01/10/2018 - 07:05

Người cao tuổi làm kinh tế giỏi 

Với phương châm “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”, 5 năm qua (2012-2017), phong trào Người cao tuổi (NCT) tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng đạt hiệu quả. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ cộng đồng... Toàn thành phố có 296 NCT được tặng Bằng khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận biểu dương của Trung ương Hội NCT Việt Nam, UBND thành phố, Ban đại diện Hội NCT các cấp và Hội NCT cơ sở.

1. Khi chúng tôi đến nhà, chú Phạm Văn Cội (66 tuổi), hội viên Chi hội NCT khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cũng vừa về tới với lỉnh kỉnh thùng nhựa chứa thức ăn cho bò. Chú Cội cho biết, vừa giao đợt sữa bò buổi sáng, giờ chuẩn bị vắt sữa bò giao đợt chiều. Xuất thân gia đình nông dân, trước đây, chú Cội làm ruộng kiếm sống. Sau năm 2005, do quy hoạch đô thị, diện tích đất sản xuất thu hẹp, vợ chồng chú Cội tận dụng khoảng 1.200m2 còn lại xây chuồng để nuôi bò sữa, nuôi heo, kiếm thu nhập nuôi 3 người con ăn học. Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm, chú Cội nuôi thí điểm 2 bò sữa, chịu khó cắt cỏ cho bò ăn. Sau 2 năm, bò đẻ bê con và bắt đầu cho sữa đều đặn. Nhờ chú quan tâm chăm sóc, đàn bò sữa tiếp tục nhân lên, với nguồn sữa dồi dào. Thấy được hiệu quả mô hình chăn nuôi này, chú Cội đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại, liên hệ và ký hợp đồng Công ty sữa Vinamilk (khu công nghiệp Trà Nóc) cung cấp sữa bò tươi đảm bảo chất lượng hằng ngày.


Hằng ngày, chú Cội bận rộn chăm sóc đàn bò sữa. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Chú Cội nói: “Công ty đồng ý ký hợp đồng thu mua sữa giúp tôi an tâm. Tôi cam kết đảm bảo nghiêm ngặt chất lượng sữa theo đúng tiêu chuẩn công ty”. Việc kiểm tra chất lượng sữa bò rất quy chuẩn, nghiêm ngặt nên quá trình chăn nuôi cần đảm bảo tuân thủ kỹ thuật do công ty đề ra. Theo chú Cội, để đảm bảo sức khỏe đàn bò và chất lượng nguồn sữa, chú liên hệ Trạm thú y để trợ giúp theo dõi, phòng ngừa bệnh. Thời gian sau, chú Cội chủ động mua thuốc về nhà tự tiêm định kỳ cho đàn bò. Ngoài ra, chú còn quan tâm vệ sinh chuồng trại, khai thông cống rãnh, phun xịt thuốc thường xuyên, hạn chế muỗi, côn trùng cắn, đốt bò. Chú Cội lưu ý và biết “nết” từng con bò để kịp thời phát hiện con bị bệnh, ngưng lấy sữa và điều trị. Sau đó, tăng cường đạm trong khẩu phần ăn, rồi mới vắt sữa bò. Để sữa đạt quy chuẩn, ngoài đảm bảo lượng thức ăn công nghiệp, chú Cội bổ sung nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng cho bò: rau củ quả, chuối, vỏ bắp, khóm, đến xác bia, hèm rượu… do con trai chú thu gom bằng xe tải nhỏ mỗi chiều tối tại các chợ; đặt mua các công ty, cơ sở chế biến thực phẩm. Trong nhà chú, lúc nào cũng dự trữ nguồn thức ăn liên tục cho bò, nhất là dịp Tết, đảm bảo nguồn sữa cung ứng công ty.

Tuy có 2 con trai phụ giúp nhưng ngày nào, chú Cội cũng dậy lúc 4 giờ sáng, chủ động xếp đặt, tính toán mọi việc mới yên tâm. Để giảm công sức lao động, chú Cội trang bị máy vắt sữa, máy cắt cỏ, máy phát điện, xe tải… Hiện chuồng bò nhà chú Cội có 22/45 con bò cho sữa. Mỗi ngày, chú Cội giao sữa 2 lần sáng- chiều, từ 90 đến 110kg sữa/lần, giá 13.000- 15.000 đồng/kg. Mỗi năm, chú Cội thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Không chỉ nỗ lực sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, chú Cội còn tham gia đóng góp các nguồn quỹ, nhiệt tình hỗ trợ các cuộc vận động an sinh xã hội tại địa phương. Chú Cội được UBND quận Ninh Kiều tặng Giấy khen với thành tích NCT sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2017.  

2. Tọa lạc tại ấp Trường Ninh 3, xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, cơ ngơi chú Nguyễn Văn Lộc (74 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội NCT ấp, khang trang, ấn tượng với căn nhà tường rộng lớn, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và hàng chục công ruộng, vườn đều đặn cho huê lợi hằng năm. Sau năm 1975, chú Lộc cùng vợ con về quê vợ (ấp Trường Ninh 3) sinh sống. Gia đình bên vợ cho canh tác 12 công đất trồng lúa mùa, thần nông, thu hoạch ít ỏi, chỉ đủ gạo ăn. Hằng ngày, vợ chồng chú đi làm mướn, đặt lờ bắt cá kiếm tiền nuôi 7 người con. Bao giọt mồ hôi thấm đất “biến” thành số tiền tích lũy, chú sang thêm từng công đất, trồng mía, trồng lúa 3 vụ, rồi cải tạo 5 công đất vườn, lần lượt trồng các loại cây ăn trái phù hợp thổ nhưỡng, dễ tiêu thụ, ít rủi ro. Chú Lộc trồng dừa, xoài cát chu, xoài Đài Loan, mãng cầu, mận An Phước… cho huê lợi ổn định. Chú Lộc vừa “bắt chước” con rể thứ hai thử nghiệm trồng 100 gốc thanh long ruột đỏ xuất khẩu.


Chú Lộc chăm sóc các cây dừa giống, bán cho nhà vườn trong vùng. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Chú Lộc cho biết: “Quá trình canh tác không tránh khỏi rủi ro, lỗ vốn nhưng tôi không nản chí, mà lấy đó làm bài học kinh nghiệm sau này”. Mấy năm trước, chú Lộc còn trồng hoa màu bán dịp Tết, cho lợi nhuận khá nhưng do nhà neo người nên giờ chú tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái. Chưa chịu nghỉ ngơi, vợ chồng chú Lộc còn nuôi cá mè, chép, rô phi trên ruộng; “thầu” chuồng heo thịt vài chục con, xuất chuồng 2 lần/năm; nuôi 200 con gà, 300 con vịt. Mỗi năm, chú Lộc thụ hưởng huê lợi từ mô hình sản xuất đa canh khoảng 350 triệu đồng.

Công việc bề bộn nên mỗi ngày lao động của chú và con trai thứ năm bắt đầu từ tờ mờ sáng đến nhá nhem tối. Nói về kinh nghiệm nuôi trồng và sự dẻo dai tuổi già, giọng chú Lộc hào sảng: “Mấy chục năm gắn bó với ruộng, vườn nên mọi việc trở thành thói quen. Lúc nào tôi cũng suy nghĩ để tận dụng tối đa hiệu quả đất đai, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp thị trường tiêu thụ. Vả lại, tôi cũng “chịu” đầu tư trang bị các loại máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nên việc canh tác không còn vất vả như trước”. Chịu khó học hỏi, tìm hiểu kiến thức mới, ngoài quan tâm cập nhật thông tin khuyến nông trên báo, đài, chú Lộc dành thời gian tham gia đầy đủ các hội thảo, tọa đàm; các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do ngành, đoàn thể chức năng tổ chức. Dù tuổi cao, chú Lộc chuyển giao dần công việc cho con trai nhưng vẫn giữ vai trò “tổng chỉ huy” trong chọn cây trồng, vật nuôi, mua bán nông phẩm…

Thời gian rảnh rỗi, chú Lộc cùng vợ du lịch trong và ngoài nước; tham gia công tác Chi hội NCT, tích cực đóng góp cho hoạt động từ thiện xã hội tại địa phương: làm đường, cầu giao thông, giúp đỡ tiền, gạo cho hộ nghèo và các đợt vận động đột xuất… Với những thành quả đạt được, chú Lộc được các cấp, các ngành khen thưởng, trong đó, có Giấy khen của Ban đại diện Hội NCT TP Cần Thơ với thành tích NCT tiêu biểu sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2017.

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết