20/07/2019 - 11:43

Nguy cơ căng thẳng leo thang tại Vùng Vịnh 

Hôm qua 19-7, Iran lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Mỹ cho rằng đã bắn hạ một hệ thống bay không người lái (UAS) của nước này trên Eo biển Hormuz.

LMADIS (khoanh tròn), loại thiết bị được cho dùng để bắn hạ UAS của Iran hôm 18-7. Ảnh: The Drive

LMADIS (khoanh tròn), loại thiết bị được cho dùng để bắn hạ UAS của Iran hôm 18-7. Ảnh: The Drive

Trong thông báo trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ tàu đổ bộ tấn công USS Boxer đã có “hành động tự vệ” vì máy bay Iran đe dọa sự an toàn của thủy thủ đoàn và tàu chiến khi nó đang đi vào Eo biển Hormuz. UAS lập tức bị phá hủy sau khi tiếp cận Boxer ở khoảng cách 914m và phớt lờ nhiều cảnh báo. Chủ nhân Nhà Trắng gọi đây là “hành động khiêu khích và hung hăng mới nhất của Tehran”, đồng thời kêu gọi tất cả các nước lên án nỗ lực cản trở tự do hàng hải và thương mại toàn cầu của Cộng hòa Hồi giáo. Tàu chiến Mỹ được cho đã sử dụng thiết bị phá sóng điện tử để bắn rơi UAS. Chiếc Boxer nằm trong số nhiều chiến hạm của Hải quân Mỹ hoạt động tại Vùng Vịnh, bao gồm tàu sân bay USS Abraham Lincoln.

Đáp lại tuyên bố của ông Trump, phát ngôn viên quân đội Iran Abolfazl Shekarchi nhấn mạnh tất cả các máy bay không người lái của nước này đều đã trở về căn cứ an toàn sau khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và nhận diện. Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi hôm qua viết trên Twitter rằng ông e là USS Boxer đã bắn nhầm chính UAS của họ. Còn khi trả lời báo giới tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) trước đấy, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết ông “chưa nhận thông tin về vụ mất UAS” trong ngày 18-7.

“Bước đi quan trọng” của Iran

Trước đó, Iran bắn tín hiệu sẵn sàng theo đuổi giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ khi đưa ra đề xuất liên quan đến Nghị định thư bổ sung.

Nghị định thư bổ sung dành cho các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) quyền tiếp cận sâu vào công nghệ hạt nhân của Iran để chứng minh rằng quốc gia này không thực hiện chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Việc Quốc hội Iran thông qua Nghị định thư bổ sung sẽ giúp văn kiện trở thành cam kết lâu dài hơn. Theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), Tehran phải phê chuẩn Nghị định thư bổ sung 8 năm sau khi thỏa thuận hạt nhân được thông qua. Đồng thời, Washington cũng phải chấm dứt vĩnh viễn nhiều biện pháp trừng phạt đã áp đặt lên Tehran.

Ngoại trưởng Zarif ngày 18-7 khẳng định Iran có thể lập tức phê chuẩn Nghị định thư bổ sung nếu Washington đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Ông gọi đề xuất trên là “bước đi quan trọng”.

Dù vậy, Washington đón nhận ý tưởng này bằng thái độ hoài nghi, cho đây là “nỗ lực không thành thật” nhằm được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, giới phân tích nói rằng đề xuất có thể mở ra cơ hội cho chính quyền ông Trump theo đuổi con đường ngoại giao. Cựu quan chức Mỹ Richard Nephew nhận định đề nghị của Iran là một tín hiệu cho thấy nước này muốn một giải pháp ngoại giao và không có ý cấm cửa các thanh sát viên quốc tế. Được biết, lập trường của Bộ Ngoại giao Mỹ là Iran phải thực thi 12 điều kiện để được nới lỏng các lệnh trừng phạt, bao gồm ngừng can dự vào các cuộc xung đột trong khu vực, song Tehran đã bác bỏ những yêu cầu này.

Cũng liên quan đến tình hình trong khu vực, Ngoại trưởng Zarif lên tiếng đổ lỗi chính Saudi Arabia, chứ không phải Iran, là bên gây bất ổn tại Trung Đông. Ông còn tố chính quyền Washington “nhắm mắt làm ngơ” trước các hành động phá hoại của Riyadh.

THANH BÌNH (Theo Fox News, Guardian) 

Chia sẻ bài viết