30/08/2014 - 16:32

Người lính già nặng nợ...

Ông bị tai biến cả năm rồi, nay vẫn minh mẫn và tiếng nói còn rõ lắm. Hôm tôi đến thăm, người nhà đỡ ông ngồi dậy. Ông vẫn không chịu tựa lưng vào tường cho đỡ mỏi, ngồi trên mép giường, tay vịn hờ vào chiếc ghế, hào hứng trò chuyện cùng tôi. Ông bảo, nghe tin nghệ thuật Đờn ca tài tử được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông muốn viết bài “Đờn ca tài tử trên đỉnh Trường Sơn”, nhưng tay ông chưa cầm viết được!

... VỚI VĂN CHƯƠNG

Ông nói mình rất cảm ơn nghệ thuật đờn ca tài tử. Cảm ơn cha đã sớm gieo vào lòng đứa con trai niềm cảm hứng, đam mê môn nghệ thuật này. Bởi cha ông tuy là thợ bạc nhưng rất mê vọng cổ, sắm đàn kìm, đàn tranh, lúc rảnh rỗi thường cùng anh em “đồng hội đồng thuyền” xúm xít đờn ca mướt rượt. Ông cũng cảm ơn bác Sáu Cao Văn Lầu, tác giả bài Dạ cổ hoài lang... Bài hát đã theo cánh bộ đội miền Nam ngay từ những ngày ông xuống tàu tập kết ra Bắc, tại “Bến Biệt ly” Chắc Băng, năm 1954.

 Ông Hồ Văn Sanh (Hồng Sa) vẫn luôn yêu thích văn chương và thích viết... nhưng rất ngại nói về mình.

Ông nói, chính những bài ca vọng cổ nổi tiếng thời bấy giờ, cũng như nghệ thuật đờn ca tài tử đã giúp những chàng lính trẻ như ông khuây khỏa phần nào nỗi nhớ thương cháy bỏng về những người thân yêu, ruột thịt ở trong Nam... Thậm chí, những ngày vượt Trường Sơn đi B, dẫu đường đi muôn vàn hiểm trở, khó khăn, ngập tràn mưa bom bão đạn, vẫn có lúc người lính quây quần gầy cuộc đờn ca “lên ú, xuống xề”. Ông kể, thời kháng chiến chống Pháp, từ là du kích xã rồi vào quân chủ lực, những người lính trẻ như ông, đã không ít lần “bày mâm” ở những nơi đóng quân, lần nào cũng thu hút được rất nhiều người đến xem, cổ vũ, và có người còn cùng đờn, ca sôi nổi. Nhờ vậy, cánh nhà binh làm công tác dân vận khỏe re...

Dần dần, phong trào này làm phát sinh nhu cầu viết lời mới cho bài ca vọng cổ cùng những bài bản vắn. Ông cũng tập tành viết lách, không phải để khoe tài, mà là để thỏa chí đờn ca. Sau này, trong 10 năm trên quê hương miền Bắc, chính đờn ca tài tử đã gắn bó, điểm tô thêm cho ông cuộc sống tinh thần...

Không chỉ viết lời mới cho đàn ca tài tử. Vốn thích hài hước, ông còn viết tiểu phẩm (mang tính trào lộng hơn là châm biếm chua cay), nhẹ nhàng góp ý, phê phán những hành vi, sinh hoạt hơi “trật đường rầy” của anh em... Những lúc đơn vị dừng chân nghỉ “xả hơi”, ông đọc lên cho mọi người nghe rồi tất cả cùng cười đùa, trêu chọc nhau thỏa thích. “Gia tài” ấy giờ đã bị hao mòn theo năm tháng, bởi những gì không còn sót lại trong máu thịt, thì ông đã không còn nhớ nữa.

Rồi, ông lại tập làm thơ. Không biết ông đã làm được bao nhiêu bài thơ. Chỉ biết, năm 98 thế kỷ trước, ông đã in 2 tập thơ “Tâm tình người lính”; bảy năm sau, ông lại in tiếp tập thơ “Tiếng lòng”. Có thể vì là “nhà binh”, nên thơ ông không “bay bổng”, lãng mạn. Song, thực tế chiến trường, những trải nghiệm thương đau... đã “sắc” lại, tạo nên tứ thơ gây đau nhói lòng người! “Một chiếc bánh nhà nghèo, anh xẻ làm tư/Một nửa cho con, hai vợ chồng một nửa./Nhưng, miếng bánh chưa kịp ăn, tiếng cười đang giòn giã/Một quả pháo rơi làm tan cả ánh trăng thu/Vợ con anh đành vĩnh viễn ra đi/Anh còn lại một chân, với mối thù phải trả...”. Và, “Mấy khúc đàn bầu mang nặng nhớ thương,/Anh gởi đến người xưa ngàn đời không trở lại!/Anh muốn gởi đến những ai nỗi niềm anh giữ mãi:/Hãy bảo vệ ánh trăng vàng, vì hạnh phúc cháu con ta. (Bài “Dưới ánh trăng thu”, kể chuyện về đồng đội của ông).

