25/03/2020 - 09:34

Nguồn cung dồi dào, giá duy trì ở mức thấp 

 Nhu cầu tiêu thụ phân bón đang tăng do nông dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL bước vào gieo sạ lúa vụ hè thu 2020. Song, giá hầu hết các loại phân bón trên thị trường vẫn duy trì ở mức khá thấp, với đa dạng chủng loại...

Nguồn cung phân bón dồi dào tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Khánh Khoa ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. 

Giá ổn định

Đến ngày 18-3, TP Cần Thơ đã xuống giống gieo trồng được hơn 61.300ha lúa, đạt 81% so với kế hoạch. Nhiều trà lúa hè thu trên địa bàn thành phố đã bước vào giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, nông dân có nhu cầu mua phân bón về để bón cho lúa.

 Ông Lê Văn Sơn ở ấp Đông Thắng, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, cho biết: “12 công lúa vụ hè thu của tôi sạ giống OM 5451 đã được 6 ngày tuổi, tôi đã mua phân bón về chuẩn bị bón đợt đầu tiên cho lúa. Nhìn chung, giá hầu hết các loại phân bón đều bình ổn so với hồi vụ đông xuân 2019-2020 và thấp hơn khoảng 30.000-40.000 đồng/bao so với vụ hè thu 2019. Điều đáng mừng là giá các loại xăng, dầu hiện cũng giảm ít nhất từ 1.750- 2.300 đồng/lít so với trước và đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, giúp nông dân có thể giảm tiền mua nhiên liệu để bơm tưới nước cho lúa”. 19 công lúa vụ hè thu của gia đình bà Nguyễn Thị Mum ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ gieo sạ giống OM 380 đã được 14 ngày tuổi. Gia đình bà đã mua một đợt phân bón cho lúa.  Bà Mum cho biết: “Giá phân bón tương đối thấp so với vụ hè thu các năm trước. Vụ hè thu 2019 tôi phải mua phân lạnh (Urê) với giá  360.000 đồng/bao (tiền mặt) thì nay chỉ ở mức 330.000 đồng/bao. Tương tự, hiện giá nhiều loại phân bón NPK và DAP chỉ ở mức 590.000-620.000 đồng/bao (tiền mặt), trong khi cùng kỳ năm trước có giá 630.000-650.000 đồng/bao. Năm trước, Kali có giá 430.000 đồng/bao, thì nay chỉ ở mức 400.000 đồng/bao”.

Gần đây, nguồn cung một số loại phân bón nhập khẩu: DAP nhập khẩu từ Trung Quốc giảm nên giá có nhích lên so với hồi cuối năm 2019,  nhưng mức độ tăng không nhiều, với chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/bao. Nguyên nhân do trên thị trường đa dạng nhiều loại DAP để người tiêu dùng lựa chọn. Ngoài các loại DAP nhập khẩu các nước: Hàn Quốc, Philippines, Mỹ… nông dân có thể chọn mua các loại DAP sản xuất trong nước với chất lượng khá tốt và giá rẻ hơn so với hàng nhập khẩu. Nông dân cũng có nhiều cơ hội lựa chọn khi mua các loại phân bón Urê và NPK do thị trường đa dạng nhiều mặt hàng. Đặc biệt, đối với  phân đạm (Urê)  các nhà máy trong nước có đủ năng lực sản xuất đảm bảo nhu cầu tại nội địa và có dư một phần để xuất khẩu. Do chất lượng  sản phẩm tốt và giá bán cạnh tranh so với hàng nhập khẩu nên phần lớn người tiêu dùng đều hạn chế xài phân Urê nhập khẩu mà chuyển sang dùng các loại Urê do trong nước sản xuất: Urê Phú Mỹ, Urê Cà Mau (Đạm Cà Mau), Urê Ninh Bình, Urê Hà Bắc… Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận: Hậu Giang, An Giang, hiện các loại Urê Việt Nam sản xuất có giá bán lẻ từ 325.000-350.000 đồng/bao. DAP Cà Mau, DAP Phú Mỹ, DAP Đình Vũ và nhiều DAP nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ có giá từ 580.000-650.000 đồng/bao. Riêng một số loại DAP nhập khẩu từ Philippines có giá 690.000-700.000 đồng/bao. Giá phân bón NPK 16-16-8 Việt Nhật ở mức 450.000-460.000 đồng/bao. Phân bón Kali (Israel, Canada, Nga) có giá khoảng 375.000-400.000 đồng/bao. Lân (Long Thành) giá 150.000 đồng/bao.

Nguồn hàng dồi dào

Nhiều khả năng cho thấy, tới đây giá phân bón sẽ tiếp tục bình ổn do nguồn cung dồi dào và thị trường có sự cạnh tranh giữa nhiều người bán và giữa nhiều thương hiệu, sản phẩm phân bón của trong và ngoài nước. Đặc biệt, để thu hút và “giữ chân” được khách hàng, các doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh phân bón buộc phải nỗ lực bình ổn giá bán và cố gắng phục vụ tốt khách hàng. Tích cực tư vấn, hỗ trợ nông dân lựa chọn, mua loại phân bón có chất lượng và giá cả phù hợp, cho khách mua thiếu và phải chủ động tìm nguồn phân bón có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.

Ông Trần Khánh Khoa, chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Khánh Khoa ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho rằng: “Nguồn cung phân bón rất dồi dào, không lo thiếu hàng tăng giá. Dù sức mua phân bón đang tăng do nông dân  ĐBSCL bước vào vụ  sản xuất lúa hè thu 2020 nhưng nhiều khả năng sức tiêu thụ phân bón trong vụ lúa này không bằng vụ đông xuân. Nguyên nhân do nông dân giảm diện tích sản xuất lúa vụ hè thu vì ảnh hưởng nặng bởi hạn mặn. Nhiều nơi, nông dân sản xuất nhiều loại cây trồng khác, nhất là cây ăn trái, chắc chắn cũng phải giảm bón phân, tạm thời tránh cho cây ra hoa và đậu trái vào thời điểm bất lợi này nhằm dưỡng cây”. Ông Đỗ Văn Tùng, chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Tùng Lan ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cũng cho biết đã chuẩn bị một lượng phân bón lớn, với giá khá ổn định phục vụ cho bà con trong vụ hè thu 2020 nên không lo thiếu hàng, tăng giá.

Nhiều dự báo cho rằng, trong ngắn hạn, giá nhiều loại phân bón trên thị trường sẽ tiếp tục bình ổn chứ rất khó tăng. Đặc biệt, với đà giảm mạnh của giá xăng dầu trên thế giới, cùng nhiều sản phẩm có liên quan đến dầu mỏ, giá phân bón trên thế giới có khả năng bị giảm, kéo giá phân bón trong nước giảm theo.

Gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân DAP, MAP nhập khẩu

Ngày 3-3-2020, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-BCT gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00 với mức thuế cụ thể: 

Từ 7-3-2020 đến 6-3-2021, áp dụng mức thuế tự vệ 1.050.662 đồng/tấn; từ 7-3-2021 đến 6-3-2022, áp dụng mức thuế tự vệ 1.029.219 đồng/tấn; từ 7-3-2022 đến 6-9-2022, áp dụng mức thuế tự vệ 1.007.778 đồng/tấn; từ 7-9-2022 trở đi, áp dụng mức 0 đồng/tấn.

Bộ Công thương xác định việc gia hạn này là cần thiết để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và đảm bảo hiệu quả của biện pháp, giúp ngành sản xuất trong nước có thêm thời gian cần thiết để điều chỉnh.

P.V

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
phân bón