghiên cứu chiến lược chính trị và truyền thông quy tụ hàng trăm chuyên gia nhằm đảm bảo tiến trình bầu cử hợp lệ và phiếu bầu được kiểm đếm chính xác. Ngoài ra, các bên còn tích cực phối hợp chống hoạt động trấn áp cử tri, xác định và ngăn chặn thông tin sai lệch cùng nguy cơ can thiệp trong và ngoài nước; hướng dẫn cử tri những hình thức bỏ phiếu sẵn có khác nhau.

Reuters cho biết tham gia nỗ lực hiện nay của đảng Dân chủ gồm có Bob Bauer - cố vấn trưởng cho chiến dịch của cựu Tổng thống Barack Obama. Bên cạnh đó là sự hiện diện của trưởng nhóm luật sư chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton hồi năm 2016, Marc Elias. Hai luật sư từng đại diện chính quyền Obama và Tổng thống Bill Clinton là Donald Verrilli cùng Walter Dellinger cũng được mời quản lý đơn vị tranh tụng đặc biệt, trong khi cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder kiểm soát vấn đề liên quan quyền biểu quyết.

Trước động thái rầm rộ của đảng Dân chủ, Phó Giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump chỉ trích đối thủ tiếp tục làm suy yếu các quy tắc đề phòng gian lận, qua đó nhấn mạnh nỗ lực của đảng Cộng hòa bảo vệ tính toàn vẹn của lá phiếu. Hiện chiến dịch của ông Trump cũng có đội ngũ luật sư riêng để xử lý nhiều vấn đề, đặc biệt tập trung ngăn một số bang gửi phiếu bầu vắng mặt cho tất cả cử tri đã đăng ký.

Trước đó, ông Trump đã nhiều lần nghi ngờ tính hợp pháp của việc bỏ phiếu qua bưu điện vốn được tiến hành trong một số cuộc bầu cử sơ bộ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Không chỉ đề nghị hoãn bầu cử, chủ nhân Nhà Trắng còn lấp lửng việc có hay không chấp nhận kết quả bầu cử nếu ông Biden giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Về vấn đề này, các nhà bình luận đoán rằng phe Dân chủ cũng không sẵn sàng thừa nhận kết quả nếu ông Trump tái đắc cử. Năm 2017, họ từng tập hợp lực lượng để thách thức ông Trump khi đó mới đắc cử, gây sức ép cho chính quyền mới trên hàng loạt vấn đề chính sách và hướng sự chú ý đến các cuộc tấn công mạng mà Nga bị cáo buộc đứng sau để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo các chuyên gia, bản chất bầu cử dân chủ là dựa vào việc người thua cuộc tin và chấp nhận kết quả bỏ phiếu là công bằng thay vì phản đối hoặc thách thức nhà lãnh đạo được lựa chọn. Giả sử hai chính đảng lớn của Mỹ quyết coi bên kia gian lận và không nhượng bộ trong cuộc bầu cử sắp tới, giới phân tích lo ngại diễn biến này sẽ là tiền đề hủy hoại nền dân chủ, dẫn đến bạo lực thậm chí để lại một cuộc khủng hoảng Hiến pháp.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết