27/08/2024 - 10:22

Nguy cơ khủng hoảng sức khỏe từ thịt động vật 

Trong nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Quốc tế, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xảy ra một đại dịch do tình trạng kháng thuốc kháng sinh bắt nguồn từ các động vật dùng làm thực phẩm ở khu vực Ðông Nam Á, tác động đến sức khỏe toàn cầu.

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh từ động vật làm thực phẩm có thể dẫn tới những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng trên người. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng các bệnh kháng thuốc có thể gây ra tới 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050. Trong nghiên cứu mới công bố, các chuyên gia đã phân tích thách thức này đối với sức khỏe cộng đồng và an ninh lương thực trong ngành chăn nuôi thực phẩm ở Ðông Nam Á. Họ nhận thấy những động vật mà chúng ta tiêu thụ có thể trở thành “cánh cổng” cho một đại dịch được thúc đẩy bởi tình trạng kháng thuốc kháng sinh, có khả năng giải phóng một làn sóng siêu vi khuẩn chết người.

Nhóm nghiên cứu nhận định châu Á là điểm nóng về tình trạng kháng thuốc ở động vật, trong đó Ðông Nam Á là tâm dịch. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính khu vực này có hơn 2,9 tỉ con gà, 258 triệu con vịt, 7 triệu con gia súc, 15,4 triệu con trâu, 77,5 triệu con heo, 13,7 triệu con cừu và 30,6 triệu con dê.

Theo các chuyên gia, ở trang trại, sự hiện diện của kháng sinh trong thực phẩm, đất, nước và chất thải động vật có thể góp phần vào sự phát triển khả năng kháng thuốc. Việc sử dụng quá mức và sử dụng sai thuốc kháng sinh, đặc biệt là để thúc đẩy tăng trưởng ở động vật khỏe mạnh, cũng dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc tăng lên. 

Thông qua các phân tích và đánh giá nguy cơ của mình, nhóm nghiên cứu đưa ra 6 khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách ở các nước Ðông Nam Á nhằm giúp giải quyết tình trạng kháng thuốc và tồn dư thuốc kháng sinh trong thực phẩm, gồm:

1. Nhận biết sự khác biệt giữa tồn dư thuốc và tình trạng kháng thuốc để giải quyết các thách thức về tình trạng kháng thuốc bằng các biện pháp can thiệp phù hợp đối với động vật làm thực phẩm.

2. Hợp tác trong khu vực và xây dựng các chiến lược phù hợp để ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh, các mối quan ngại về môi trường, mức tồn dư thuốc và tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

3. Triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức theo từng quốc gia, giám sát chặt chẽ tình trạng tồn dư và tình trạng kháng thuốc; sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm để giảm nguy cơ kháng thuốc.

4. Thúc đẩy hợp tác ​​quốc tế để giải quyết tình trạng kháng thuốc một cách toàn diện, đảm bảo mặt trận thống nhất chống lại cả tồn dư và tình trạng kháng thuốc.

5. Tăng cường hệ thống y tế công cộng và sự chuẩn bị của đội ngũ y tế.

6. Thúc đẩy đổi mới và nghiên cứu các biện pháp canh tác bền vững và dự báo tiên tiến để đi trước các thách thức sức khỏe sắp xuất hiện.

AN NHIÊN (Theo SciTechDaily)

 

Chia sẻ bài viết