01/03/2023 - 08:57

Người Mỹ gốc Ấn tham chính 

MAI QUYÊN (Theo NYT)

Theo giới quan sát, chính trường xứ cờ hoa đang chứng kiến sự thăng tiến nhanh chóng của cộng đồng người Mỹ gốc Ấn Ðộ, đặc biệt là thế hệ thứ 2 và 3 có tiềm lực tài chính cùng trình độ học vấn cao.

Bà Haley trong một cuộc vận động ở Iowa. Ảnh: AP

Mặc dù là một trong những nhóm nhập cư lớn nhất tại Mỹ, nhưng người Ấn Ðộ trong vài thập kỷ qua hầu như không có đại diện trên chính trường. Tính đến năm 2013, Hạ viện Mỹ chỉ có một thành viên người gốc Ấn trong khi không có ứng viên nào được bầu vào Thượng viện. Ở cấp tiểu bang, số lượng người gốc Ấn phục vụ trong các cơ quan lập pháp ước tính không quá 10 người. Ngoài ra, chưa từng có người Mỹ gốc Ấn nào tranh cử tổng thống.

Nhưng vào năm 2016, cộng đồng người nhập cư Nam Á chứng kiến bước ngoặc chính trị sau khi Thống đốc Louisiana Bobby Jindal trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên tranh cử tổng thống. Trong năm này, Hạ nghị sĩ Pramila Jayapal của bang Washington, Hạ nghị sĩ Ro Khanna của California và Hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi của Illinois được bầu, nâng số người Mỹ gốc Ấn trong Hạ viện lên 4 người. Ðây cũng là năm Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris giành ghế ở Thượng viện và trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên phục vụ tại cơ quan lập pháp nói trên. Số đại biểu trong cơ quan lập pháp tiểu bang kể từ năm 2016 cũng đã tăng hơn 3 lần. Tháng rồi, Quốc hội Mỹ vừa tuyên thệ nhậm chức gồm có 5 nghị sĩ gốc Ấn Ðộ trong khi đại biểu ở cơ quan lập pháp cấp tiểu bang là 50 người. Ngoài ra, cuộc đua giành đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2024 hiện có 2 ứng viên người Mỹ gốc Ấn, gồm cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley và doanh nhân công nghệ sinh học Vivek Ramaswamy.

Trước sự thành công của các chính trị gia Ấn Ðộ tại Mỹ, giới phân tích đã chỉ ra một loạt yếu tố giúp cộng đồng này củng cố ảnh hưởng. Cốt lõi trong đó là sự giàu có tương đối và trình độ học vấn ngày càng cao của người Ấn Ðộ nhập cư. So với trước đây, cựu nghị sĩ bang Kansas Raj Goyle cho biết cử tri ngày nay đã quen thuộc hơn với các gương mặt người Mỹ gốc Ấn trong lớp học, ở giảng đường, trên tivi hay lãnh đạo công ty của họ. Ông Goyle coi đây là xu hướng tự nhiên, khi xã hội trở nên dễ chấp nhận hơn, từ đó tạo đà thăng tiến cho người Ấn thế hệ thứ 2 và thứ 3 trên đất Mỹ.

Theo Phó Giáo sư chính trị Sara Sadhwani tại Ðại học Pomona ở Nam California, khả năng nói tiếng Anh trôi chảy như một di sản thuộc địa của Anh cũng là yếu tố quan trọng giúp người Ấn Ðộ giảm các rào cản khi gia nhập nước Mỹ. Bên cạnh đó, quốc gia Nam Á là một nền dân chủ đồng nghĩa họ dễ chia sẻ các giá trị trong hệ thống chính trị Mỹ. Thành công này còn đến từ thay đổi nhận thức trong cộng đồng. Theo nghị sĩ Krishnamoorthi, việc tham gia chính trị trước đây không được ưu tiên do hầu hết người Ấn chú trọng phát triển kinh tế và nỗ lực hỗ trợ cộng đồng tại Mỹ. Nhưng khi thấy rõ ảnh hưởng của các chính trị gia đắc cử, họ đồng thời hiểu tại sao điều này lại quan trọng và tham gia chính trị dần được quan tâm. Trong một nghiên cứu năm 2020, gần 60% người Mỹ gốc Ấn sẵn sàng bỏ phiếu cho một ứng viên thuộc cộng đồng mình “bất kể họ theo đảng phái nào”.

Chia sẻ bài viết