VỚI ĐỒNG ĐỘI & THÔNG ĐIỆP GỬI NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRẺ

Sau 9 năm kháng Pháp, 10 năm tập kết, rồi 10 năm đi B - bước hành quân qua khắp nẻo miền Đông - lại đến 12 năm sang giúp bạn Campuchia, thời gian này, ông trở thành Thiếu tướng, Phó Tư lệnh chính trị Mặt trận 979 – QK9. Những lúc tạm dừng chân, ngơi nghỉ tại một ngôi chùa hay ở nhà dân trên đất bạn, ông lại tranh thủ ghi, viết về đồng đội, về những buồn, vui, ấm, lạnh chiến trường. Rồi gửi về tập san Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hậu Giang cũ (sau là Cần Thơ), để trải lòng, sẻ chia những “thắng”, “thua” đời lính - không chỉ là thắng, thua với địch, mà ngay cả với chính bản thân mình.

Đâu phải bài viết nào cũng được đăng. Nhưng chỉ có một bản thảo (viết tay) duy nhất, nên ông không “bảo tồn” được những bài không “trình làng” cùng bạn đọc. Chỉ sau ngày nghỉ hưu (năm 1993), ông mới sắm máy đánh chữ dành viết ký và truyện. Nhờ có bản lưu, ông đã tập hợp, lần lượt ra mắt tiếp tập hồi ký “Trăm nhớ ngàn thương” (2002); các tập truyện và ký “Ân tình theo bước quân đi”, “Bác Hồ của chúng ta”, “Chiếc tù và” (2006, 2008, 2011). Theo đó, bài ký đầu tiên ông viết chính là kể lại chuyện “không thành công” của trận đánh cầu Cái Đôi thời chống Pháp!

Theo lời ông, lúc nhỏ thường tắm khúc sông này, ông biết rõ dưới dạ cầu có một cái bệ xi măng. Năm 21 tuổi, dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12), sau khi nhặt được trái bom lép 200 ký của địch, ông đề xuất với chỉ huy cho làm lại bom, đem đánh cầu Cái Đôi. Chỉ huy đồng ý, cả đơn vị háo hức “xung trận”. Trái bom được chở trên một chiếc ghe lườn, từ điểm xuất phát đến cầu độ 500 mét. Tới nơi, sau khi đặt quả bom vào vị trí, người chất củi, kẻ đổ dầu, người châm lửa... Lúc ghe lui ra xa, nhìn lại, ông thấy quả bom dần dần như trái bí đao “chín đỏ” trong đám lửa. Thế nhưng, một giờ đồng hồ trôi qua, lửa rụi dần, mà trái bom không nổ!

Đơn vị phân công ông và chàng lính trẻ (19 tuổi), mới tòng quân 15 ngày, quay lại chất thêm củi, đổ thêm dầu... Trên đường, đang ngồi chèo trước mũi bỗng chàng trai quay lại hỏi ông “Chú ơi, nếu lúc mình đang làm mà bom nổ thì sao?”. “Thì đơn vị mình có thành tích. Còn hai đứa mình thì hoàn thành nhiệm vụ” - miệng trả lời, mà lòng ông gợn nghĩ “Chắc thằng này sợ...”. Nó chèo tiếp vài nhát, lại ngừng tay, quay lại, nói “Thôi chú lên bờ đi. Một mình cháu làm được rồi. Xong, cháu quay lại rước chú về”. Một thoáng hối hận vì đã đánh giá sai lầm người lính trẻ, song ông lại vui trong bụng “Sao nó là lính mới tò te mà đã có nhận thức như vậy. Đây đúng là truyền thống sẻ chia của dân mình... chớ đơn vị đã có ai giáo dục nó điều này!”. Ông dứt khoát “Không được. Tao đi làm với mầy”...

Tôi xin phép ngắt ngang lời ông “Lửa cháy hằng giờ mà địch không hay sao chú Bảy? Người ta không gác cầu sao?”. Ông gật đầu “Ừ, thời điểm đó, nó lo tập trung đóng đồn bót. Cầu Cái Đôi, và 2 cầu kế đó, dài tới cầu Mỹ Thuận (khoảng 2 cây số), bọn chúng không hề canh gác”. Rồi ông kể tiếp, trái bom được “khắc phục” xong, vẫn “lì lợm” như trước. Chỉ huy lại bảo ông và chàng trai ấy quay lại lần nữa để chất thêm củi, đổ thêm dầu... Nói thật lòng, lúc đó ông hơi “bất mãn”, bởi ông nghĩ, biết trái bom sẽ nổ vào lúc nào, chuyện sống chết chớ nào phải chuyện chơi, sao vẫn lại là ông và nó? Dù vậy, ông và nó vẫn làm theo mệnh lệnh. Vậy mà... trái bom vẫn trơ trơ, không nổ (làm cho cầu bị sập, cắt đứt đường giao thông của địch) - như lòng ông mong đợi!

Nào đã xong, còn phải xử lý cho bom nguội, “võng” nó trở xuống ghe, đưa về đơn vị. Lần này thì có thêm 4 anh lính khác, tất cả cùng dội nước làm nguội bom, rồi đưa về - lúc ấy, tầm 3-4 giờ sáng!... Suốt dọc đường, hầu như mọi người đều gồng mình, nín thở, bởi vẫn không biết bom sẽ phát nổ lúc nào! “Kết quả”, trận đánh cầu Cái Đôi không có thành tích, còn bị trên kiểm điểm. Nhưng điều ông thấm thía nhất là, từ người lính trẻ măng cả tuổi quân lẫn tuổi đời, ông học được tinh thần - và thực hiện - việc “nhường thuận lợi cho bạn, giành khó khăn về mình” trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Đây cũng chính là “lời thề thứ bảy” của người bộ đội Cụ Hồ!

Trong các truyện và ký của ông, ít thấy nói về chiến công riêng của bản thân. Ở bài ký “Cuộc “nội chiến” trước ngày hòa bình”, ông còn dũng cảm thừa nhận đã có lúc thấy lòng dao động... - tuy vẫn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ, khi được phân công theo Binh đoàn 232 đánh vào cửa ngõ Tây Nam Sài Gòn! “Chính cái tâm lý muốn được sống trong hòa bình đã làm tôi e ngại trước những thử thách mà trước đây, tôi coi thường trong chiến đấu!”. Nhưng rồi..., sau một đợt địch thả mấy chùm bom, ông đã chạy đến nơi bom vừa nổ, nhận một đầu cáng thương, đưa một chiến sĩ trẻ về trạm quân y. Vừa đến nơi, người lính ấy chỉ kịp nói “Chúc... các thủ trưởng... ở lại chiến đấu... giành thắng lợi... cuối cùng”. Ông đã ôm người lính ấy vào lòng, cảm thấy mình có lỗi!...

***

Còn rất nhiều câu chuyện kể của ông - về đồng đội, về những kỷ vật chiến tranh, về nỗi niềm mong thế hệ trẻ giữ gìn, phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc, phát huy truyền thống vinh quang của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, của anh bộ đội Cụ Hồ, v.v... Mà như ông đã bày tỏ trong lời ngỏ của tập “Chiếc tù và”: “Đây là dịp tốt để tôi nhìn lại chính mình, và để tỏ lòng biết ơn đối với bạn bè, đồng chí, đồng đội, bà con đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong cuộc sống và nhiệm vụ. Với những bài học ấy, tôi sẽ tiếp tục giữ phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ. Tôi rất mong đó cũng là món quà có ích cho các bạn trẻ nói chung, nhất là những chiến sĩ trẻ đang phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ông là Thiếu tướng Hồ Văn Sanh - Bảy Sanh (bút danh Hồng Sa), quê Tân Hòa (thành phố Vĩnh Long - Vĩnh Long), 87 tuổi đời, 48 tuổi quân, 67 tuổi Đảng - người đã dẫn dắt 1 con trai, 1 con gái và 2 cháu nội (kể cả cháu gái) của mình đi theo con đường binh nghiệp. Người thanh niên chạy “xe ôm” tên Lợi, ở sát bên nhà ông, nói với tôi về “cha và con nhà tướng” ấy như sau: “Bác Bảy rất bình dân và rất thương con cháu dù không phải là ruột thịt... Còn anh Trung, là thiếu tướng vậy chớ gặp lối xóm, kể cả tui, đều gật đầu chào... Chị Hai, chị Ba ở Sài Gòn, từ khi bác Bảy bị tai biến, đã thay phiên nhau về đây tiếp chị Trung chăm sóc cho ông... Gia đình bác Bảy là gia đình ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết