19/07/2019 - 09:48

Người khuyết tật chạy đua vào Thượng viện Nhật

Cuộc đua vào Thượng viện Nhật năm nay đặc biệt hơn bao giờ hết khi có sự tham gia của những ứng viên khuyết tật.

Ứng viên Yasuhiko Funago của nhóm chính trị đối lập Reiwa Shinsengumi. Ảnh: Reuters

Eiko Kimura, người không may mắc bệnh bại não, thậm chí còn không biết cách mua vé tàu khi bà quyết định rời khỏi một trung tâm dành cho người khuyết tật để đến sinh sống tại một vùng ngoại ô thủ đô Tokyo lúc 19 tuổi. Chân tay của bà đều bất động. Bàn tay của bà chỉ có thể điều hướng bộ phận điều khiển xe lăn trên giường. Bà luôn cúi đầu để tránh ánh mắt hiếu kỳ của người lạ. Nhưng 35 năm sau, lúc 54 tuổi, Kimura đã tạo nên bất ngờ khi có bài phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ tại một sự kiện nằm trong chiến dịch tranh cử của mình trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật vào ngày 21-7 tới.

Tương tự như Kimura, bà Rie Saito, người mất hoàn toàn thính giác khi còn nhỏ, cũng đang nỗ lực tham gia tranh chiếc ghế tại Thượng viện. Vào một buổi sáng gần đây, bà Saito không có bài phát biểu dài, tràn đầy năng lượng về chiến dịch tranh cử của mình. Thay vào đó, bà vui vẻ tiếp cận cử tri trên đường từng người một, trao cho họ những cái bắt tay và ân cần nói: “Tôi bị điếc”. Makiko Shimizu, trợ lý giao tiếp của bà Saito, cho biết tùy thuộc vào người tiếp chuyện với bà, bà thay đổi phương pháp trò chuyện từ ngôn ngữ ký hiệu sang ngôn ngữ nói và viết. “Tôi nghĩ rằng không có nhà lập pháp bị khiếm thính nào xuất hiện trong thời hậu chiến. Con đường vào Quốc hội luôn đầy rào cản. Do đó, bản thân là một người khuyết tật, tôi nên hoàn thành một vai trò mà không ai khác có thể làm được trong nền chính trị nước nhà” - Saito phát biểu với tờ Thời báo Nhật Bản.

Hai bà Kimura và Saito không phải là những ứng viên khuyết tật duy nhất chạy đua vào Thượng viện Nhật năm nay. Nhóm chính trị đối lập Reiwa Shinsengumi cũng đang ra sức đề cử hai ứng viên bị khuyết tật nặng, trong đó có Yasuhiko Funago - người bị liệt hoàn toàn do bệnh xơ cứng teo cơ. Funago được chẩn đoán mắc căn bệnh hiểm nghèo này vào năm 2000. Phương tiện giao tiếp chính của ông là chiếc máy tính được trang bị hệ thống cảm biến mà ông điều khiển bằng cách cắn răng. Taro Yamamoto, thủ lĩnh Reiwa Shinsengumi, nói rằng việc đề cử các chính trị gia khuyết tật vào Quốc hội có thể là một bước hiệu quả nhằm thúc đẩy các chính sách liên quan đến người khuyết tật.

Những ứng viên khuyết tật trên là một minh chứng rõ ràng về sự thay đổi thái độ đối với người khuyết tật ở một đất nước mà từ lâu họ không được khuyến khích tham gia chính trường. “Nhật Bản đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền người khuyết tật vào năm 2014. 5 năm đã trôi qua và cuối cùng thì chúng ta bắt đầu thấy những tác động hữu hình” - Giáo sư Satoko Shimbo tại Đại học Hosei nói. Người khuyết tật thường sử dụng khẩu hiệu “Không thể nói về chúng tôi mà không có chúng tôi”. Vì thế, Giáo sư Shimbo cho rằng cách tốt nhất để thực hiện khẩu hiệu này là người khuyết tật có thể trở thành chính trị gia.

Tuy luật pháp và thái độ được cải thiện, nhưng người khuyết tật ở Nhật Bản vẫn phải chịu sự kỳ thị. Trong một bài phát biểu gần đây, bà Kimura đã nhắc lại vụ án một người đàn ông dùng dao sát hại 19 người tại cơ sở chăm sóc người khuyết tật Tsukui Yamayuri-En ở thành phố Sagamihara hồi năm 2016. Bà nhấn mạnh: “Để thay đổi lối suy nghĩ rằng người khuyết tật không đáng sống, điều quan trọng là phải thực thi nền giáo dục hòa nhập mà ở đó những người bình thường và người khuyết tật có thể học cùng nhau”.

Thống kê của Bộ Y tế  Nhật Bản năm 2018 cho thấy nước này có khoảng 9,36 triệu người khuyết tật về thể hình, trí tuệ và tâm thần, tức chiếm khoảng 7,4% dân số.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết