15/11/2015 - 17:03

Người di cư gặp khó sau vụ khủng bố tại Pháp

Những người di cư tìm cách thoát khỏi tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng tại Trung Đông với hy vọng có cuộc sống tốt hơn ở châu Âu có thể sẽ đối mặt với những rào cản mới sau các cuộc tấn công kinh hoàng ở Thủ đô Paris (Pháp) hôm 13-11.

Theo Thời báo Los Angeles (LA Times), cuốn hộ chiếu Syria mà cảnh sát tìm thấy nằm bên cạnh thi thể một kẻ đánh bom tự sát ở hiện trường vụ khủng bố đã kích động làn sóng chống nhập cư ở châu Âu, đồng thời khiến người di cư trở thành đối tượng bị tình nghi thực hiện cuộc tấn công đẫm máu vừa qua. Cuốn hộ chiếu này cho thấy khả năng các tay súng tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã trà trộn vào làn sóng người tị nạn Syria để đến và tiến hành các cuộc tấn công tại châu Âu. Kết quả là, nhiều nước hôm 14-11 đã tăng cường các biện pháp an ninh, trong đó có đóng cửa biên giới, khiến hàng loạt người di cư bị "kẹt cứng".

Người dân Pháp cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số. Ảnh: LA Times

 

LA Times cho biết, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc theo đường lối cực hữu ở Pháp, cùng ngày đã kêu gọi người dân nước này "giành lại quyền kiểm soát biên giới" và "tiêu diệt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan" trong khi Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố đóng cửa các biên giới nước này sau một thời gian dài xứ gà trống Gaulois "mở rộng vòng tay" đối với dòng người nhập cư từ Iraq và Syria.

Tại Hà Lan, Chủ tịch đảng Vì tự do (PVV) cực hữu Geert Wilders đã giục chính phủ đóng cửa biên giới ngay lập tức. Tại Đức, Bộ trưởng Tài chính bang Bavaria Markus Soeder lên mạng xã hội Twitter kêu gọi chính quyền bang đóng cửa biên giới. "Các cuộc tấn công tại Paris đã làm thay đổi tất cả mọi thứ. Chúng tôi không thể cho phép tình trạng vượt biên giới bất hợp pháp và không được kiểm soát tiếp diễn" – ông Soeder phát biểu với LA Times.

Còn tại Ba Lan, Konrad Szymanski, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của nước này, khẳng định sẽ hủy bỏ thỏa thuận với các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu về việc tiếp nhận một lượng lớn người di cư. Ông Szymanski cho biết thêm tuy quyết định của Hội đồng châu Âu có hiệu lực thực thi đối với tất cả các nước EU, song hiện rất khó có thể hình dung được việc thực thi quyết định đó trong tình hình hiện nay.

Trong khi đó, Hungary, Serbia, Macedonia, Croatia và Slovenia đều triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dòng chảy người tị nạn tràn vào các nước này. Tại Ý, Thủ tướng Matteo Renzi đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức an ninh và tình báo nhằm thắt chặt các biện pháp phòng ngừa chống lại sự xâm nhập của khủng bố, trong khi đảng Liên đoàn phương Bắc (NL) mạnh mẽ yêu cầu quốc gia hình chiếc ủng đóng cửa biên giới. Đăng tải trên trang cá nhân của mình, lãnh đạo NL Matteo Salvini nhấn mạnh rằng tất cả cộng đồng Hồi giáo ở Ý phải được giám sát chặt chẽ, và "các cỗ máy giết người cũng như bọn khủng bố Hồi giáo nên được loại bỏ".

Vụ khủng bố liên hoàn tại Paris diễn ra chưa đầy một năm sau khi xảy ra các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo khiến 11 người thiệt mạng. Kể từ đó, chính quyền Pháp đã triển khai một loạt các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn viễn cảnh tương tự như tăng cường an ninh tại các sân bay cũng như các trung tâm trung chuyển lớn khác, thành lập nhóm truy xét các phần tử IS trong cả nước, siết chặt tình trạng nhập cư…Tuy nhiên, Pháp không thể ngăn chặn dòng chảy người tị nạn và di cư vào nước này. Nhiều chuyên gia chống khủng bố nói rằng các thành viên IS hiện diện tại Pháp ngày càng nhiều. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce trong một cuộc phỏng vấn với CNN mới đây cho biết, có tới 185 thành viên IS đã quay về Pháp sau khi tham chiến tại Iraq và Syria.

TRÍ VĂN (Theo LA Times, IB Times)

Chia sẻ bài viết