02/06/2024 - 10:20

Ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ trong mùa hè 

Ghi nhận của các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, bệnh tay chân miệng (TCM) đang có chiều hướng tăng. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chủ động các biện pháp dự phòng bệnh này cho trẻ trong mùa hè. Khi nghi ngờ trẻ bệnh, với các triệu chứng cảnh báo, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí kịp thời.

BS CKII Trương Cẩm Trinh thăm khám cho trẻ. Ảnh: BV

Thống kê của BV Nhi đồng TP Cần Thơ, từ tháng 3-2024 đến nay, gần 1.200 trẻ mắc TCM điều trị ngoại trú, tăng 36% và 337 trẻ nhập viện, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, bệnh TCM có khuynh hướng tăng. Bệnh lý này do các loại virus thuộc họ virus đường tiêu hóa gây ra. Tác nhân thường gặp nhất là virus Coxsackie A16, trong khi enterovirus 71 (EV71) thì ít gặp hơn.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh TCM là như nhau, bất kể loại virus gây bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm loại EV71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong như viêm màng não, viêm não, phù phổi cấp hoặc tổn thương cơ tim.

Trước nguy cơ bệnh TCM có thể lây lan, BS CKII Trương Cẩm Trinh khuyến cáo các bậc phụ huynh cần biết một số thông tin về bệnh để nhận diện và phòng ngừa bệnh cho trẻ.

Biểu hiện bệnh 

- Biểu hiện đặc trưng là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng chân, trong ổ miệng và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ.

- Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc TCM là loét miệng. Vị trí loét nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi. Số lượng vết loét rất thay đổi từ một đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2mm-3mm. Loét miệng khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống, là lý do trẻ không chịu ăn, không chịu bú và thường chảy nước miếng liên tục.

 - Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, từ 37,50C-380C. Tuy nhiên có những trẻ bị sốt cao trên 390C liên tục, là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị TCM đã nghiêm trọng, cần nhập viện để điều trị tốt hơn.

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ khám sớm để được điều trị kịp thời và có biện pháp cách ly chăm sóc hợp lý. Trẻ có thể bị mắc bệnh TCM nhiều lần. Trẻ mắc TCM độ nhẹ đều được bác sĩ cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà. Tuy nhiên, bệnh TCM hiện chưa có thuốc đặc trị, cơ bản điều trị triệu chứng. Do vậy, phụ huynh sử dụng thuốc điều trị TCM tại nhà cho trẻ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Một số lưu ý gồm:

- Giảm đau miệng và hạ sốt bằng cách lau mình trẻ bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10-15mg/kg cân nặng mỗi 4-6 giờ; tuyệt đối không sử dụng Aspirine để hạ sốt, giảm đau cho trẻ.

- Có thể sử dụng Antacide dạng gel chấm vào sang thương ở miệng giúp trẻ bớt đau đớn để ăn uống dễ dàng hơn. Phụ huynh lưu ý nguy cơ hít sặc có thể xảy ra khi sử dụng loại gel này.

- Giảm ngứa cho trẻ bằng các loại thuốc kháng histamine thông thường như Chlorpheniramine, Polaramin, Theralene... theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

- Bổ sung nước cho trẻ, nhất là các loại nước trái cây ép chứa nhiều vitamin.

Đưa trẻ đến ngay BV

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu cảnh báo cho thấy bệnh đang diễn tiến nặng, có thể đe dọa sức khỏe trẻ, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay BV. Đó là: trẻ sốt cao liên tục 390C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực; giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm), yếu chi; đi đứng loạng choạng; đảo mắt bất thường; nôn ói nhiều; quấy khóc (dỗ không nín); co giật; thở mệt.

BS Cẩm Trinh cũng khuyến cáo, giai đoạn giao mùa, các gia đình có trẻ nhỏ cần chủ động phòng các bệnh thường mắc khác như bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa. Theo đó, cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến nơi có đám đông; che miệng khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, “ăn chín, uống sôi”, không ăn các thức ăn sống, không rõ nguồn gốc.

Phụ huynh nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Gia đình thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi của trẻ em, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Bên cạnh đó, phòng bệnh do côn trùng lây truyền bằng cách đảm bảo môi trường làm việc và học tập sạch sẽ, đủ ánh sáng; bảo vệ trẻ không để côn trùng đốt hoặc vào nhà như: ngủ mùng, bôi thuốc xua đuổi côn trùng, sử dụng lưới chắn cửa sổ… Tiêm ngừa vaccine cho trẻ theo lịch và các loại hiện có để tăng khả năng phòng tránh bệnh. Vì trẻ em có sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh, hoặc khi mắc bệnh thường bị nặng hơn nên cần được đặc biệt chú ý nâng cao miễn dịch thông qua dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sĩ.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết