14/03/2017 - 22:09

Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến công du châu Á

Hôm nay 15-3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ mở đầu hành trình công du châu Á bằng chuyến thăm tới Nhật Bản, kế đến là Hàn Quốc và sau cùng là chuyến đi tới Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) dự kiến vào ngày 18-3.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có buổi gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida. Sau đó, ông sẽ tham dự cuộc họp với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe để nối tiếp những nền tảng ngoại giao được xây dựng từ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Abe hồi tháng 2.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida hồi đầu tháng 2. Ảnh: Getty Images

Trong lịch trình tại Hàn Quốc, ông Tillerson sẽ gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn. Chương trình nghị sự sẽ tập trung vào cam kết kiên định của Mỹ đối với quốc gia đồng minh sau cuộc khủng hoảng chính trị cũng như giải pháp đối phó vấn đề tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Đến này 18-3, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Thủ đô Bắc Kinh và lần lượt hội kiến các quan chức cấp cao Trung Quốc gồm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Tiếp cận đa phương

Chuyến công du khu vực đầu tiên của ông Tillerson trên tư cách người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ diễn ra trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng ở Đông Bắc Á sau vụ phóng thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên, những diễn biến phức tạp trên chính trường Hàn Quốc và phản ứng gay gắt của Trung Quốc đối với kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Phát biểu trước đó, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Susan Thornton cho biết, chuyến công du lần này là cách Ngoại trưởng Tillerson thể hiện cam kết của Washington đối với đồng minh và đối tác khu vực. Theo đó, chính sách ngoại giao của Mỹ không chỉ giới hạn trong các vấn đề song phương mà còn mở rộng thảo luận hợp tác chiến lược để giải quyết mối đe dọa tên lửa hạt nhân từ Triều Tiên. Theo bà Thornton, thông điệp rõ ràng từ phía Mỹ là "nhanh chóng thiết lập các kênh liên lạc hiệu quả đồng thời tìm cách hợp tác tối đa có thể với các đối tác quan trọng của khu vực, chẳng hạn Trung Quốc".

Thách thức chờ đợi

Theo giới quan sát, Washington tuy chủ trương tiếp cận đa phương nhưng vấn đề nan giải hiện nay đối với Ngoại trưởng Tillerson là làm thế nào giảm bớt mâu thuẫn phát sinh giữa các quốc gia Đông Bắc Á sau những diễn biến phức tạp gần đây trong khu vực.

Theo cựu phó đô đốc Nhật Bản Hideaki Kaneda, bất kỳ động thái nào của chính quyền Trump ở khu vực này đều rất quan trọng, bởi nó xác định tình hình trên bán đảo Triều Tiên được cải thiện hay tiếp tục xấu đi. "Nhưng đây lại là một tình huống rất bấp bênh. Mỹ muốn liên kết Nhật – Hàn – Trung để giải quyết vấn đề Triều Tiên nhưng mối quan hệ rối rắm giữa các bên khiến điều đó trở nên khó khả thi" – ông Kaneda nhận định.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết